'Báo cáo tài chính của DNNN như có phép biến hóa giữa lỗ và lãi'
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 16:57, 28/05/2018
"DN lỗ những chưa có ai phải đi tù"
Thảo luận tại hội trường ngày 28.5 về Báo cáo giám sát cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) chia sẻ khi đi tiếp xúc cử tri tại huyện Tam Nông tỉnh Phú Thọ, cử tri rất bức xúc. 50 ha bờ xôi ruộng mật đã di dời để làm nhà máy Etanol Phú Thọ. Đã chi hàng nghìn tỉ đồng cho dự án nhưng dừng triển khai đã 5, 6 năm nay, nhà xưởng, thiết bị máy móc để đắp chiếu, rất xót xa. Do đó, cần phải quyết liệt hơn để xử lý, nhiều vấn đề càng để lâu, hậu quả càng nghiêm trọng.
Vấn đề bảo toàn vốn của doanh nghiệp nhà nước, ĐB Leo Thị Lịch (Bắc Giang) cho biết, hầu hết các doanh nghiệp nhà nước thực hiện các chính sách, chế độ tài chính quy định, chỉ bảo toàn vốn về tài sản, giá trị trên sổ sách. Còn trên thực tế, do không tính toán bù đắp được yếu tố trượt giá cũng như các hao mòn tài sản vô hình cần bù đắp, nên sau một thời gian hoạt động thì vốn của doanh nghiệp bị co hẹp.
“Giá trị về con số ghi trên sổ tài sản thì không thay đổi, nhưng giá trị thực tế tài sản hiện vật của vốn đó giảm nhiều lần, thậm chí có đơn vị gần như mất hết”, bà Lịch nói.
Như vậy, chính sách khấu hao, bảo toàn vốn nhà nước cần phải được nghiên cứu xem xét lại để làm sao vốn lúc này là một chiếc ô tô nhưng 10-20 năm sau vốn đó vẫn phải đủ giá trị để mua một chiếc xe có tính năng tương đương, có như vậy mới bảo toàn được về mặt hiện vật của vốn, tài sản trong doanh nghiệp nhà nước.
ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng tình trạng kinh doanh lỗ làm thất thoát vốn của doanh nghiệp ai cũng biết và đã nói rất nhiều. Nguyên nhận là trình độ quản lý của doanh nghiệp yếu kém dẫn đến kinh doanh không hiệu quả.
Bên cạnh đó, vì động cơ cá nhân, những người quản lý đã đầu tư những hoạt động không hiệu quả nhằm thu lợi ích cá nhân như đầu tư máy móc, thiết bị, các lĩnh vực không phù hợp nhưng lại hưởng lợi, ăn phần trăm từ đấy. Đây là những hoạt động cố tình dùng những thủ đoạn để hợp pháp hóa việc rút tiền từ các doanh nghiệp nhà nước.
“Dù doanh nghiệp lỗ nhưng không ai phải chịu trách nhiệm, chưa có ai bị mất chức hay xử lý đi tù vì chuyện quản lý yếu kém để doanh nghiệp lỗ”, ông Cường nói.
Thậm chí, đại biểu này chỉ racó doanh nghiệp khi cần báo cáo để tăng chức, tăng quỹ lương hoặc để xin vốn thì ngay lập tức sẽ có báo cáo lãi, khi báo cáo cho cơ quan tài chính để nộp thuế thì lại có một báo cáo lỗ. “Người ta nói rằng, báo cáo tài chính của các doanh nghiệp như có phép thần thông biến hóa giữa lỗ và lãi”.
Ông Cường nhấn mạnh: “Một điều kỳ lạ là tất cả những vấn đề xảy ra về thất thoát lỗ của doanh nghiệp nhà nước thì ai cũng biết. Tuy nhiên, chúng ta có cả một bộ máy về thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nhưng lại không phát hiện ra những vấn đề này. Chúng ta phải xem đến lỗ hổng trong việc quy định trách nhiệm của cơ quan có trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát đối với các hoạt động của doanh nghiệp”.
