Đại Quang Minh làm 4 tuyến đường 'dát vàng', đổi lấy 79ha ‘đất kim cương’

Sự kiện - Ngày đăng : 06:51, 11/05/2018

Trung bình, mỗi ki lô mét đường mà Công ty Đại Quang Minh đầu tư, xây dựng tại khu đô thị Thủ Thiêm có chi phí khoảng 1.000 tỉ đồng. Mức giá này gấp 5 lần cao tốc Bắc - Nam (khoảng 180 tỉ đồng/km) và 4 lần cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (khoảng 250 tỉ đồng/km).

Làm 4 tuyến đường đổi được 79ha đất Thủ Thiêm

Vào tháng 11.2013, Công ty cổ phần Đầu tư Bất động sản Đại Quang Minh được UBND TP.HCM giao xây dựng 4 tuyến đường tại khu đô thị mới Thủ Thiêm có tổng chiều dài 11,9 km theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao).

Bốn tuyến đường này được đặt ký hiệu là R1 (Đại lộ Vòng Cung) dài 3,4 km, mặt cắt ngang 55m; R2 (đường Ven hồ trung tâm) dài 3km, mặt cắt ngang 29,2 m; R3 (đường Ven sông Sài Gòn) dài 3km, mặt cắt ngang 28,1 m, R4 (đường Vùng châu thổ, đường Châu thổ, đường Ven sông - khu dân cư) dài 2,5 km, mặt cắt ngang 11,6 m. Dự án này còn bao gồm xây dựng 10 cầu với tổng chiều dài khoảng 1,8 km.

Như vậy, chỉ có tuyến đường Đại lộ vòng cung là lớn nhất với mặt cắt ngang 55m, còn lại các đường khác nhỏ hơn. Thế nhưng, tổng mức đầu tư của dự án lại lên đến hơn 8.265 tỉ đồng, tính thêm cả chi phí dự phòng do trượt giá và lãi vay là 3.917 tỉ đồng. Tính ra trung bình mỗi ki lô mét có chi phí khoảng 1.000 tỉ đồng, một mức giá quá cao. Mức giá này gấp 5 lần cao tốc Bắc - Nam (khoảng 180 tỉ đồng/km) và 4 lần cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (khoảng 250 tỉ đồng/km).

Các con đường này được hoạch định là bốn tuyến huyết mạch, nối liền tất cả tám phân khu chức năng của khu đô thị mới Thủ Thiêm và kết nối đại lộ Mai Chí Thọ. Đồng thời, bốn tuyến này cũng kết nối với quận 4, quận 7 thông qua các cầu Thủ Thiêm 3, Thủ Thiêm 4. TP.HCM kỳ vọng những tuyến đường này sẽ thúc đẩy sự phát triển và thu hút đầu tư cho khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Bản đồ 4 tuyến đường mà Đại Quang Minh xây dựng ở khu đô thị Thủ Thiêm - Ảnh: Đại Quang Minh

Đặc biệt, để thực hiện việc xây dựng bốn tuyến đường này, UBND TP.HCM đã cấp cho Đại Quang Minh gần 79ha đất tại phường Thủ Thiêm và phường An Lợi Đông.

Chưa dừng lại ở đó, ngày 19.6.2015, Đại Quang Minh và UBND TP.HCM tiếp tục ký kết hợp đồng BT thực hiện dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm 2, với tổng mức đầu tư là 3.082 tỉ đồng. Dự án này có quy mô 6 làn xe, tổng chiều dài 1.465 m, trong đó phần cầu dài 885,7m. Để xây cây cầu này, Đại Quang Minh lại được TP.HCM giao 26ha đất tại khu chức năng số 6 thuộc khu đô thị mới Thủ Thiêm để thực hiện các dự án bất động sản. Tổng cộng, Đại Quang Minh đã được chính quyền TP.HCM giao 105 ha đất tại Thủ Thiêm.

Phần đất này được mệnh danh là “đất kim cương” và đang được Đại Quang Minh xây dựng thành khu đô thị Sala với hàng loạt biệt thự, khu chung cư, trung tâm thương mại… Khu vực này hiện là nơi có giá nhà đất rất đắt đỏ khi mỗi căn hộ có giá lên đến hàng chục tỉ đồng. Mỗi mét vuông đất ở đây cũng được chủ đầu tư bán với giá trên 350 triệu đồng/m2.

