Hồ Duy Hải có còn cơ hội thoát án tử?

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 06:45, 10/05/2020

Luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn luật sư TP.HCM cho rằng, Hải hiện nay vẫn còn cơ hội nếu Quyết định của hội đồng thẩm phán vừa qua có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc có phát hiện tình tiết quan trọng, mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định mà hội đồng thẩm phán tòa án tối cao không được biết khi ra quyết định.
Hồ Duy Hải bị tuyên tử hình trong vụ 2 cô gái bị sát hại ở Bưu điện Cầu Voi - Ảnh: Internet

Chiều 8.5, sau 3 ngày làm việc, phiên giám đốc thẩm vụ án tử tù Hồ Duy Hải do Hội đồng Thẩm phán Toà án Nhân dân (TAND) tối cao tiến hành đã khép lại.

Kết luận, Hội đồng Thẩm phán đã bác kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND tối cao, tuyên y án tử hình với Hồ Duy Hải.

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn luật sư TP.HCM cho biết, vụ án Hồ Duy Hải Chủ tịch nước đã bác đơn xin đề nghị ân xá của Hồ Duy Hải trước đây nên Hải sẽ không có cơ hội được ân xá nếu vụ án không được hủy và không được điều tra, truy tố, xét xử lại...

Theo đó, việc Hải có bị thi hành án không và khi nào thi hành, có hoãn thi hành án không còn tùy vào nhiều yếu tố và các vấn đề phát sinh mới cũng như các quyết định của cơ quan/cá nhân có thẩm quyền khác đối với vụ án.

Luật sư Hùng cho rằng, Hải hiện nay vẫn còn cơ hội nếu Quyết định của hội đồng thẩm phán vừa qua có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc có phát hiện tình tiết quan trọng, mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định mà hội đồng thẩm phán tòa án tối cao không được biết khi ra quyết định.

Theo quy định tại Điều 404 Bộ luật tố tụng hình sự quy định về yêu cầu, kiến nghị, đề nghị xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao như sau:

Khi có căn cứ xác định quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định mà Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao không biết được khi ra quyết định đó.

Nếu Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu, Ủy ban tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đề nghị thì Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối phải mở phiên họp để xem xét lại quyết định đó.

Trường hợp Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu thì Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có trách nhiệm báo cáo Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Trường hợp Ủy ban tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị thì Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao mở phiên họp xem xét kiến nghị đó. Trường hợp Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đề nghị thì báo cáo Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao mở phiên họp xem xét đề nghị đó.

Như vậy, theo ông Hùng, căn cứ theo quy định trên thì khi có căn cứ xác định quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định mà Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao không biết được khi ra quyết định đó, nếu Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu, Ủy ban tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đề nghị thì Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao phải mở phiên họp để xem xét lại quyết định đó.

Còn ĐBQH Lê Thanh Vân cho rằng, phiên giám đốc thẩm do Hội đồng thẩm phán Toà án Nhân dân tối cao tiến hành đã khép lại, với phán quyết: bác kháng nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc tính mạng của tử tù Hồ Duy Hải là vô cùng mong manh.

Theo ông Vân, nỗi oan khuất của 2 cô gái chết trẻ phải được làm rõ để thân nhân của họ tin tưởng vào sự nghiêm minh của pháp luật.

"Kẻ thủ ác phải bị trừng trị đích đáng, nhưng phải đúng người, đúng tội; không thể kết án oan sai. Đó là mong muốn chung của tất cả mọi người có lương tri", ĐBQH Lê Thanh Vân nói.

Ông Vân cũng nêu quan điểm, khi xét án phải dựa trên nguyên tắc suy đoán vô tội để tránh hàm oan cho đương sự.

Đáng chú ý, ĐBQH Lê Thanh Vân nhìn nhận phán quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao chưa thực sự thuyết phục trước nhiều vấn đề bất minh mà xã hội đang rất quan tâm trong vụ án này.

"Việc thực hiện ngay một cuộc giám sát tối cao của Quốc hội đối với hoạt động xét xử trong vụ án này là rất cần thiết. Tôi nguyện sẽ hết sức mình để thúc đẩy công việc ấy", ĐBQH Lê Thanh Vân bày tỏ.

Lam Thanh