Vừa đá bóng, vừa thổi còi
Nêu ý kiến, ĐB Bế Minh Đức (Cao Bằng) cho rằng, chủ trương đổi mới mô hình tổ chức thực hiện chức năng đại diện đã được đề ra từ nhiều năm nhưng việc triển khai quá chậm, cơ chế bộ chủ quản có từ thời bao cấp trước đây vẫn tồn tại kéo dài và chính sự vận hành của cơ chế này xung đột với cơ chế thị trường.
“Việc các bộ, ngành vừa đảm bảo chức năng quản lý nhà nước, vừa thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn và tài sản nhà nước ở doanh nghiệp, dẫn đến xung đột về lợi ích, khó đảm bảo tính khách quan trong ban hành chính sách và công tác chỉ đạo thực hiện giám sát, kiểm tra vụ việc Mobile phone mua lại 95% cổ phần Công ty Nghe nhìn toàn cầu AVG là một ví dụ điển hình”, ông Đức nói.
ĐB Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) thì cho rằng, những vi phạm trong lĩnh vực này dẫn đến những hậu quả nặng nề, khó khắc phục. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với doanh nghiệp nhà nước.
Theo đó, các cơ quan quản lý nhà nước cùng lúc thực hiện hai chức năng nên dễ gây xung đột lợi ích trong việc ban hành chính sách với chỉ đạo thực hiện và kiểm tra giám sát.
“Việc giám sát đánh giá của chủ sở hữu cũng căn cứ vào kết quả thực hiện so với kế hoạch do các doanh nghiệp tự xây dựng và đăng ký, nên chưa phản ánh rõ được yêu cầu và đòi hỏi của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp”, ông Sơn nói.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng thừa nhận có sự chồng lấn và lẫn lộn giữa vai trò quản lý nhà nước và chủ quản của các doanh nghiệp.
“Một mặt là hoạt động của các doanh nghiệp thiếu sự tự chủ, bởi vì nhiều khi phải chịu sự can thiệp của các cơ quan quản lý nhà nước, mặt khác là đội ngũ quản trị doanh nghiệp lại có tâm lý né tránh trách nhiệm, ỷ lại và đẩy những trách nhiệm lên cho các cơ quan quản lý nhà nước”.
Bộ trưởng cho rằng hàng loạt những chủ trương lớn trong phát triển các lĩnh vực kinh tế ngành, cũng như các quy hoạch và các chiến lược trên thực tế được xây dựng, nghiên cứu xây dựng bởi chính bản thân các doanh nghiệp nhà nước, và cũng lại được thẩm định phê duyệt bởi các cơ quan quản lý nhà nước, tức là các cơ quan hành chính.
Chính vì vậy dẫn đến tình trạng chất lượng của các dự án đầu tư, của các hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp không đảm bảo được hiệu quả, thậm chí có nhiều trường hợp như chúng ta nói "dắt trâu qua rào".
Đặc biệt, theo Bộ trưởng, với sự phình to của bộ máy và quan liêu hóa của hệ thống doanh nghiệp nhà nước, dẫn đến quản trị của doanh nghiệp không đáp ứng được yêu cầu thực tiễn tiến triển rất nhanh của thị trường thế giới trong các bối cảnh của toàn cầu hóa.
Ngoài ra, Bộ trưởng cho rằng có tình trạng cố tình làm sai và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đầu tư cũng như thực hiện các dự án đầu tư đó, điển hình là trong 12 dự án thua lỗ và kém hiệu quả trong thời gian vừa qua.
“Vì vậy, không chỉ các cán bộ có trách nhiệm của các doanh nghiệp nhà nước mà bản thân cán bộ quản lý của các bộ, ngành, các cơ quan quản lý nhà nước cũng phải chịu trách nhiệm, kể cả đối với trách nhiệm có mức độ xử phạt hình sự”, Bộ trưởng nêu.
Lam Thanh