Cần phục nguyên lăng vị Tài nhân tại bãi đỗ xe lăng Tự Đức
Văn hóa - Ngày đăng : 06:32, 29/05/2018
Đã gần 1 năm trôi qua từ khi lăng mộ bà Tài nhân – một phi tần của vua Tự Đức bị đơn vị thi công dùng máy xúc tự ý san ủi và phá nát vào ngày 19.6.2017 nhưng câu chuyện vẫn chưa đến hồi kết. Mặc dù, lúc xảy ra sự việc người dân đã phát hiện và ngăn cản nhưng đơn vị thi công vẫn tiếp tục cày nát lăng mộ. Đáng lưu ý là trong thời điểm đó, chủ đầu tư là Công ty TNHH TM & DV Chuỗi Giá Trị vẫn chưa có giấy phép bàn giao mặt bằng để thi công.
Nguyên nhân có phải do việc quản lý đất đai của nhà nước thiếu chặt chẽ, thủ tục giao đất cho nhà đầu tư không rõ ràng?
Lăng bà Tài nhân được con cháu Nguyễn Phước tộc đắp mộ tạm chờ ý kiến của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế
Năm 2015, khi lực lượng chức năng tiến hành kiểm kê để đền bù giải phóng mặt bằng phục vụ việc xây dựng dự án bãi đỗ xe, ông Trần Duy Quế (người dân ở tổ 11, phường Thủy Xuân) đã phản ánh việc trên đất dự án có lăng mộ xưa của phi tần vua Tự Đức. Mặc dù lực lượng kiểm kê đã tận mắt thấy ngôi mộ bà Tài nhân có diện tích lớn và còn khá nguyên vẹn nhưng không đánh dấu di dời.
Ngày 18.6.2017, mặc dù chưa được cơ quan nhà nước bàn giao mặt bằng nhưng Công ty TNHH TM & DV Chuỗi Giá Trị vẫn san ủi và hầu như san phẳng ngôi mộ của vị Tài nhân này.
Sau vài ngày bị san ủi, ngôi mộ này mất dấu và chỉ có thể tìm lại được bia đá, nền móng, kim tĩnh… Sau khi có sự phản ánh của bà con gần khu vực dự án, con cháu Nguyễn Phước tộc và sự vào cuộc của báo chí, cơ quan chức trách, sự việc rất nghiêm trọng này sau đó cũng được phía chủ đầu tư nhận trách nhiệm.
Lăng mộ này đã tồn tại trên 100 năm nhưng vẫn còn khá nguyên vẹn, bao gồm: thành bao quanh (La thành), tẩm mộ, bia đá thanh ghi “Tiền triều Tài nhân cửu giai Lê Thị thụy Thục Thuận chi mộ”. Qua kiểm tra, bài vị có dòng chữ "Tài nhân thụy Thục Thuận Lê thị" đang được thờ trong lăng vua Tự Đức và tấm bia mộ của bà "Tài nhân họ Lê, thụy Thục Thuận" mới được tìm thấy hoàn toàn trùng khớp.
Ngày 17.7.2017, ông Nguyễn Phúc Bửu Hồng được ủy quyền của ông Tôn Thất Viễn Bào – là Chủ tịch HĐTS Nguyễn (Phúc) Phước tộc đã có thư phúc đáp lên UBND Tỉnh Thừa Thiên Huế, UBND TP.Huế, các cơ quan ban ngành liên quan với mong muốn giữ lại di tích lăng bà Tài nhân họ Lê thụy Thuận Thục tại vị trí cũ.
Ngày 25.7.2017, ông Tôn Thất Viễn Bào đã thay mặt Hội đồng trị sự Nguyễn (Phúc) Phước tộc gởi đơn kiện ông Lê Quốc Tuấn – là Giám đốc Công ty TNHH TM & DV Chuỗi Giá Trị lên Tòa án Tỉnh Thừa Thiên Huế về “Tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt” và đề nghị Tòa án khởi tố theo khoản 1, điều 319 và mục a khoản 1 điều 319 BLHS.
Đây là một sự việc diễn ra ngay tại quần thể đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới và tiếp giáp với địa danh đồi Vọng Cảnh. Trong khu vực này hiện còn lăng bà Học Phi và lăng 15 liếp cũng là lăng mộ các phi tần triều Nguyễn. Nếu xét về mặt tâm linh và giá trị lịch sử cũng như cảnh quan thiên nhiên, việc xâm phạm tới những ngôi mộ cổ là vấn đề cấm kỵ, đi ngược lại với truyền thống đạo lý của dân tộc Việt Nam.
Đồng thời một bãi đỗ xe với diện tích quá lớn, đến 17.000m2 sẽ dẫn đến việc khu vực vốn là nơi yên nghỉ này sẽ bị tác động bởi tiếng ồn của động cơ, con người, và thiên nhiên nơi này cũng sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Đây là vấn đề cần phải xem xét lại. Trong tương lai, UNESCO cũng sẽ đánh giá về các tác động này trong quần thể di sản.Và cũng có nhiều ý kiến cho rằng, lăng Tự Đức là di sản văn hóa thế giới nên cần phải rà soát lại trên bản đồ địa chính, xem bãi đỗ xe có nằm trong vùng bảo vệ di sản hay không?
Tuy nhiên, khi UBND tỉnh, Sở Văn hóa – Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế quyết di dời lăng bà Tài nhân để thực hiện dự án bãi đỗ xe, sự việc trên dẫn tới những phản ứng từ Nguyễn Phước tộc. Và cho đến nay, đã hơn 1 năm, những khiếu kiện của Nguyễn Phước tộc vẫn chưa nhận được một phản hồi nào bằng văn bản cụ thể từ các cấp chính quyền Thừa Thiên Huế. Đáng chú ý hơn, việc “quyết” di dời này của chính quyền cũng không được thể hiện bằng văn bản chính thức.
