Ở tuổi 100, cựu Thủ tướng Nhật đề nghị sửa đổi Hiến pháp
Quốc tế - Ngày đăng : 15:42, 27/05/2018
Vị cựu Thủ tướng là người bảo thủ, từ khi là chính khách đã muốn sửa lại Hiến pháp hậu Thế chiến 2.
Ông Nakasone nói: “Cả đảng cầm quyền lẫn các đảng đối lập nên nỗ lực đánh động dư luận, tìm cơ hội lập Hiến pháp với sự tham gia thật sự tích cực của người dân”.
Năm 1945, quân phiệt Nhật đầu hàng vô điều kiện, sau khi Mỹ ném 2 quả bom nguyên tử xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki. Tiếp đó, quân Mỹ chiếm đóng soạn Hiến pháp Nhật, với Điều9 buộc nước này không được trang bị vũ khí, không được đưa quân ra nước ngoài chiến đấu.
Hiện Thủ tướng Shinzo Abe thúc đẩy sửa lại Điều 9, tức điều khoản Nhật từ chối tham gia chiến tranh.
Việc sửa đổi Hiến pháp hậu Thế chiến 2 - còn gọi là Hiến pháp yêu chuộng hòa bình - cần có sự chấp thuận của 2/3 nghị sĩ Thượng và Hạ viện Nhật, thì mới có thể tổ chức trưng cầu dân ý. Nếu đa số cử tri đồng ý thì mới có Hiến pháp mới. Các thăm dò dư luận cho thấy dân Nhật bị phân hóa về việc sửa đổi Hiến pháp yêu chuộng hòa bình.
Khi Nhật chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới từ năm 2019, sau khi Nhật hoàng Akihito thoái vị, ông Nakasone nói ông có cảm xúc sâu sắc, vì đã sống qua 3 thời đại và sắp tới sẽ là thời đại thứ tư, vốn sẽ bắt đầu từ tháng 5.2019 khi Thái tử Naruhito sẽ trở thành Nhật hoàng mới của triều đình Thái dương thần nữ.
Ông Nagasone từng là một trong những người giữ chức lâu nhất ở xứ sở Phù Tang. Ông làm Thủ tướng từ tháng 11.1982 đến tháng 11.1987, và là Thủ tướng Nhật thứ hai sống đến 100 tuổi. Người đầu tiên là ông Naruhiko Higashikuninomiya, qua đời năm 1990 lúc 102 tuổi.
Khi nắm quyền lực, ông Nakasone từng làm việc với Tổng thống Mỹ Ronald Reagan, Thủ tướng Anh Margaret Thatcher, và nổi tiếng về tình bạn “Ron và Yasu” giữa ông với ông Reagan.
Ông Nakasone chào đời ngày 27.5.1918 ở tỉnh Gunma, tốt nghiệp Đại học hoàng gia Tokyo (nay là Đại học Tokyo) và là trung úy hải quân hoàng gia Nhật hồi Thế chiến 2. Ông cũng bị mất một người em trai trong cuộc chiến này.
Theo Reuters, sau khi nhậm chức Thủ tướng, ông Nakasone từng tuyên bố nếu xảy ra chiến tranh, ông sẽ biến nước Nhật thành một “tàu sân bay không thể đánh chìm” cho quân Mỹ đánh thắng hải quân Liên Xô.
Ông Nakasone còn phá một quyđịnh bất thành văn vốn cấm chi quốc phòng hàng năm quá 1 % GDP. Và ông chọc giận các nước châu Á, khi ông đi thăm Đền Yasukuni - nơi tưởng nhớ các tội phạm chiến tranh - vào dịp kỷ niệm 40 năm ngày quân phiệt Nhật đầu hàng.
Sau những vụ bạo loạn chống Nhật ở Trung Quốc, ông Nakasone quyết định không bao giờ viếng Đền Yasukuni nữa.
Ông Nakasone phải về hưu năm 2003, lúc ông 85 tuổi, cùng với các vị lãnh đạo cao tuổi khác, theo yêu cầu của Thủ tướng Nhật lúc đó là ông Junichiro Koizumi, người muốn phục sinh đảng Dân chủ tự do (LDP, đang cầm quyền) vốn có nhiều đảng viên tuổi cao sức yếu.
Ông Nakasone nói: “Tôi tham gia chính trị tiếp sau việc Nhật thua trận, nhưng điều tuyệt vời là tôi có thể đóng góp tái xây dựng nước Nhật. Tôi ngập tràn cảm xúc khi nghĩ về sự thay đổi của thời cuộc và cuộc sống mà tôi đã sống suốt 100 năm qua”.
Theo ông Nakasone, bí quyết sống lâu là sống một cuộc sống kỷ luật, quan tâm đến thiên nhiên, luôn tìm cách học tập để thỏa mãn sự hiếu kỳ về kiến thức.
Ông còn nói là một chính khách, ông luôn tích cực làm việc “cứ như tôi là “bị cáo phải hầu tòa” và chờ lịch sử phán xét chính mình.
Theo người thân cận, hồi đầu năm 2018, ông Nakasone bị gãy cổ tay nhưng đã chữa trị và bình phục ngay tại nhà.
Bích Ngọc (theo Japan Times)