Hè này rủ nhau về làng Hòa An làm ‘Bá hộ’
Du lịch - Ngày đăng : 10:22, 15/05/2018
Một địa danh lạ hoắc nằm trong khu di tích cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (1862 - 1929), thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có đứa ấm ức “Tao tới đó mấy lần, mà đâu biết?”. Đứa khác phụ họa “Tao có nghe nói loáng thoáng cụ Phó Bảng xưa ở làng Hòa An, cứ tưởng đâu xa lắc. Ai dè”. Mở xem hình và các bài viết về Làng Du lịch Hòa An trên google mới biết mình lạc hậu. Có nhiều thứ hấp dẫn, đọc và xem hình là muốn phượt ngay.
Số là trong Khu di tích cụ Phó Bảng, ngay trên vùng đất làng Hòa An xưa, tỉnh Đồng Tháp cho phục dựng những nhà sàn cũ. Có nhà sàn của giới bá hộ, địa chủ. Có nhà sàn của giới trung lưu và của những tá điền nghèo khó. Có nhà mà cụ Nguyễn Sinh Sắc từng ở. Bộ sưu tập nhà sàn nhằm bảo tồn và minh họa cho khách tham quan về đời sống vùng đất đã cưu mang cụ Phó bảng. Theo đề xuất của một số du khách và các chuyên gia tư vấn, từ tháng 12.2017, Sở Văn hóa Thể thao Du lịch Đồng Tháp đã cho sắp xếp và bổ sung vài hạng mục nhỏ, chuyển đổi công năng các nhà sàn cao cấp thành dịch vụ homestay độc đáo. Đáng mừng là việc cải tạo vẫn giữ nguyên hiện trạng, tôn trọng nguyên mẫu, chỉ làm thêm khu vệ sinh bên cạnh.
Vào làng, khách ngỡ ngàng như trở lại chốn xưa cạnh con rạch nhỏ với những bến nước, xuồng ba lá, cầu khỉ, vó cá, ụ rơm, chiếc xe bò… Con đường làng thân quen hoài niệm với những loài cây gần gũi : dừa, ô môi, cà na, bằng lăng (thao lao), sanh, điên điển, súng, sen… và cây ăn trái.Xa hơn chút là mấy vạt dưa, cà, đậu bắp, đậu đũa… Hàng rào dâm bụt hoặc trang (mẫu đơn) và lu nước mát với gáo dừa, những chiếc ghế dân dã và những giỏ rác sinh thái, vừa như nhắc nhở và mời khách dừng chân, ghé nhà.
Những ngôi nhà sán thoáng mát, rộng rãi tạo cảm giác thoải mái và hiếu khách. Gió vồn vã suốt ngày, có lúc mãi chơi nên trốn biệt. Mắc hoặc nằm ghế bố trước hiên, có thể ngày cả ngày ríu rít tiếng chim trò chuyện hay rền tiếng ve gọi hè. Buổi tối đường làng lung linh mờ ảo, nhất là những đêm rằm lênh láng vàng trăng. Đêm nghe lá thì thầm, cỏ cây tình tự và côn trùng hòa tấu tỉ tê rả rích. Nếu tinh tế có thể cảm được cả sương rơi. Thi thoảng giật mình vì tiếng chó sủa vu vơ, tiếng chuông chùa ngân nhẹ và tiếng gà hư không. Khi ông mặt trời còn ngái ngủ, lũ chim sâu đã ríu rít gọi bình minh và chào ngày mới, đã nghe tiếng chổi quét xào xạc hay rộn rã âm thanh nước tưới cây. Thích nhất là nghe mưa đêm rơi trên ngói cổ, trầm buồn như lời ru của mẹ thủa nằm nôi.
Nhà nào cũng làm bằng gỗ quývới nhiều hiện vật cổ giá trị. Từ liễn, tràng kỷ, bàn, ghế đến phản nằm đều gợi nhớ cảnh cũ người xưa. Nằm ngủ trên phản lim mát rượi hay trải nệm ấm êm tùy thích. Từng chỗ ngủ đều có mùng, màn ngăn, ổ cắm điện, đèn ngủ… thiết kế hài hòa và vẫn giữ được nét xưa. Hệ thống nhà tắm có nước nóng, nhà vệ sinh sạch đẹp, thông thoáng chứ không phải "đi ngoài" như các bá hộ ngày xưa.
Có khách ví von ở nhà sàn Hòa An cứ tưởng mình là bá hộ.. Thời xưa, kể cả địa chủ cũng làm gì có máy lạnh, chỉ có quạt tay. Những bá hộ thời nay có thêm quạt máy, ti vi, nước nóng tự động, nệm dày 2 tấc, wifi...
