Áp thuế môi trường đối với xăng, dầu: Doanh nghiệp, người tiêu dùng 'gánh' áp lực

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 06:44, 28/05/2018

Theo đề xuất của Bộ Tài chính, từ ngày 1.7 tới, thuế bảo vệ môi trường (gọi tắt thuế môi trường) đối với xăng, dầu các loại sẽ lần lượt tăng kịch khung.

Cụ thể, xăng tăng từ 3.000 đồng/lít lên kịch khung 4.000 đồng/lít; dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên 2.000 đồng/lít; dầu mazut, dầu nhờn tăng từ 900 đồng/lít lên 2.000 đồng/lít... Nếu mức thuế này được triển khai, sẽ “dắt dây” tăng giá nhiều dịch vụ, mặt hàng, đẩy doanh nghiệp (DN), người tiêu dùng gánh thêm áp lực. Ngày 27.5, PV Báo SGGP đã trao đổi nhanh với một số DN về vấn đề này.

Điều chỉnh để thoát lỗ

Từ tháng 4 đến nay, xăng, dầu trong nước đã điều chỉnh tăng giá 3 lần với mức tăng tổng cộng trên 1.700 đồng/lít. Hiện giá cước vận tải hành khách, taxi và vận tải hàng hóa vẫn chưa tăng giá, tuy nhiên sau thời điểm 1-7 sẽ thế nào?

Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM Tạ Long Hỷ, kiêm Phó tổng giám đốc Vinasun, cho biết: “Nhiều tài xế taxi đã bày tỏ việc giá xăng, dầu điều chỉnh tăng lần 3 đang ảnh hưởng đến thu nhập của họ, vì hiện nay giá cước taxi ở TP.HCM vẫn chưa tăng. Chúng tôi đang cân nhắc kỹ việc có tăng giá cước hay không. Theo tôi biết, ở Hà Nội một số hãng taxi đã tăng giá cước rồi, riêng TP.HCM sẽ cân nhắc kỹ việc này, tăng hay không tăng còn liên quan đến vấn đề cạnh tranh trên thị trường”.

Theo Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP, hầu hết các DN lớn có hợp đồng đơn hàng đã ký trước đây vài tháng nên khó có thể tăng giá vào thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, một vài DN nhỏ chạy hàng lẻ thì có khả năng tăng giá cước vì 3 đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu, các DN này kìm giá nên bị lỗ. Giám đốc Công ty vận tải Thành Tài Ngô Ngọc Tài cho biết công ty sẽ cân nhắc điều chỉnh giá cước trong thời gian tới nếu giá xăng, dầu không giảm. 2 đợt điều chỉnh giá trước đó, DN cố không tăng giá nên lợi nhuận thấp, thậm chí hòa vốn. “Tùy vào mức tiêu thụ mà chúng tôi điều chỉnh giá. Ban đầu, nhiều khách đã ký hợp đồng không hài lòng nhưng sau khi đưa ra mức phí điều chỉnh hợp lý thì đã đồng ý. Theo tính toán, với các loại xe container, xe tải nặng, chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 40%, trong khi các loại xe khác cũng chiếm trung bình khoảng 30% tổng doanh thu. Mặt khác, để hoạt động, DN vận tải còn phải đóng thêm phí bảo trì đường bộ, BOT, phí bến bãi...”, ông Tài nói. Trong khi các DN vận tải hàng hóa đang rục rịch điều chỉnh giá cước, DN kinh doanh dịch vụ taxi đang xem xét, cân nhắc. Giá xăng đang tác động mạnh tới chi phí vận chuyển, vì đang phải cạnh tranh gay gắt trên thị trường nên họ vẫn chưa có kế hoạch điều chỉnh. Nếu kỳ tới, giá xăng, dầu không giảm hoặc tiếp tục tăng, cước taxi có thể buộc phải thay đổi.