Không cần thiết làm bãi đỗ xe với diện tích quá lớn
Có thể thấy trong thực tế, với số lượng khách tham quan khu vực này thì việc xây dựng bãi đỗ xe với diện tích 17.000m2 là hoàn toàn không hợp lý. Nếu chỉ cần làm một phép tính đơn giản thì có thể thấy bãi xe có thể chứa được hơn 500 xe du lịch loại lớn trong cùng một thời điểm! Đây là một điều không tưởng so với thực trạng hiện nay.
Cũng cần nói thêm, nếu có một số lượng xe như vậy thì những tác động đến địa chất, môi trường, cảnh quan cũng như sự yên tĩnh… cho di sản đã được đánh giá cụ thể và phản biện khoa học chưa? Nếu trong tương lai, những tác động dẫn đến việc di sản bị ảnh hưởng, thì ai sẽ chịu trách nhiệm cho vấn đề này? Đơn vị nào đề xuất, xin chủ trương, thuê đất xây dựng bãi đỗ xe?
Một trong những lý do di dời lăng mộ này được Sở Văn hóa – Thể thao tỉnh đưa ra là do bà Tài nhân Lê Thị thụy Thục Thuận “không phải là nhân vật lịch sử”.
Trước đó, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa đã có ý kiến như sau: “Lăng mộ bà Tài nhân họ Lê cũng nằm trong hệ thống đó. Hệ thống lăng mộ các bà phi thực sự là yếu tố làm nên tính đặc thù của lăng Tự Đức. Dù nó chưa được công nhận là di tích nhưng không có nghĩa là không được công nhận, bởi vì cơ quan chức năng chưa làm thôi”.
Và cũng mới đây, trong cuộc trao đổi với chúng tôi, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm đối với vấn đề này như sau:
PV: Theo quan điểm của ông về bãi xe, có nên sử dụng đến 17.000m2 để xây dựng không?Có nằm trong khu vực bảo vệ lăng Tự Đức không?
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân: Thứ nhất, bãi đỗ xe này có nằm trong khu vực bảo vệ hay không, tôi xin để câu trả lời này cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế. Quan điểm của tôi là khu sườn đồi Vọng Cảnh xuống lăng Tự Đức là cảnh quan vô giá không được xâm phạm. Do đó không nên làm bãi đỗ xe với diện tích 17.000 m2 ở đó. Nếu là chuyện đã rồi thì xin thu hẹp lại làm bến đỗ, còn bến đậu chờ khách nên chọn nơi khác ngoài vùng cảnh quan của di tích.
PV: Nếu UBND Tỉnh Thừa Thiên Huế quyết định sẽ di dời lăng bà Tài Nhân thì bà con Nguyễn Phúc tộc và dư luận sẽ phản ứng thế nào?
NĐX: Nếu luật pháp cho phép thì Tỉnh cứ thực hiện. Nếu luật pháp không cho phép mà Tỉnh cứ làm thì dân chúng, bà con Nguyễn Phúc Tộc lại đi con đường mà dân chúng Thủ Thiêm Q.2 TP. HCM đã đi và không chỉ với lăng mộ bà Tài nhân.
Liên quan đến vụ việc này, vào ngày 19.7.2017Bộ VH-TT&DL đã có văn bản truyền đạt ý kiến gửi Sở VH&TT tỉnh Thừa Thiên-Huế. Nội dung có đề cập vấn đề như sau:
“Trong trường hợp cần thiết, Sở VH&TT tỉnh Thừa Thiên-Huế có thể hướng dẫn chủ đầu tư nghiên cứu lập phương án điều chỉnh dự án bãi đỗ xe lăng vua Tự Đức-Đồng Khánh trên cơ sở đảm bảo hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị của di tích và sự đồng thuận giữa các bên, báo cáo UBND tỉnh và Bộ VH-TT&DL xem xét điều chỉnh”.
Ý kiến của Bộ Văn hóa,Thể thao và Du lịch
Như vậy, từ thực tế hiện nay và ý kiến của Bộ VHTT & DL, của các nhà nghiên cứu, và những yêu cầu chính đáng của Nguyễn Phước Tộc, có thể nhìn nhận rằng việc thu hẹp diện tích bãi đỗ xe và phục dựng, giữ nguyên vị trí lăng bà Tài nhân là điều hoàn toàn hợp lý bởi hai lẽ: Bảo vệ di sản. tránh những tác động quá lớn, và tôn trọng vị trí lịch sử của bà Tài nhân – phi tần vua Tự Đức!
Trách nhiệm của chính quyền
Sự việc này đã kéo dài gần 1 năm, Nguyễn Phước Tộc đã có những yêu cầu gởi lên Tòa án và các cấp chính quyền nhưng đến nay vẫn chưa có phản hồi cụ thể bằng văn bản. Điều này kéo dài sẽ gây ra những bức xúc cho thành viên Nguyễn Phước tộc và cho công luận.
Cho đến nay, lăng bà Tài nhân vẫn chỉ là ngôi mộ tạm vì chưa được phép phục dựng từ chính quyền. Đây là một ngôi mộ cổ trên 100 năm và là của một phi tần của vua Tự Đức. Vì vậy, cần tôn trọng quá khứ và những đề nghị chính đáng của bà con Nguyễn Phước tộc. Cần lắm những quyết định đúng đắn và nhân văn từ phía chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế!
Hạ Lan