Chính phủ quyết liệt chỉ đạo vụ AVG, đất đai Đà Nẵng, đánh bạc qua mạng…
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 13:53, 21/05/2018
Tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XIV, Chính phủ đã báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng và ước thực hiện năm 2017. Theo báo cáo, tổng hợp kết quả đạt được cả năm cho thấy, những nhận định, đánh giá đã báo cáo Quốc hội cơ bản phù hợp, trong đó có 7/13 chỉ tiêu đạt kết quả tích cực hơn.
Đáng chú ý là tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,81% (đã báo cáo 6,7%), kim ngạch xuất khẩu tăng 21,2% (đã báo cáo 14,4%) và xuất siêu 2,9 tỉ USD (đã báo cáo nhập siêu 1,5% tổng kim ngạch nhập khẩu).
Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết Chính phủ đã dành nhiều thời gian hơn cho công tác xây dựng pháp luật tại các phiên họp Chính phủ hàng tháng. Đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành; phát huy vai trò Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về kiểm tra, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ giao cho các bộ, ngành, địa phương.
Công tác thanh tra được tập trung triển khai theo kế hoạch; nhiều vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, xã hội quan tâm đã được chỉ đạo quyết liệt, ban hành kết luận, được dư luận đồng tình, ủng hộ (như các vụ việc: AVG, đất đai tại Đà Nẵng…); việc xử lý sau thanh tra được tăng cường.
Công tác phòng chống tham nhũng được chú trọng; nghiêm túc triển khai các kết luận của đồng chí Tổng Bí thư tại các phiên họp của ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và các cuộc họp của lãnh đạo chủ chốt.
Tập trung điều tra, truy tố, xét xử công khai, nghiêm minh các vụ án tham nhũng lớn, dư luận quan tâm (như vụ đánh bạc và tổ chức đánh bạc trên internet, các vụ án liên quan đến sai phạm tại một số ngân hàng thương mại, PVN…). Trong 4 tháng, tổ chức tiếp trên 82 nghìn lượt công dân; giải quyết trên 5,4 nghìn vụ khiếu nại, tố cáo.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được thì thách thức là kinh tế vĩ mô ổn định chưa thật vững chắc. Mặc dù chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ lạm phát; cân đối ngân sách trung ương khó khăn; kỷ luật tài chính - NSNN có nơi chưa nghiêm. . Một số công trình trọng điểm chậm tiến độ và đội vốn…
Quản lý tài sản công nhiều nơi còn lỏng lẻo, thất thoát, lãng phí; phát hiện một số vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng về quản lý nhà, đất, phải xử lý hình sự. Việc quản lý, kiểm soát các hoạt động thanh toán qua mạng, chuyển tiền còn bất cập.
Cải cách thủ tục hành chính ở một số bộ, ngành, địa phương chưa có chuyển biến tích cực. Cổ phần hóa, thoái vốn có nơi còn chậm; nhiều doanh nghiệp đã cổ phần hóa nhưng chưa đăng ký niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Về giải pháp trong năm tới, Chính phủ bảo đảm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4% và thúc đẩy tăng trưởng GDP đạt trên 6,7%.
Tăng cường kỷ luật tài chính - NSNN; triệt để tiết kiệm chi NSNN, hạn chế tổ chức hội nghị, hội thảo, đi công tác trong và ngoài nước; phấn đấu bội chi NSNN dưới 3,7% GDP.
Quản lý, giám sát chặt chẽ các dự án đầu tư công; tăng cường phòng chống lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí. Tập trung chấn chỉnh những bất cập trong các dự án đối tác công tư (PPP), xử lý nghiêm các vi phạm.
Phát triển mạnh thị trường trong nước; xây dựng hệ thống phân phối đồng bộ và hiệu quả, đưa hàng hóa về các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Có giải pháp phù hợp không để tình trạng chi phối, lũng đoạn thị trường bán lẻ. Đẩy mạnh kết nối giữa doanh nghiệp, nhà phân phối và nông dân.
Triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 19 - 2018 của Chính phủ, tạo chuyển biến rõ nét về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, nhất là các nhóm chỉ tiêu xếp hạng thấp. Cắt giảm, đơn giản hóa 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm, thủ tục kiểm tra chuyên ngành và điều kiện đầu tư kinh doanh.
Tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Phấn đấu tỷ lệ tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33 - 34% GDP; trong đó tỷ trọng vốn đầu tư tư nhân khoảng 41%. Thu hút có chọn lọc các dự án FDI công nghệ cao, thân thiện môi trường.
Đẩy mạnh thực hiện kế hoạch thoái vốn, cổ phần hóa gắn với niêm yết trên thị trường chứng khoán theo nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch, đúng pháp luật và bảo đảm lợi ích cao nhất của Nhà nước. Tạo chuyển biến căn bản, xử lý dứt điểm các doanh nghiệp, dự án thua lỗ.
Phấn đấu năm 2018 tốc độ tăng trưởng GDP của khu vực nông nghiệp đạt khoảng 3,05%, kim ngạch xuất khẩu vượt 40 tỉUSD; có ít nhất 54 huyện và 39,8% xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Rà roát, điều chỉnh, hoàn thiện chiến lược, quy hoạch, cơ chế, chính sách cơ cấu lại các ngành công nghiệp, xây dựng. Phát triển mạnh công nghiệp chế biến, chế tạo, phục vụ nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ gắn với liên kết chuỗi giá trị của các tập đoàn đa quốc gia. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP của khu vực công nghiệp và xây dựng đạt khoảng 7,7%.
Đổi mới công tác xúc tiến, quảng bá du lịch; phát triển sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo; xây dựng thương hiệu du lịch Việt Nam và của từng vùng, miền, địa phương. Mở rộng áp dụng cấp thị thực điện tử và đơn phương miễn thị thực cho một số địa bàn trọng điểm, quan trọng. Phấn đấu thu hút 15 - 16 triệu lượt khách quốc tế và tốc độ tăng trưởng GDP của khu vực dịch vụ đạt khoảng 7,4%.
Lam Thanh