Sức ép dây chuyền

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM, cho biết việc tăng thêm 1.000 đồng/lít xăng tưởng chừng không có ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của DN nhưng nếu tính đúng, tính đủ, tác động kép rất nặng nề. Cụ thể, giá thành sản phẩm tăng do giá nguyên vật liệu tăng và chi phí vận chuyển đều đồng loạt tăng giá. Chi phí logistics ở Việt Nam đang ở mức cao, khi giá xăng tăng, giá thành vận tải cũng tăng nhanh ở mức 3% - 9% tùy theo mức độ, quy mô của DN logistics. Giữa DN sản xuất và DN logistics chưa có sự chia sẻ rủi ro trong quá trình hợp tác và kết quả là giá thành sản phẩm sản xuất cao, khó cạnh tranh. Hiện chưa có tính toán cụ thể, tuy nhiên, nhiều DN dệt may cho rằng những chi phí sản xuất nói chung như lương công nhân, giá xăng, chi phí bảo hiểm và phí công đoàn bị điều chỉnh tăng nhanh từ đầu năm 2018 đến nay đã khiến nhiều DN đuối sức.

Ông Hồng cho rằng tình hình sản xuất của ngành dệt may mới phục hồi đà tăng trưởng từ đầu năm 2018. Do vậy, cần thiết tạm thời không nên tăng thuế xăng, dầu trong lúc này để dưỡng sức DN và giúp DN ổn định thị trường, nhất là những DN xuất khẩu. Mặt khác, khi quyết định tăng giá xăng, dầu, Chính phủ cần tính toán đến những tác động dây chuyền và sức ảnh hưởng kép đến DN chứ không phải chỉ là tăng 1.000 đồng/lít xăng nên không ảnh hưởng đáng kể. Cách tính toán đó là phiến diện, chủ quan và thiếu công bằng cho DN, người dân.

Ông Trần Thế Dũng, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Thế Hệ Trẻ:
Cẩn trọng với hiệu ứng lây lan tăng giá

Nếu đề xuất trên chính thức được triển khai, hiệu ứng lây lan từ tăng thuế xăng, dầu chi phối tới các phương tiện vận chuyển (xe tải, tàu bè…), cơ sở lưu trú, nhà hàng, khách sạn… sẽ rất lớn. Đây chính là điều mà DN lo nhất, khi mà sức cạnh tranh của tour nội địa với tour ngoại còn hạn chế. Nghịch lý ở chỗ, tăng giá thì nhanh nhưng hiếm khi giảm, mà nếu có cũng chỉ nhỏ giọt… Do vậy, Bộ Tài chính, Bộ Công thương nên xem xét kỹ đề xuất này bởi nguy cơ từ xăng, dầu tăng giá hầu như ai cũng thấy, sẽ gia tăng áp lực lên nhiều ngành hàng sản xuất trong nước và ngành du lịch nội địa.

Ông Lê Nhung, Giám đốc Công ty TNHH May mặc Thành Đạt:
Thêm gánh nặng cho doanh nghiệp

Đề xuất tăng thuế đối với xăng, dầu của Bộ Tài chính đề xuất thì chắc chắn sẽ khiến giá xăng, dầu tăng mạnh, tác động dây chuyền và gây ra rất nhiều khó khăn cho DN. Bởi như các đối tác trong ngành vận tải tính toán, trong cơ cấu giá thành, nếu thuế đánh vào xăng dầu tăng 10% thì cước vận tải sẽ tăng 3% - 4%. Như vậy, với đề xuất của Bộ Tài chính, khi thuế bảo vệ môi trường đối với xăng tăng từ 3.000 lên 4.000 đồng, tức tăng tương ứng là hơn 30% thì cước vận tải sẽ tăng 9% - 12%. Và đương nhiên, khi các DN vận tải điều chỉnh giá vận chuyển, buộc các DN như chúng tôi cũng phải cơ cấu lại đơn giá sản phẩm, tiền lương… Ngành dệt may chủ yếu làm gia công, sử dụng nhiều lao động nên nếu có một tác động nào đó về tăng chi phí sản xuất thì DN phải tính toán, cân đối các khoản chi phí sao cho hiệu quả hơn, song song với việc giữ chân người lao động nên hết sức đau đầu. Theo tôi, hiện nhiều DN ngành may nói riêng cũng như các loại hình DN khác còn đang rất khó khăn do cạnh tranh ngày càng khốc liệt, do đó, tạm thời không nên tăng thuế xăng, dầu trong lúc này.

theo SGGP

1