Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang nghiên cứu vụ án Hồ Duy Hải

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 19:13, 18/05/2020

Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa 14 sẽ không tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp toàn thể của Quốc hội, đại biểu quốc hội gửi chất vấn bằng văn bản đến người được chất vấn.
Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì họp báo - Ảnh: VPQH

Chiều 18.5, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã chủ trì Họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa 14.

Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa 14 sẽ khai mạc vào ngày 20.5.2020 và tiến hành theo 2 đợt: Đợt 1 họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 63 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (từ ngày 20.5 đến ngày 29.5.2020); Đợt 2 họp tập trung tại Nhà Quốc hội (từ ngày 8.6 đến ngày 18.6.2020). Quốc hội họp phiên bế mạc vào ngày 18.6.2020.

Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa 14, thời gian dành cho công tác xây dựng pháp luật khoảng 10 ngày, chiếm hơn 50% tổng thời gian kỳ họp.

Đặc biệt, Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá 14 sẽ không tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp toàn thể của Quốc hội, đại biểu quốc hội gửi chất vấn bằng văn bản đến người được chất vấn.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành thời gian xem xét, thông qua 10 dự án Luật, 5 dự thảo Nghị quyết và cho ý kiến về 6 dự án Luật khác.

Về hoạt động giám sát tối cao, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” và biểu quyết thông qua Nghị quyết về nội dung này; biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2021.

Đây cũng là kỳ họp mà số lượng phóng viên sẽ được hạn chế. Không chỉ giảm về số lượng phóng viên tác nghiệp của mỗi cơ quan báo chí, số lượng phóng viên tác nghiệp tại hành lang Nhà Diên Hồng giờ giải lao, cũng sẽ giảm.

Phát biểu tại buổi họp báo, Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho biết, do diễn biến của dịch COVID-19 nên kỳ họp Quốc hội lần này được chia làm 2 đợt với cả hình thức họp trực tuyến, lẫn tập trung.

Với việc tổ chức họp trực tuyến, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết trong các phiên họp trực tuyến, đại biểu tại điểm cầu của 63 Đoàn đại biểu Quốc hội thực hiện đăng ký phát biểu, tranh luận qua đường dây nóng.

Đại biểu tại Hội trường Diên Hồng đăng ký phát biểu và tranh luận như các kỳ họp trước. Danh sách đăng ký phát biểu được kịp thời cập nhật vào hệ thống điều hành của Đoàn chủ tịch theo thứ tự đăng ký của đại biểu và được thể hiện trên màn hình tại Hội trường Diên Hồng.

Liên quan đến vụ án Hồ Duy Hải, ông Nguyễn Hạnh Phúc thừa nhận vừa rồi một số đại biểu quốc hội có ý kiến gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội để nêu ý kiến, kiến nghị về vụ án. Ông Phúc cho biết là ngày 8.5, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã có kết luận phiên giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải, quyết định giữ nguyên mức án đã được tòa sơ thẩm, phúc thẩm tuyên tử hình đối với Hồ Duy Hải.

"Ở nhiệm kỳ trước, Quốc hội đã thành lập đoàn giám sát liên quan đến vấn đề này do Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu làm trưởng đoàn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga làm phó trưởng đoàn. Sau đó, Ủy ban Tư pháp đã có kiến nghị về vụ án Hồ Duy Hải", ông Phúc cho hay.

"Quá trình cũng cho thấy gia đình Hồ Duy Hải liên tục khiếu nại, kêu oan. Dư luận trong nước và quốc tế cũng rất quan tâm. Hiện nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang giao các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, xử lý theo đúng quy định pháp luật", ông Phúc nói.

Về việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân, Phó tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Trường Giang cho biết theo quy định của Luật thuế Thu nhập cá nhân, khi chỉ số CPI tăng từ 20% trở lên thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. Như vậy luật đã quy định cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyền quyết định trên cơ sở tờ trình của Chính phủ.

Lam Thanh