Luật An ninh mạng: 'Địa phương hóa' dữ liệu là không thực tế

Sự kiện - Ngày đăng : 11:47, 29/05/2018

Dự thảo Luật An ninh mạng được trình Quốc hội kỳ họp này nếu được thông qua và thực thi sẽ gây tác động ra sao đối với nền kinh tế?

Theo tính toán của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế chính trị châu Âu (ECIPE), chỉ riêng yêu cầu "địa phương hóa" dữ liệu - tức bắt buộc đặt máy chủ và lưu dữ liệu người dùng tại Việt Nam, có thể khiến GDP của Việt Nam sụt giảm 1,7%, đầu tư nước ngoài giảm 3,1% (so với việc không yêu cầu như hiện nay).

Cần lưu ý rằng, việc tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), mà Việt Nam mất rất nhiều nỗ lực để đàm phán, cũng chỉ mang lại thêm 3,5% tăng trưởng GDP (kịch bản lạc quan nhất), hay 1,1% GDP (kịch bản khiêm tốn nhất), theo tính toán của Ngân hàng Thế giới.

Thế nhưng, dù được phân tích và góp ý nhiều, yêu cầu "địa phương hóa" dữ liệu tuy được biên tập lại về ngôn ngữ nhưng bản chất pháp lý không hề thay đổi.

Theo đó, Dự thảo Luật không trực tiếp yêu cầu đặt máy chủ, dữ liệu tại Việt Nam, nhưng yêu cầu "lưu trữ tại Việt Nam đối với thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam". Đứng về mặt pháp lý, để tuân thủ được yêu cầu này, dữ liệu và máy chủ vẫn phải đặt tại Việt Nam.

TS Nguyễn Sỹ Dũng, Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nêu ý kiến, trong thế giới Internet toàn cầu ngày nay, không có biên giới về không gian, thông tin, nên yêu cầu "địa phương hóa" dữ liệu chung của người dùng là không thực tế và thiếu tính khả thi.

"Áp đặt công nghệ cho doanh nghiệp khiến chi phí phát sinh thì họ sẽ bỏ đi, hoặc hạn chế. Điều này sẽ tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội của Việt Nam trong khi đang cần kinh tế số để phát triển", ông Nguyễn Sỹ Dũng nhấn mạnh.

Theo ông Dũng, Luật An ninh mạng phải cân đối giữa mục tiêu bảo đảm an ninh và các mục tiêu khác mà không gian số mang lại.

"Chúng ta có thể rút kinh nghiệm từ các nước đã đưa ra Luật An ninh mạng để học theo, trừ những gì quá đặc biệt riêng của Việt Nam. Có như vậy mới tạo được không gian an toàn cho kinh doanh số", ông Dũng nói.

Ông Nguyễn Sỹ Dũng, Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: Luật An ninh mạng phải cân đối giữa mục tiêu bảo đảm an ninh và các mục tiêu khác mà không gian số mang lại

Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông (IPS) nhận định, Việt Nam chưa có chiến lược quốc gia về an ninh mạng, song cũng đã có nhiều văn bản luật và dưới luật, nhiều quy định về an ninh mạng và an toàn thông tin trên mạng đã được ban hành.

Cụ thể, tính đến hết tháng 4 năm nay, đã có 3 văn bản luật quy định về nội dung này, đó là Luật Công nghệ Thông tin năm 2006 (đang lấy ý kiến sửa đổi bổ sung), Luật Viễn thông năm 2009 và Luật An toàn Thông tin mạng năm 2015 (có hiệu lực từ 1.7.2016).

Các văn bản tập trung quy định các biện pháp kỹ thuật bảo đảm an ninh, an toàn thông tin; quản lý hoạt động của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, internet, các trang thông tin điện tử trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức trong việc đảm bảo an ninh, an toàn thông tin.

Bên cạnh các văn bản điều chỉnh trực tiếp, các nguyên tắc đảm bảo an ninh, an toàn thông tin cá nhân được quy định trong các văn bản pháp luật chuyên ngành…

Theo ông Nguyễn Minh Hồng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, Dự thảo Luật An ninh mạng khi đưa ra bàn thảo lấy ý kiến xây dựng tại Quốc hội lần này, cần nhìn nhận các văn bản pháp luật đã ban hành, tránh chồng chéo.

Dự thảo Luật An ninh mạng có nêu an ninh mạng là sự đảm bảo hoạt động trên không gian mạng, không gây phương hại đến an ninh quốc gia cũng như trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.

"Tuy nhiên, những hoạt động nào trên không gian mạng được coi là ảnh hưởng đến an ninh mạng… thì cần phải làm rõ. Cần làm sao để đưa được những quy định không ảnh hưởng hoặc ảnh hưởng ít nhất đến hoạt động của doanh nghiệp truyền thông số, công nghệ thông tin cũng như là doanh nghiệp an toàn thông tin...", Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng nhấn mạnh.

Vân Anh/VOV.VN

vov