Dân sài Gòn và các vùng thành thị, quanh năm suốt tháng giam mình trong phòng lạnh kín mít, hết cơ quan rồi về nhà. Ra đường thì ồn ào xe cộ, ngột ngạt khói bụi. Về đây như đổi gió, đổi đời, sống cảnh làng quê chân thực, tĩnh lặng với không khí trong lành. Có thể dạo chơi đường làng, chèo xuồng ba lá giăng câu, cất vó hay chăm sóc mấy giàn bầu bí, mấy vạt rau quanh nhà. Vào vườn dược liệu tìm hiểu và ghé Phòng chẩn trị Đông Y để bắt mạch kiểm tra sức khỏe. Nhận biết các loại nhà sàn đặc trưng Nam bộ như nhà chữ Đinh, nhà Bát dần, nhà Nọc ngựa…
Bên cạnh những căn nhà sàn gỗ quí khang trang của giới địa chủ là những ngôi nhà trệt của người dân bình thường và những căn nhà lá tuềnh toàng như cuộc sống bấp bênh của các tá điền, những người làm thuê, ở đợ. Bốn vách lá, trống trước hở sau, chủ yếu để che nắng; khác hẳn với những căn nhà sàn bề thế như hai mặt đối nghịch. Trong làng còn có những mô hình tổ nghề như xắt thuốc rê, chằm lá, đan dụng cụ bắt cá, rèn, mộc, đờn ca tài tử, đá gà…; sống động, gợi nhớ về vùng quê Nam bộ bình yên. Kế bên là những cảnh thật của đời thường như cất vó, câu cá, chăm sóc cây cảnh, hái cà na, đá gà thật, hớt tóc, đờn ca tài tử…
Từ đầu năm 2018, các nhà sàn địa chủ ở Hòa An được cải tạo để đón khách - những bá hộ thời @, như một loại hình lưu trú độc đáo, chỉ có ở Đồng Tháp. Du khách sẽ là chủ nhân những ngôi nhà sàn bạc tỷ, ngủ trên những chiếc giường cổ với nệm hay tấm ván ngựa bằng gỗ quý mát rượi, tinh tươm, ấm cúng.Dù là homestay nhưng khách vào có Welcome Drink với sâm Cao Lãnh và khăn lạnh. Giá cả rất mềm. Khách gia đình và nhóm bạn, có thể thuê nguyên căn với người phục vụ riêng.
Cách Hòa An 30km độ lại có nhiều điểm đến ấn tượng. Ngay thành phố Cao Lãnh có Đền thờ chủ chợ Cao Lãnh - chủ chợ duy nhất được thờ trang trọng ở Việt Nam và làng nhà vườn trái cây đặc sản Tân Thuận Động. Ở huyện Cao Lãnh có khu du lịch sinh thái Gáo Giồng - sân chim lớn nhất Nam bộ và khu di tích Xẻo Quít - thủy đạo thép anh dũng của miền Tây kiên cường. Có cồn Phú Mỹ, làng thân thiên Nam bộ với đường hoa khoe sắc, bộ sưu tập ô mô - hoa báo Xuân, trái bào Hè và thảm rau nhút bạt ngàn trên trên phụ lưu sông Tiền ở huyện Thanh Bình. Xa hơn chút có vương quốc tràm và chim Tam Nông - Đồng Tháp Mười thu nhỏ. Có làng đóng thuyền ở rạch Bà Đài lớn nhất miền Nam, làng nem và những vườn quít hồng ở huyện Lai Vung. Có làng Chiếu Định Yên với chợ chiếu Âm Phủ lừng danh và khu du lịch văn hóa Phương Nam với Nam Phương Linh Từ, thờ và ghi công các bậc tiền nhân có công mở cõi phương Nam ở Lấp Vò. Có làng hoa Tân Qui Đông, thủ đô hoa Việt với trên 2.000 loại trồng ngoài trời và trên ruộng ngập. Có làng Lò Gạch hoang đẹp ngỡ ngàng ở huyện Châu Thành. Có nhiều món ngon đặc trưng không đâu có. Lạ nhất là hủ tíu Bà Xẩm, rẻ và ngon nhất châu Á, giá chỉ 6.000 đồng, tô đặc biệt 10.000 đồng…
Hè này, về Cao Lãnh thử làm bá hộ mấy ngày để có thêm bao điều kỳ thú. Phải ở cả tuần mới khám phá và trải nghiệm hết vùng đất Sen hồng. Sen Đồng Tháp không chê bùn hôi mà tự hào bởi “Nhờ bùn nuôi dưỡng ngát thơm hương đời!”.
Nguyễn Văn Mỹ