Nga - Nhật bàn chiến lược đề phòng vỡ kế hoạch thượng đỉnh Mỹ -Triều
Quốc tế - Ngày đăng : 14:30, 22/05/2018
Trước khi đến thành phố St Petersburg (Nga), ông Abe nói với các nhà báo: “Tôi muốn xác nhận sự hợp tác để giải quyết vấn đề Triều Tiên”.
Các nhà phân tích nói Nhật sống trong nỗi sợ Triều Tiên có vũ khí hạt nhân (VKHN) nên ông Abe đang chuẩn bị một kế hoạch khẩn cấp, đề phòng cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ngày 12.6 tới (tại Singapore) không đạt được kết quả nào.
Ông Harry Kazianis, chủ nhiệm mảng nghiên cứu quốc phòng ở Trung tâm vì quyền lợi quốc gia (một tổ chức nghiên cứu ở Mỹ) nói với Newsweek: “Đối với Nhật, Nga có thể là một đối tác hữu ích, giúp gây sức ép với Bình Nhưỡng, nhất là khi Moscow nhiều lần bị chỉ trích không tích cực tuân thủ lệnh trừng phạt Triều Tiên. Chính phủ Putin có quan hệ tốt với chế độ Kim, và có thể chứng minh sự có ích”.
Ông Kazianis còn nói: "Nhật có thể lo ngại nếu cuộc gặp Kim - Trump đổ vỡ, và nhất là nếu như quan hệ Mỹ - Nga càng trở nên tệ hại hơn, thì Nga có thể hành động như một tay phá bĩnh về vấn đề Triều Tiên. Họ có thể dễ dàng gây hại cho sự trừng phạt Triều Tiên, giúp Bình Nhưỡng bằng cách viện trợ hệ thống phòng không hiện đại và nhiều phương tiện khác. Đối với Nhật, Triều Tiên là một vấn đề sống còn, và Nga có thể khiến nỗi sợ của Nhật càng lớn hơn”.
Quan hệ Mỹ - Nga xuống cấp, sau khi các cơ quan tình báo Mỹ kết luận Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016. Nhưng Mỹ cùng Hàn Quốc và Trung Quốc đã làm việc để tạo cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều. Thủ tướng Abe thì nỗ lực duy trì quan hệ tốt với ông Trump, đã cùng Mỹ kêu gọi bán đảo Triều Tiên được phi hạt nhân hoàn toàn.
Các quan chức ngoại giao quân sự Nga - Nhật cũng sẽ làm việc với nhau. Theo Newsweek, dự kiến Nhật sẽ vận động để máy bay dân sự có thể bắt đầu chở công dân Nhật đến quần đảo Nam Kuril để thăm mồ mả tổ tiền.
4 đảo thuộc quần đảo này là trọng tâm cuộc tranh chấp chủ quyền giữa Nga và Nhật, khiến hai bên không thể ký hiệp định hòa bình sau Thế chiến 2. Nga kiểm soát quần đảo từ năm 1949 và trục xuất tất cả các dân Nhật trên quần đảo.
Năm 2017, Nga cho phép công dân Nhật đến thăm quần đảo và được miễn visa, trong khi Nhật thúc đẩy hoạt động này sẽ diễn ra hàng năm.
Tại cuộc họp với lãnh đạo đảng Tự do dân chủ (LFP) hôm 21.5, Thủ tướng Abe nói ông sẽ cùng Tổng thống Nga bàn hợp tác kinh tế và nhân đạo ở Lãnh thổ phương Bắc (cách Nhật gọi quần đảo Nam Kuril).
Theo kế hoạch do chính phủ Nhật công bố, vào ngày 25.5, Tổng thống Putin, Thủ tướng Abe, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde sẽ dự Diễn đàn kinh tế quốc tế St. Petersburg (SPIEF).
Sau đó vào ngày 26.5, Thủ tướng Nhật dự lễ khai mạc Năm Trao đổi Văn hóa Nga - Nhật ở Nhà hát Bolshoi tại Moscow.
Bảo Vĩnh (theo Newsweek)