Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Luật Bảo vệ môi trường phải lấy sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 12:14, 26/05/2020
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 14, sáng ngày 26.5, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, đã trình bày tờ trình về dự án Luật BVMT (sửa đổi).
Chất lượng môi trường một số nơi kém vượt ngưỡng
Trình bày Tờ trình về dự án Luật BVMT (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết Luật BVMT 2014 đã đưa ra nhiều chính sách, cách tiếp cận đổi mới, tuy nhiên, những vấn đề và thách thức mới phát sinh từ thực tiễn cuộc sống, được nghị trường và các đại biểu Quốc hội quan tâm, phản ánh, trao đổi và thảo luận, đặt ra yêu cầu cấp thiết phải sửa đổi Luật BVMT.
Cụ thể, Luật BVMT hiện hành chưa tiếp cận và cập nhật kịp với những thay đổi nhanh chóng của thực tiễn. Cách thức quản lý còn mang nặng tính mệnh lệnh hành chính, chủ yếu dựa vào quy trình, thủ tục, chưa chú trọng quản lý theo mục tiêu và kết quả về BVMT. Một số quy định mới chỉ ở mức khung, chưa quy định chi tiết nên chưa bảo đảm các yếu tố thực thi. Nhiều nội dung về BVMT còn phân tán tại các luật khác nhau.
Môi trường nước ta đang diễn biến ngày càng phức tạp. Chất lượng môi trường tại một số nơi đã vượt ngưỡng cho phép, không còn khả năng tiếp nhận chất thải. Những sự cố môi trường lớn, sự bùng phát dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch COVID-19 đang gióng lên hồi chuông cảnh báo, đòi hỏi phải nhanh chóng thay đổi phương thức quản lý, kiểm soát về môi trường.
Nhiều quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển bền vững, BVMT và cam kết quốc tế mới liên quan đến môi trường (Hiệp định CPTPP, EVFTA…) cần sớm được thể chế hóa. Thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đòi hỏi cần đổi mới tư duy, cách thức trong quản lý môi trường.
Do vậy, đã đến lúc cần hình thành đạo luật về BVMT một cách tổng thể, toàn diện, đồng bộ và thống nhất, bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, trong quá trình xây dựng dự án Luật, cơ quan soạn thảo đã tiến hành tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Luật BVMT 2014; rà soát các chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước, cam kết, điều ước quốc tế liên quan; nghiên cứu kinh nghiệm quản lý của hơn 10 quốc gia, đặc biệt, nghiên cứu sâu kinh nghiệm của Hàn Quốc vì có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam.
Bộ trưởng trần Hồng Hà nhấn mạnh BVMT phải được đặt ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển. Môi trường không chỉ là không gian sinh tồn của con người mà còn là điều kiện, nền tảng, yếu tố tiên quyết cho phát triển kinh tế-xã hội bền vững. Chúng ta không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế. Thực hiện sàng lọc, lựa chọn đầu tư phát triển dựa trên các tiêu chí về môi trường. Bảo đảm hài hòa lợi ích, tạo động lực khuyến khích các bên liên quan tham gia công tác BVMT.
“BVMT phải lấy bảo vệ sức khoẻ nhân dân làm mục tiêu hàng đầu, bảo đảm mọi người dân đều có quyền được sống trong môi trường trong lành; dựa trên cơ sở phòng ngừa là chính, kết hợp với khắc phục ô nhiễm, suy thoái và cải thiện chất lượng môi trường”, ông Hà nói.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho hay dự thảo Luật có nhiều điểm đổi mới căn bản như cắt giảm trên 40% thủ tục hành chính, giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính từ 20-75 ngày. Góp phần giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp thông qua các quy định: Thu hẹp khoảng 20% đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường; tích hợp các thủ tục hành chính vào giấy phép môi trường; không duy trì chế độ quan trắc môi trường định kỳ đối với doanh nghiệp tuân thủ tốt pháp luật về BVMT.
Cân nhắc quy định giữ lại 50% tiền xử phạt
Báo cáo thẩm tra dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày cho rằng sửa đổi Luật BVMT năm 2014 là cần thiết.
Về ứng phó với biến đổi khí hậu, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị bổ sung quy định về thực hiện kiểm kê khí nhà kính; phát triển ứng dụng khoa học, công nghệ, hợp tác quốc tế về biến đổi khí hậu; trồng rừng để hấp thụ các-bon; an ninh khí hậu; tích hợp giữa thích ứng với giảm nhẹ; liên kết vùng, tiểu vùng trong ứng phó với biến đổi khí hậu; quy định quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cộng đồng, của tổ chức, cá nhân trong ứng phó với biến đổi khí hậu và soát xét lại Điều 151 để tránh trùng lặp với Điều 96 của dự thảo Luật.
Ủy ban cũng đề nghị xem xét kỹ thanh tra, kiểm tra đột xuất để phù hợp với Luật Thanh tra, tránh tình trạng áp dụng tùy tiện gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường của doanh nghiệp.
Một số ý kiến cho rằng, có sự khác nhau của dự thảo Luật với pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, nhất là việc mở rộng chủ thể có quyền xử phạt; quy định sử dụng 50% tiền thu được từ xử phạt để lại cho cơ quan, tổ chức thực hiện việc kiểm tra, xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường trên địa bàn quản lý… cần cân nhắc thêm.
Tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện dự thảo Luật, bảo đảm tính thống nhất với pháp luật về hình sự, thanh tra, xử lý vi phạm hành chính; pháp luật về đầu tư; về bảo đảm an ninh nguồn nước, phát triển năng lượng tái tạo; về vai trò trách nhiệm của cộng đồng trong bảo vệ môi trường; thiết lập cơ sở pháp lý bảo đảm quyền của tổ chức, cá nhân bị thiệt hại được khởi kiện đòi bồi thường phù hợp với quy định pháp luật về dân sự và đặc thù của thiệt hại về môi trường.
Lam Thanh