'Công ty Phương Trang né tránh câu hỏi khiến phiên toà không hiệu quả'
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 17:47, 23/05/2018
Tiếp tục phiên xét xử đại án ngàn tỉ xảy ra tại Ngân hàng Đại Tín, luật sư Trương Vĩnh Thuỷtiến hành bào chữa cho bị cáo Phấn tham gia tranh luận.
Đối với hành vi hạch toán thu - chi khống, gây thiệt hại cho Ngân hàng Đại Tín, luật sư Thụy trình bày, trong phần xét hỏi của các luật sư về các khoản vay, việc sử dụng các khoản vay, xác định nợ, những người đại diện Công ty Phương Trang đã không trả lời chính vào các nội dung hỏi của các luật sư hoặc không trả lời, mang đến việc xét hỏi tại phiên tòa không có hiệu quả.
Những người đứng đầu trong nhóm Phương Trang đã xác nhận tổng dư nợ tại Đại Tín ngày 2.3.2013 là 4.523 tỉ đồng và lãi là 1.059 tỉ đồng. Trái phiếu Công ty Trường Vỹ mua lại là 132,8 tỉ đồng và 38,2 tỉ đồng.
Hồ sơ 82 khoản vay, 1 khoản nợ bắt buộc và phát sinh trái phiếu 2.000 tỉ đồng đến nay về mặt thủ tục giải ngân, chứng cứ, chưa có 1 tài liệu nào được coi là giả mạo hoặc phía Phương Trang không thừa nhận.
Theo xác nhận của Ngân hàng Xây dựng - CB, trên hồ sơ thể hiện 16.486 tỉ đã được Ngân hàng Đại Tíngiải ngân cho bên vay đúng theo quy định. Chứng từ phải trả nợ gốc còn lại là 9.437 tỉ cùng với các khoản lãi phát sinh thuộc về các cá nhân công ty đã vay tiềncủa Đại Tín đến nay còn nợ và để thực hiện quyền đòi nợ của mình CB đã khởi kiện tại tòa án có thẩm quyền đối với 26 khoản vay trong số 46 khoản vay còn nợ.
Trong số 82 khoản vay, 1 khoản phát hành trái phiếu 2.000 tỉ đồng, với số tiền 16.486 tỉ đồng: hồ sơ vay đều do Phương Trang lập đúng quy định, sau khi được giải ngân đều được sử dụng nguồn tiền vay thông qua ủy nhiệm chi, séc.
Tại tòa, đại diện Phương Trang vẫn thừa nhận các giấy ủy nhiệm chi, séc đều do Phương Trang phát hành, sau đó mới chuyển qua cho bà Phấn. Như vậy, vấn đề đặt ra là tại sao những người đứng đầu trong nhóm Phương Trang lại thực hiện như vậy?
Theo luật sư, nếu Công ty Phương Trang không nợ Đại Tín và có tranh chấp nợ thì tại sao thanh tra ngân hàng mời làm việc lại né tránh, không hợp tác.
Về 82 khoản vay, luật sư cho biết, tại tòa, đại diện Công ty Phương Trang đã xác nhận: tổng số tiền nhóm Phương Trang thực nhận là 3.936 tỉđồngvà cũng chưa trả bất kỳ khoản nợ nào cho Đại Tín. Tuy nhiên, theo tài liệu, đại diện CB xác nhận đã giải ngân 16.486 tỉ đồng cho 82 khoản vay này.
Theo nhật ký thu chi của Công ty Phương Trang thể hiện Công ty Phương Trang rút tiền từ Ngân hàng Đại Tín với số tiền trên 9.000 tỉ đồng chứ không phải 3.936 tỉ đồng.
Ngoài ra, còn 1 số khoản vay mà Phương Trang cho rằng không nhận tiền và được bản cáo trạng ghi nhận, nhưng theo tài liệu đã được giải ngân và người vay cũng biết rõ việc giải ngân.
Theo luật sư, Công ty Phương Trang có theo dõi đầy đủ các khoản nợ, thể hiện qua sổ nhật ký quỹ, vay khoản sau trả nợ cho khoản trước, nhưng đã cố tình không biết, không nhận nợ của các khoản vay trong nhóm Phương Trang, đẩy trách nhiệm cho bà Hứa Thị Phấn cùng những người có liên quan.
Luật sư cũng cho rằng, theo số liệu có trong hồ sơ vụ án và đã được công khai tại tòa, nếu chỉ có bà Phấn cùng những người liên quan trong Đại Tín thì không thể hoàn tất hành vi thực hiện tội “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” thông qua hành vi lập khống chứng từ.
Để xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, luật sư đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa để trả hồ sơ cho VKS tiếp tục điều tra làm rõ.
Cũng trong phiên tòa ngày 23.5, VKS đã đưa ra mức đề nghị 30 năm tù cho bà Phấnvề các tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".
Cùng về tội danh trên, đề nghị tuyên phạt bị cáo Bùi Thị Kim Loan tổng mức án từ 28 – 30 năm tù giam. Bị cáo Ngô Kim Huệ cũng bị đề nghị tổng mức án từ 10 – 12 năm tù giam về 2 tội danh này. 25 bị cáo còn lại bị truy tố về tội“Cố ý làm trái quy định của Nhànước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và bị đề nghị các mức án từ 3 năm tù treo đến 12 năm tù giam về tội danh vừa nêu.
Hồ Đông