Đáng chú ý, trước đó, UBND TP.HCM có văn bản chấp thuận cho Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) lập dự án đầu tư 3 tuyến đường trong khu đô thị mới Thủ Thiêm theo hình thức BT. Sau đó, UBND TP.HCM trình Thủ tướng phê duyệt và bổ sung thêm 1 tuyến đường nữa. Đến tháng 11.2009, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ký chấp thuận, giao UBND TP.HCM lựa chọn nhà đầu tư.

Mặc dù vậy, Tổng công ty VIDIFI đã đề nghị hợp tác với Đại Quang Minh để xây dựng bốn tuyến đường này và được UBND TP.HCM đồng ý vào tháng 12.2012. Bất ngờ đến cuối tháng 5.2013, VIDIFI thông báo rút khỏi dự án, còn lại một mình Đại Quang Minh thực hiện. Vì vậy, tháng 11.2013, Đại Quang Minh chính thức được UBND TP.HCM giao xây dựng 4 tuyến đường tại khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Bốn tuyến đường trên được Đại Quang Minh triển khai thi công từ tháng 2.2014, thời gian thi công hoàn thành công trình là 36 tháng. Tuy nhiên, đến nay, dự án mới chỉ hoàn thành những đoạn không vướng bồi thường giải phóng mặt bằng nên toàn tuyến vẫn chưa đưa vào sử dụng thông suốt. Trong khi đó, ở phần đất hoán đổi, Đại Quang Minh đã xây dựng Sala thành khu đô thị hoành tráng và được rao bán rầm rộ.

Dưới đây là hình ảnh 4 tuyến đường được PV ghi lại vào ngày 10.5:

Tuyến R1 nhìn về hướng quận 1 đã được xây dựng khá khang trang

Tuyến R2 nhìn từ Đại lộ Mai Chí Thọ

Nút giao tuyến R1 và R4

Tuyến R3 đang được xây dựng dang dở

Tuyến R4 - Đường châu thổ trên cao

Cầu sắt bắc ngang qua hầm sông Sài Gòn cũng đang được xây dựng

“Phải chăng đây là con đường dát vàng?”

Trong buổi tiếp xúc cử tri quận 2, TP.HCM với đoàn đại biểu Quốc hội diễn ra ngày 9.5, nhiều cử tri nhận định với chi phí 12.000 tỉ đồng cho 12km thì đây là con đường “đắt nhất hành tinh”.

Cử tri Nguyễn Tiến Thịnh cho rằng, 4 con đường trong khu đô thị Thủ Thiêm dài 12km nhưng đầu tư đến 12.000 tỉ đồng, tính ra mỗi cây số 1.000 tỉ đồng là siêu đắt. Phải chăng đây là con đường dát vàng?

"Việc giao đất cho Công ty Đại Quang Minh bao nhiêu héc ta cần phải làm rõ, bởi đây là đất của nhân dân, tiền của nhân dân. Chúng tôi hy sinh đất cho khu đô thị Thủ Thiêm nhưng 20 năm qua vẫn không cóquảng trường trung tâm, không có khu vui chơi, mà chỉ có biệt thự, villa, nghĩa là sao? Đề nghị đoàn Đại biểu Quốc hội làm rõ", ông Thịnh bức xúc.

Theo nhiều người nhìn nhận, 4 tuyến đường tại khu đô thị Thủ Thiêm chủ yếu phục vụ cho khu đô thị Sala, bởi nhờ các tuyến đường này, mỗi mét vuông đất tại khu đô thị trên được chủ đầu tư "thổi giá" từng ngày. Hiện nay, khu đô thị Sala được mệnh danh là “khu nhà giàu mới” ở TP.HCM do mỗi căn hộ được Đại Quang Minh bán với giá hàng chục tỉ đồng.

Khu nhà phố, biệt thự trên đường Nguyễn Cơ Thạch trong khu đô thị Sala đã được Đại Quang Minh xây dựng gần nhưhoàn chỉnh

Liên quan đến 4 tuyến đường siêu đắt, chưa hoàn thiện đổi đất kim cương ở Thủ Thiêm, mới đây, Công ty Đại Quang Minh đã chính thức lên tiếng với báo chí.

Theo đó, Công ty Đại Quang Minh nói rằng chi phí đầu tư thực tế của 4 tuyến đường mà dư luận đang xôn xao chỉ hơn 8.000 tỉ đồng. Đến nay, chủ đầu tư này đã giải ngân khoảng 6.000 tỉ cho các đơn vị thi công. Còn số tiền 3.900 tỉ đồng cho các khoản chi phí trượt giá và chi phí lãi vay trong tổng mức 12.000 tỉ đồng không được tính trên thực tế.

Bài và ảnh: Phan Diệu

Phan Diệu