'Trạm thu giá' và trò cười chữ nghĩa
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 09:41, 23/05/2018
Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội hôm qua 22.5, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể nói, việc đổi tên các trạm thu phí khắp các tuyến đường huyết mạch của cả nước thành trạm thu giá là căn cứ theo quy định của Chính phủ chứ “không phải Bộ GTVT tự đặt ra”.
Theo lý giải của Vụ trưởng Vụ Tài chính (Bộ GTVT) Đỗ Văn Quốc thì việc đổi tên gọi từ phí sang giá là thực hiện theo quy định của luật Phí và lệ phí năm 2015.
Cả hai lời giải thích đều khiến dư luận bật cười với trò chơi chữ nghĩa của các quan chức ngành GTVT. Đúng, nếu số tiền mà người dân phải trả khi đi qua các trạm thu tiền BOT được xem là phí thì Bộ Tài chính là đơn vị có thẩm quyền ban hành mức phí cũng như chế độ quản lý, sử dụng.
Còn khi xem con đường như một mặt hàng để doanh nghiệp kinh doanh thì đó không còn là phí nữa mà trở thành giá bán, giá mua. Với giá, Bộ GTVT sẽ có quyền nâng/hạ mà không phải thông qua các cơ chế giám sát khác.
Nhưng, có thực sự quốc lộ, tỉnh lộ là sản phẩm để doanh nghiệp kinh doanh? Chắc chắn không phải.
Kể cả nếu chúng ta có cưỡng từ đoạt lý xem con đường là món hàng thì món hàng ấy cũng phải được điều tiết theo quy luật thị trường - thuận mua vừa bán (và người mua phải giữ được quyền tối thượng là quyền từ chối mua) chứ không phải sản phẩm độc quyền để doanh nghiệp tùy nghi ấn định giá có sự ủng hộ của cơ quan hành pháp.
Chính vì nhìn thấy màn “lách luật” ấy của Bộ GTVT, người ta mới phì cười với cái tên “trạm thu giá” vốn mơ hồ về ngữ nghĩa cũng y như những mơ hồ trong các dự án BOT.
Thay vì gọi đúng tên, đúng bản chất của một trạm thu tiền, người ta biến báo nó thành thu giá, để đến mức bị chế ảnh, giễu cợt khắp các mạng xã hội. Tất nhiên, dù Bộ GTVT có gọi các trạm BOT ấy là gì đi chăng nữa, thì người dân vẫn hiểu rõ chúng là gì và biết chắc chắn mục đích của chúng chặn đường mình làm gì.
Cái tên trạm thu giá, xét ra còn mỉa mai hơn cả câu chuyện “vòng xuyến là vòng gì” ở các bùng binh, vòng xoay giao thông. Ít nhất, vẫn có người, có nơi hiểu được cái vòng xuyến giao thông không phải là vòng tay. Ít ra vẫn có người hiểu cái dấu chấm vô nghĩa trên các bảng số xe là sự thiếu hiểu biết về ngôn ngữ học.
Nhưng sẽ không có người nào hiểu được cái trạm thu giá là trạm gì nếu không được giải thích rằng, đó là nơi mà mỗi khi đi qua, ta phải móc túi trả một số tiền (mà theo giới tài xế là quá mắc) để trả cho doanh nghiệp đã chi tiền làm con đường đó (có trường hợp là doanh nghiệp làm con đường khác hoặc đường chưa làm xong, hoặc đã có đủ tiền lời).
Trò chơi chữ nghĩa của Bộ GTVT quả là không thể cười nổi!
Thành Nhân/PNO