Đà Nẵng: Phần lớn người nước ngoài phạm pháp là nhập cảnh trái mục đích
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 09:27, 23/05/2018
Ngày 22.5, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Thành đã chủ trì buổi làm việc của đoàn thanh tra Bộ Công an với UBND TP.Đà Nẵng và các sở ngành liên quan về dự thảo kết luận thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Đà Nẵng.
Theo báo cáo của Công an TP.Đà Nẵng, trong 3 năm qua (từ 2015- 2018) số lượng người nước ngoài đến Đà Nẵng ngày càng đông; xuất hiện một số vụ việc vi phạm pháp luật của người nước ngoài như tổ chức đánh bạc qua mạng, trộm cắp, cướp giật, vi phạm về xuất nhập cảnh… Công an thành phố đã xử lý 378 vụ/541 đối tượng người nước ngoài vi phạm, trong đó chủ yếu vi phạm về nhập cảnh trái mục đích.
Kết luận của đoàn thanh tra Bộ Công an đã chỉ ra một số hạn chế, nguyên nhân và yêu cầu khắc phục trong công tác quản lý đối với người nước ngoài.
Thanh tra Bộ công an kiến nghị chính quyền Đà Nẵngcần chỉ đạo để tất cả các cơ sở lưu trú trên địa bàn triển khai thực hiện khai báo tạm trú qua mạng internet theo quy định. Thủ tục đăng ký khai báo hiện nay đã được thực hiện đơn giản, dễ dàng đảm bảo lưu thông dữ liệu đến các cơ quan, các cấp có chức năng quản lý. Vì vậy cần có sự tuyên truyền đầy đủ để người dân, các cơ sở lưu trú và khách du lịch biết và thực hiện đúng.
Đối với việc quản lý đối với lao động nước ngoài, tại Đà Nẵng có tình trạng giấy phép lao động của người nước ngoài được cấp sau khi đã nhập cảnh. Điều này không đúng với quy định về quản lý lao động nước ngoài.
Tuy vậy, qua nhiều ý kiến của đại diện Cục 72 Bộ Công an, thanh tra Bộ LĐ-TB-XH, Sở LĐ-TB-XH TP.Đà Nẵng thì đây là một vấn đề bất cập chung của Đà Nẵng cũng như nhiều địa phương khác do sự thiếu đồng bộ trong các quy định pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Công an và Bộ LĐ-TB-XH.
Cụ thể, có rất nhiều trường hợp người lao động nước ngoài được nhập cảnh vào Việt Namđến thử việc tại doanh nghiệp; sau thời gian thử việc, doanh nghiệp mới đồng ý tiếp nhận và ký hợp đồng lao động và được Sở LĐ-TB-XH cấp giấy phép lao động.
Nhưng quy định của pháp luật lại bắt buộc phải có giấy phép lao động trước khi nhập cảnh, hoặc trường hợp lao động nước ngoài đến thực hiện một công việc kỹ thuật chuyên môn theo yêu cầu của doanh nghiệp trong thời gian rất ngắn nhưng cũng bị buộc lập các thủ tục để cấp phép lao động như trường hợp làm việc lâu dài là chưa hợp lý.
Tại cuộc họp, các cơ quan củaĐà Nẵng cũng nêu lên một số vướng mắc trong quá trình thực hiện quản lý xuất nhập cảnh và lưu trú của người nước ngoài. Cụ thểnhư Luật Đầu tư quy định, người nước ngoài nếu góp vốn từ 50 triệu đồng thì được ưu đãi tạm trú, cư trú dài hạn. Mức góp vốn quy định như trên là quá thấp, dễ bị người nước ngoài lợi dụng lách luật đến tạm trú với mục đích trái phép. Chế tài xử lý đối với các cơ sở lưu trú không khai báo hiện nay cũng quá thấp, chưa đủ sức răn đe đối với những trường hợp vi phạm.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Văn Thành chỉ đạo: Đà Nẵng là một thành phố có sức hấp dẫn lớn đối với nhà đầu tư và du lịch. Công tác quản lý người nước ngoài trên địa bàn sẽ ngày càng phức tạp, khó khăn hơn. Thành phố cần quan tâm chủ động thực hiện tốt công tác quản lý thông qua việc ban hành các quy định cụ thể phòng ngừa và đấu tranh với những hiện tượng vi phạm pháp luật. Việc phân cấp, ủy quyền phải được quản lý kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Đặc biệt, công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật cho người nước ngoài phải được tăng cường nhiều hơn sao cho mỗi người nước ngoài khi đặt chân đến Việt Nam phải biết và tuân thủ luật pháp Việt Nam.
Thứ trưởng Thành cũng đồng thời yêu cầu các cơ quan bộ, ngành nắm bắt những vấn đề còn vướng mắc bất cập, nhất là các quy định chồng chéo trong pháp luật để có kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi bổ sung. Đây cũng là những việt làm thiết thực hỗ trợ cho hoạt động thu hút đầu tư, động viên được sự đóng góp của các chuyên gia, người lao động có tay nghề cao, khách du lịch đến với Việt Nam, tham gia trong quá trình hội nhập và phát triển của đất nước ta.
Lê Đình Dũng