Bệnh nhân tử vong khi mổ gãy tay: Tai biến y khoa không mong muốn
Thông tin Y học - Ngày đăng : 12:39, 14/05/2018
Theo báo cáo ban đầu, bệnh nhân Vương Đình Cường (37 tuổi, ở huyện Quốc Oai, Hà Nội) vào viện với chẩn đoán gãy xương cẳng tay. Sau khi thăm khám, các bác sĩ lên lịch mổ cho bệnh nhân, chứ không phải mổ cấp cứu. Sau khi phẫu thuật xong, bệnh nhân bị ngừng tim đột ngột, dù các bác sĩ đã nỗ lực cứu chữa nhưng bệnh nhân đã không qua khỏi.
Trả lời phóng viên về vụ việc này, ông Đào Thiện Tiến - Giám đốc bệnh viện đa khoa Hà Đông cho biết đây là một tai biến y khoa không hề mong muốn.
"Sau khi tiến hành phẫu thuật, bệnh nhân xuất hiện tình trạng ngừng tim và ngay lập tức được các bác sĩ liên khoa tập trung cấp cứu nhưng do tình trạng bệnh nhân quá nặng nên đã tử vong.Kết quả hội chẩn cho kết quả bước đầu có thể bệnh nhân bị tắc mạch phổi do mỡ và bệnh viện cũng đã có báo cáo cụ thể lên Sở Y tế và công an quận Hà Đông để giải quyết".
Tuy nhiên, về phía gia đình bệnh nhân, họ khẳng định trước khi vào bệnh viện, bệnh nhân được thăm khám, xét nghiệm với sức khỏe tốt, không có dấu hiệu bệnh lý nào khác ngoài chấn thương ở cánh tay.
Chia sẻ với phóng viên, đại diện Bộ Y tế cho biết sau khi nhận được thông tin, Bộ Y tế đã đình chỉ toàn bộ kíp phẫu thuật và kíp gây mê. Yêu cầu các cá nhân liên quan đến công tác điều trị, phẫu thuật, gây mê thực hiện tường trình bằng văn bản, đồng thời cũng tiến hành giải phẫu tử thi để gia đình được biết.
"Hiện nguyên nhân dẫn đến tử vong chưa được làm rõ do cơ địa bệnh nhân hay do quy trình. Nhưng chúng tôi khẳng định sẽ xử trí vụ việc công khai, minh bạch, hiện công an đang niêm phong hồ sơ bệnh án của bệnh nhân để phục vụ điều tra" - đại diện Bộ Y tế cho hay.
Liên quan đến sự kiện này - PGS.TS Trần Trung Dũng - Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, một bác sĩ ngành Ngoại khoa và Gây mê Hồi sức của Sở Y tế Hà Nội cho rằng,bệnh nhân được gây mê toàn thân với nội khí quản là một phương pháp an toàn.
"Tuy nhiên chúng ta cũng cần biết tất cả các trường hợp bất thường trong gây mê, hồi sức đều được chuyển qua gây mê toàn thân và hỗ trợ thở máy. Với thông tin nạn nhân tại bệnh viện đa khoa Hà Đông, tôi cho rằng có thể nghĩ đến vấn đề tắc mạch phổi. Việc này trong y văn thế giới cũng đã nhắc đến đối với bệnh nhân gãy xươngcũng như các thương tổn chấn thương khác, và thực tiễn tại Việt Nam cũng đã xảy ra ở cả những trung tâm phẫu thuật ngoại khoa rất lớn.
Có trường hợp bác sĩ còn chưa kịp đưa dụng cụ kết hợp xương vào để cố định, bệnh nhân đã bị suy hô hấp dẫn đến tử vong. Để có kết luận chính xác hơn về mặt nguyên nhân, chúng ta phải chờ kết quả của pháp y và bệnh nhân này được làm pháp y, do đó sẽ có những trả lời khách quan và rõ ràng về nguyên nhân tử vong của bệnh nhân”, BS. Dũng nhấn mạnh.
Chính vì vậy, trường hợp bệnh nhântử vong sau khi phẫu thuật mổ tay tại bệnh viện đa khoa Hà Đông chưa thể xác định nguyên nhân do đâu mà phải chờ giám định pháp y và các chuyên gia đầu ngành.
Dạ Thảo