Những sai phạm của bác sĩ BV Bình Dân 'dụ' bệnh nhân ra ngoài mổ ​

Thông tin Y học - Ngày đăng : 17:39, 14/05/2018

Bác sĩ Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM) “dụ” bệnh nhân ra ngoài mổ dẫn đến tử vong, Hội đồng chuyên môn Sở Y tế TP.HCM nhận định cả bác sĩ mổ và Bệnh viện Đa khoa Bưu Điện – nơi thực hiện ca phẫu thuật cho bệnh nhân này đều có nhiều sai phạm về chuyên môn và đã chuyển hồ sơ sang Thanh tra Sở Y tế TP để tiến hành điều tra, xử lý.
                    

Ngày 14.5, Sở Y Tế TP.HCM đã chính thức thông tin kết luận của Hội đồng chuyên môn về vụ bác sĩ Sử (Bệnh viện Bình Dân TP.HCM ) “dụ” bệnh nhân Bùi Hoa Sương (66 tuổi) đến Bệnh viện Đa khoa Bưu Điện phẫu thuật dẫn đến tử vong hôm 17.4.

Theo đó, bệnh nhân Sương tử vong được xác định là do “sốc nhiễm khuẩn suy đa cơ quan không hồi phục trên bệnh nhân viêm phúc mạc do bục miệng nối trực tràng sau phẫu thuật STARR”. Tuy nhiên để bệnh nhân xảy ra tình trạng trên, Bệnh viện Đa khoa Bưu Điện và cá nhân bác sĩ Sử có nhiều sai sót về chuyên môn, bản thân bác sĩ Sử còn có dấu hiệu phẫu thuật "chui" khi chưa cung cấp chứng chỉ hành nghề.

Cụ thể, bệnh nhân Sương được chẩn đoán tại Bệnh viện Bình Dân vào tháng 2.2018, nhưng chỉ định phẫu thuật vào tháng 4.2018 tại Bệnh viện Đa khoa Bưu Điện là chưa phù hợp.

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho biết, Hội đồng chuyên môn nhận định đến thời điểm tháng 4.2018 tình trạng bệnh của bệnh nhân chuyển biến nặng hơn ở thời điểm lúc chẩn đoán vào tháng 2.2018, nhưng bác sĩ và Bệnh viện Bưu Điện đã không tiến hành đánh giá lại bằng các xét nghiệm hoặc X-quang, MRI... mà tiến hành mổ nên đã không lường trước. Chính điều này đã dẫn đến bệnh nhân tử vong.

Qua phân tích của Hội đồng chuyên môn cho thấy, Bệnh viện Bưu Điện không thực hiện các xét nghiệm và các kỹ thuật cận lâm sàng khác vào sát thời điểm mổ là tháng 4.2018 nhưng vẫn tiến hành mổ nên đã không có sự chuẩn bị, thiếu kháng sinh dự phòng dẫn đến người bệnh mập, suy đa cơ quan... gây nguy hiểm.

Trong ca mổ này, bác sĩ lâm sàng và cận lâm sàng chưa có sự phối hợp, không mời các chuyên gia hỗ trợ để thực hiện những ca khó mà Bệnh viện Bưu Điện lẳng lặng làm và dẫn đến hậu quả nghiêm trọng trên.

Đối với trường hợp bác sĩ Sử - người trực tiếp “dụ” bệnh nhân Sương qua Bệnh viện Bưu Điện và trực tiếp mổ tại đây, bà Mai cho biết bác sĩ này đã không nộp chứng chỉ hành nghề cho Bệnh viện Bưu Điện để bệnh viện báo cáo cho Sở Y tế TP theo quy định.

“Bác sĩ Sử chỉ ký hợp đồng làm việc ngoài giờ tại Bệnh viện Bưu Điện, nhưng không cung cấp chứng chỉ hành nghề để bệnh viện này báo cáo cho Sở Y tế TP nắm là một sai phạm trong việc hành nghề”, bà Mai nói.

Tuy nhiên, khi phóng viên đặt vấn đề bác sĩ Sử được chấp nhận làm việc ngoài giờ tại Bệnh viện Bưu Điện thì Bệnh viện Bình Dân phải biết bác sĩ của mình đang làm những gì ở đó? Điều này bà Mai cho biết bác sĩ Sử có báo cáo với Bệnh viện Bình Dân hay không thì Sở Y tế TP không biết. Tuy nhiên, về nguyên tắc khi bác sĩ Sử làm việc ở một nơi khác phải có báo cáo cho Ban giám đốc Sở Y tế, nhưng bác sĩ này đã không báo cáo. Vì thế phòng tổ chức cán bộ (Sở Y tế TP.HCM) sẽ yêu cầu Bệnh viện Bình Dân xử lý các vấn đề tiếp theo.

“Sau khi có kết luận của Hội đồng chuyên môn, Thanh tra Sở Y tế sẽ mời bác sĩ Sử đến để làm việc nhằm làm rõ các vấn đề có liên quan”, bà Mai cho biết thêm.

Riêng về trường hợp bệnh nhân Lê Ngọc Trâm (30 tuổi, ngụ quận 9, TP.HCM ) tử vong vào ngày 20.4 sau khi tiêm thuốc điều trị bệnh dị ứng tại Bệnh viện An Sinh, bà Mai cho biết Hội đồng chuyên môn Sở Y tế đã kết luận bệnh nhân này bị sốc phản vệ độ IV do dị ứng thức ăn và tử vong do tổn thương đa cơ quan, chứ không phải do thuốc.

“Các bệnh viện cũng đã tìm chất thuốc trong cơ thể bệnh nhân này và cho thấy có chất thuốc điều trị nhưng không phải gây độc”, bà Mai nói.

Tuy nhiên, Hội đồng chuyên môn cũng đề nghị Bệnh viện An Sinh rút kinh nghiệm trong việc chống sốc phản vệ ở bệnh nhân Trâm.

Thay vì các bác sĩ ở đây xử lý chống sốc phản vệ bằng cách tiêm dưới da thì nên tiêm bắp Adrenalin; phải hội chẩn sớm liên viện sớm ngay từ khi cấp cứu ngừng hô hấp tuần hoàn thành công; cần chụp X-quang phổi tại giường kèm siêu âm tim để đánh giá chức năng co bóp cơ tim và thể tích máu để tìm và xử lý nguyên nhân phồi phổi.

Hồ Quang

            

Hồ Quang