Cò đất vẫn 'lộng hành' khiến giá đất tăng chóng mặt

Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 07:30, 18/05/2018

Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản đánh giá tình trạng đất nền sốt ảo sẽ để lại hậu quả nặng nề cho thị trường, bởi người ở thực không có đủ tiền mua đất vì giá quá cao. Còn người đầu cơ không có nhu cầu ở nhưng lại không bán được vì nếu bán sẽ lỗ nặng...

Giới đầu cơ ôm hàng, tạo sốt ảo

Theo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), thời gian qua, giá đất nền đã tăng cao tại một số địa phương. Nguyên nhân là một số nhóm đầu cơ tạo cơn sốt ảo.

Cụ thể, một nhóm nhà đầu tư đến từ Hà Nội, TP.HCM với tiềm lực tài chính mạnh đã đến những khu vực có quy hoạch xây dựng các khu đô thị mới, khu công nghiệp, khu kinh tế… để tạo ra thị trường, đẩy giá đất lên cao.

Khi thị trường chưa sôi động, họ mua một số lô đất với giá thấp, sau đó mua tiếp các lô đất gần đó hoặc mua đi bán lại những lô đất đã mua trước đây với giá cao hơn. Họ còn tung tin khu vực bắt đầu sốt đất để lôi kéo các nhà đầu tư khác.

Theo tâm lý đám đông, nhiều nhà đầu tư khác sẽ đổ xô vào mua đất để chờ giá lên, hình thành cơn sốt ảo. Sau đó, những nhà đầu cơ này rút đi, tạo nên làn sóng bán ra ồ ạt, còn những nhà đầu tư mua vào sau với giá cao sẽ phải bán cắt lỗ để tránh bị mắc kẹt.

Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản đánh giátình trạng trên để lại hậu quả nặng nề cho thị trường, bởi người ở thực không có đủ tiền mua đất vì giá quá cao. Còn người đầu cơ không có nhu cầu ở nhưng lại không bán được vì nếu bán sẽ lỗ nặng. Hậu quả tiếp theo là nhiều nhà đất để hoang, gây lãng phí tài nguyên và nguồn lực của xã hội.

Do đó, cơ quan này cho rằng nếu không chấn chỉnh tình trạng ấy kịp thời, không chỉ sự phát triển thị trường phải chịu tác động tiêu cực mà vấn đề an ninh kinh tế, trật tự an toàn xã hội cũng bị ảnh hưởng.

Trong khi đó, theo nhận định của nhiều chuyên gia bất động sản, cơn sốt đất nền tại TP.HCM và các tỉnh lân cận bùng phát trở lại cuối tháng 3 vừa qua là do xảy ra 2vụ cháy chung cư gây thiệt hại nặng về người và tài sản, khiến dòng tiền chuyển hướng sang đất nền.

Cạnh đó, TP.HCM cũng mới ban hành Quyết định 60/2017/QĐ-UBND quy định lại diện tích tối thiểu được tách thửa nên phần nào giúp người dân có cơ hội tách thửa đất nông nghiệp để phân lô bán nền khiến thị trường nhà đất nóng lên.

Ngoài ra, việc giới đầu tư thứ cấp đang thao túng thị trường cũng là nguyên nhân chính khiến giá đất nền ngày càng tăng chóng mặt. Đa phần các dự án phân lô bán nền mới ra hàng đều được giới đầu tư thứ cấp ôm hàng, tạo cầu ảo để đẩy giá lên cao.

Đất nền nhiều khu vực đang tăng giá chóng mặt - Ảnh: Phan Diệu

Cần hạ ngay cơn sốt

Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, đất nền sốt ảo như hiện nay rất nguy hại cho thị trường bất động sản, bởi đây là sốt ảo cục bộ. Hiện tại, có một số khu vực được quy hoạch là đặc khu kinh tế cũng tạo điều kiện cho giới đầu nậu, cò đất tung hoành. Việc này gây thiệt hại cho những người đầu cơ theo kiểu lướt sóng để kiếm chênh lệch giá. Vì vậy, Nhà nước cần có biện pháp mạnh để kiểm soát hoạt động của giới đầu nậu.

Trong khi đó, Sở Xây dựng TP.HCM đã kiến nghị UBND TP.HCM giao cho chính quyền địa phương và cơ quan công an địa phương rà soát các đối tượng tung tin sai lệch về thị trường, về giá đất để đẩy giá trục lợi. Đồng thời, công khai các tiến độ đầu tư hạ tầng kỹ thuật trọng điểm cũng như thông tin quy hoạch của TP.HCM để người dân nắm bắt tình hình, có thông tin chính xác. Từ đó, người mua có những quyết định đúng đắn liên quan đến đầu tư, tránh nghe những thông tin sai lệch làm cho thị trường xấu đi.

Trước tình hình “sốt” đất này, mới đây, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến giao UBND quận huyện có biện pháp thông tin, tuyên truyền cho người dân biết quy định về tách thửa đất, tránh việc người dân có nhu cầu thực sự bị các đối tượng đầu cơ lợi dụng, trục lợi, đẩy giá đất tăng cao. Song song đó là tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng đất và thực hiện quy hoạch.

Tương tự, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cũng vừa soạn công văn trình Bộ trưởng Xây dựng ký gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu kiểm tra tình hình, làm rõ nguyên nhân khiến thị trường biến động.

Qua đó, đề xuất thanh tra và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm về đất đai, kinh doanh bất động sản, xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức thổi giá, tạo giao dịch ảo để kiếm lời.

Đáng chú ý, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản nói rằng cần tập trung chỉ đạo các sở ngành áp dụng những biện pháp để ổn định thị trường như công khai các thông tin quy hoạch, định hướng phát triển hạ tầng...

Cơ quan này cũng đề xuất những biện pháp để ổn định thị trường, phòng ngừa, ngăn chặn hiện tượng đầu cơ, chuyển nhượng, phân lô bán nền trái phép, chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp,đất rừng khiến giá tăng bất thường, hình thành bong bóng bất động sản.

Phan Diệu

Phan Diệu