Tàu ngầm ‘hoàng tử Nga’ phóng 4 tên lửa, phòng thượng đỉnh Mỹ-Triều đổ vỡ
Quốc tế - Ngày đăng : 14:24, 24/05/2018
Chiếc Yuri Dolgoruky đặt theo tên vị hoàng tử thời Trung cổ lập thành đô Moscow, thực hiện cuộc phóng thử này ngày 22.5, trong lúc lặn dưới biển Bạch Hải, theo tuyên bố của Hạm đội Bắc Hải thuộc hải quân Nga hôm 24.5.
Hạm đội cho biết đầu đạn giả cài lên tên lửa Bulava đã bắn trúng các mục tiêu tại trường bắn Kura ở bán đảo Kamchatka thuộc vùng Viễn Đông Nga: “Vụ phóng thử xác nhận tính sẵn sàng chiến đấu của tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Borei và hệ thống tên lửa Bulava”.
Tàu ngầm Yuri Dolgoruky chạy bằng động cơ hạt nhân được hạ thủy năm 2014, trong nỗ lực hiện đại hóa để thay thế dần các tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân cũ kỹ được đóng từ thời Liên Xô.
Tàu ngầm này dài 160m, rộng 13m, có lượng choán nước 24.000 tấn. Ngoài khả năng mang theo 16 tên lửa Bulava, tàu còn được trang bịnhiều ngư lôi. Hải quân Nga hiện có 3 chiếc tàu ngầm lớp Borei, và 5 chiếc khác đang được đóng.
Bulava là tên lửa nhiên liệu rắn được phát triển đặc biệt cho lớp tàu ngầm Borei, Dự án 955 của Nga. Tên lửa này có thể mang theo 10 đầu đạn với tổng sức công phá là 1.500kiloton với tầm bắn 9.300km.
Các quan chức Nga nói tên lửa Bulava bay nhanh hơn các đời tên lửa trước, giúp tránh được hệ thống phòng thủ tên lửa địch. Nhưng chương trình phát triển Bulava từng gặp nhiều trục trặc trong các năm trước, gồm những lần phóng thử thất bại hồi các năm 2013 và 2016.
Theo Newsweek, các nhà nghiên cứu Liên Xô và Nga từ cuối những năm 1980 đã phát triển tàu ngầm lớp Borei. Sau đó, từ năm 2005 đến 2018 đã có 27 lần phóng thử Bulava và 15 lần đạt thành công.
Tàu ngầm "hoàng tử" Dolgoruky - Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga
Mỹ - Nhật - Nga đề phòng cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều đổ vỡ
Theo Newsweek, tên lửa Bulava được phóng thử thành công, vào lúc căng thẳng dâng cao ở vùng Viễn Đông Nga, trước khả năng diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử của Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un.
Cuộc gặp này dự kiến diễn ra tại Singapore ngày 12.6 tới, bàn về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Nhưng có nguy cơ sẽ không diễn ra, do Mỹ - Hàn tập trận chung khiến Triều Tiên phản đối và tuyên bố không quan tâm nữa, nếu Mỹ cứ đơn phương ép Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Đáp trả lại, Tổng thống Trump cảnh cáo chính quyền của ông Kim sẽ “bị lung lay” nếu không đạt được thỏa thuận về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Các nước như Nhật Bản đều đã lên kế hoạch khẩn cấp, đề phòng cuộc gặp này đổ vỡ. Từ ngày 24 đến 27.5 tới, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tiếp Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, bàn kế hoạch khẩn cấp.
Trong khi đó,Hải quân Mỹ đã triển khai khu trục hạm mang tên lửa dẫn đường Milius đến căn cứ Yokosuka (ở Nhật), sẵn sàng chống khả năng Triều Tiên tấn công Nhật bằng tên lửa đạn đạo, theo Newsweek.
Hải quân Mỹ tuyên bố chiếc Milius có tên lửa bắn rơi các đầu đạn, sẽ “hỗ trợ cho an ninh và ổn định tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, với vai trò như một cơ sở phòng thủ tên lửa đạn đạo”.
Động thái phô trương lực lượng này có thể được xem là Mỹ gây sức ép về quân sự, buộc Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Nhưng có lẽ Nga không chấp nhận sự hiện diện của tàu chiến Mỹ ở Nhật. Cuối năm 2017, các quan chức Nga cáo buộc Mỹ vi phạm các hiệp định kiểm soát - giải trừ vũ khí quốc tế, khi Mỹ cung cấp khí tài quân sự gồm hệ thống phòng thủ tên lửa cho Nhật.
Theo Newsweek, nhiều khả năng vụ đưa chiếc Milius đến Nhật đã khiến Nga phóng thử 4 quả Bulava, trước khi ông Abe gặp Tổng thống Putin, người rất cảnh giác sự hiện diện quân sự Mỹ ở châu Á.
Tổng thống Putin đã thúc đẩy hiện đại hóa quân đội Nga, mở rộng tầm ảnh hưởng của Nga đến Trung Đông, giúp Syria đánh thắng quân nổi dậy và bọn khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS).
Nga cũng đầu tư mạnh cho mặt trận Thái Bình Dương, cáo buộc Mỹ dàn hệ thống phòng thủ tên lửa ở Nhật, Hàn Quốc. Ông Putin cùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cùng cải thiện quan hệ hợp tác chính trị - kinh tế - quân sự nhằm giật tầm ảnh huởng từ phương Tây ngả về phương Đông.
"Không còn tướng phương Tây nào muốn đánh Nga"
Newsweek còn nêu từ nhiều năm nay, Nga đổ nhiều tiền vào cuộc hiện đại hóa hải quân, kể từ sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991. Nhưng các chuyên gia nói ngành đóng tàu Nga lâm nạn tham nhũng nghiêm trọng và nhiều tàu chiến không được bảo trì kỹ lưỡng.
Hải quân Nga cũng được cho là nhỏ hơn hải quân Mỹ, vì kém hơn khoảng 66 khu trục hạm, và Nga chỉ có 61 tàu ngầm, trong khi Mỹ có 70 chiếc.
Những năm gần đây, Nga chú trọng khả năng phòng thủ hạt nhân, vì Mỹ đã triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo ở châu Âu.
Nhưng ngày 23.5, cựu tướng không quân 4 sao Mỹ Philip Breedlove nói với trang tin điện tử Onet (Ba Lan): Lực lượng quân NATO mà ông từng chỉ huy không được chuẩn bị kỹ để có thể xử lý một cuộc chiến tranh tổng lực với Nga.
Cựu tướng Breedlove từng là chỉ huy quân Mỹ ở Âu và là Tư lệnh tối cao NATO ở châu Âu từ tháng 5.2013 đến 2016, còn nói môi trường địa - chính trị hậu Chiến tranh Lạnh đã giảm sự chú ý vào việc chi quân sự và rèn luyện tinh thần sẵn sàng chiến đấu: “Ngày nay, không còn vị tướng nào thức giấc và nói muốn chiến đấu với Nga, trong khi tôi cho rằng sức mạnh và tinh thần chiến đấu mang tính quyết định nền hòa bình”.
Mỹ và NATO từ lâu cao buộc Nga vi phạm chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của các nước khác, gây chiến tranh ở Ukraine năm 2014, ở Gruzia năm 2008 và can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016.
Nga phủ nhận các cáo buộc này, và tố ngược Mỹ - NATO theo đuổi mục tiêu dàn quân ở tất cả các vùng biên giới để bao vây Nga.
Từ đó, nhiều thông tin nổi lên, thắc mắc khả năng đối phó của NATO trước khả năng Nga tấn công, dù NATO do Mỹ dẫn đầu đang có ưu thế cao hơn về số quân và kinh phí hoạt động. Cựu tướng Breedlove không tin Nga chuẩn bị tốt hơn quân NATO, nhưng ông thừa nhận “chúng tôi không còn mạnh mẽ như trước đây”.
Bảo Vĩnh (theo Newsweek, Moscow Times)