Cổ phần hóa hàng trăm đoàn tàu, nhưng định giá ngang 1 căn nhà phố cổ?
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 05:55, 29/05/2018
Lợi ích nhóm trong cổ phần hóa
Thảo luận về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa tại Quốc hội chiều 28.5, theo ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum), việc định giá tài sản vô hình khi cổ phần hóa trong thời gian qua còn lúng túng và cơ sở pháp lý cũng chưa rõ ràng, dẫn đến giá đất xác định thấp hơn giá trị thị trường.
“Cử tri và dư luận vẫn rất lo ngại sự trục lợi, lợi ích nhóm, những quan hệ không rành mạch trong định giá, thông thầu khi đấu giá trong quá trình thực hiện cổ phần hóa dẫn đến thất thoát, thiệt hại tài sản của nhà nước; hoặc đẩy giá mua bán doanh nghiệp nhà nước, làm nhà nước thiệt hại khi mua cổ phần”, ông Tám nói và cho rằng cần nhanh chóng có khung pháp lý về vấn đề này.
ĐB Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) cho rằng một số doanh nghiệp hiện tại xác định giá trị tài sản chưa đúng với giá trị thực. Nhiều doanh nghiệp sở hữu nhiều mảnh đất vàng, giá trị hiện tại của những tài sản trên đất có giá trị lớn hơn rất nhiều so với giá trị ghi sổ.
“Điều này dẫn đến tình trạng lợi dụng cổ phần hóa và mục tiêu là khu đất doanh nghiệp đang sở hữu, lũng đoạn giá trong việc mua, bán tài sản đất công như trong thời gian vừa qua dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa không đạt hiệu quả và mục tiêu như mong đợi”, ĐB Thơ nói.
Nêu quan điểm, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nhận định, vấn đề đất đai và mặt bằng, thẩm định giá của các doanh nghiệp cổ phần hóa hiện nay rất sơ hở, lỏng lẻo.
“Thẩm định giá trị cổ phần thì chỉ biết thuê một doanh nghiệp thẩm định. Đây là một dịch vụ tư nhân mà tư nhân thì phụ thuộc vào người thuê họ nên hầu như không kiểm soát được giá trị thực, giá trị khách quan và các doanh nghiệp định giá cũng không phải chịu trách nhiệm gì nhiều”, ông Nghĩa nói.
Đề cập đến việc sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, ĐB Nguyễn Hữu Toàn (Lai Châu) cho rằng, các khoản thu trên được đưa vào Quỹ hỗ trợ sắp xếp, phát triển doanh nghiệp, nhiều khoản chi chưa theo quy trình quản lý ngân sách nhà nước.
Trong giai đoạn 2016-2020 Quốc hội đã quyết định sử dụng 250.000 tỉ từ nguồn thu này hòa chung vào thu ngân sách nhà nước bố trí cho các dự án đầu tư công trung hạn. Trong thời gian tới, nếu tiếp tục sử dụng theo phương thức trên thì số thu từ cổ phần hóa, bán vốn nhà nước phần lớn sẽ được sử dụng để chi đầu tư cho các dự án đầu tư công, nhiều dự án không có khả năng tái tạo nguồn vốn.
Do vậy, đại biểu này đề nghị Quốc hội luật hóa các khoản thu chi của quỹ để đảm bảo đồng bộ với Luật Ngân sách nhà nước. Đồng thời định hướng sử dụng nguồn vốn vào một số dự án cơ sở hạ tầng quan trọng của quốc gia, có khả năng thu hồi vốn.
Trả lời trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết Bộ GTVT thực hiện cổ phần hóa 137 doanh nghiệp, trong đó 12 doanh nghiệp là tổng công ty, giá bán được cao hơn giá niêm yết, lợi nhuận đem lại tương đối cao.
Cụ thể khi cổ phần hóa 12 tổng công ty, giá trị ban đầu nêu ra chỉ là 2.153 tỉ, thực tế cổ phần hóa được 2.785 tỉ, thặng dư hơn 600 tỉ.Còn 133 doanh nghiệp thuộc các tổng công ty không cần nắm giữ cổ phần hóa thu về được 4.184 tỉ, thặng dư hơn1.280 tỉ.
Ngoài ra, nếu doanh nghiệp nhà nước không được tham gia vào một số gói thầu do một số nhà đầu tư nước ngoài yêu cầu, doanh nghiệp đã chuyển qua mô hình cổ phần thì có thể tham gia đấu thầu sòng phẳng. Những thuận lợi này làm cho hoạt động của các doanh nghiệp được cổ phần hóa sẽ có hiệu quả cao.
Cũng theo Bộ trưởng, về chuyên môn, Bộ xem các doanh nghiệp cổ phần hóa như thành viên của ngành giao thông vận tải, bởi ngành cũng phải dựa vào các công ty này làm nền tảng cho công tác khảo sát thiết kế và thi công. Ví dụ như TEDI, sau khi cổ phần hóa, hiện nay Bộ sử dụng doanh nghiệp này để thiết kế đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông và đang lập đề án phát triển đường sắt Bắc - Nam tốc độ cao.
Kiến nghị xem xét lại 2 DN đã cổ phẩn hóa
Tranh luận lại với Bộ trưởng, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nêu hai trường hợp đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho kiểm tra nghiêm túc.
Vấn đề cổ phần hóa Tổng công ty Vận tải thủy Việt Nam, tại sao 10 doanh nghiệp nhà nước với hàng trăm đoàn tàu, rất nhiều tài sản của nhà nước mà chỉ được định giá 327 tỉ? Tức là chỉ tương đương với một căn nhà tại phố cổ Hà Nội.
“Rất nhiều người bức xúc và người đứng đơn trực tiếp tố cáo nguyên là Bí thư Đảng ủy, Giám đốc cảng Hà Nội. Nhưng vừa qua kết luận giải quyết khiếu nại, tố cáo người ta rất bất bình, còn nói rằng không tiếp cận nổi các tài liệu về cổ phần hóa, quên cả nhà đầu tư chiến lược. Thậm chí bây giờ tài sản không những hạ giá thấp mà còn để ra ngoài một khối tài sản khác không đưa vào cổ phần hóa, giống như loại quỹ đen của cổ phần hóa”, ông Nhưỡng nêu.
Đặc biệt, ông Nhưỡng cũng tiết lộ người mua doanh nghiệp, tổng công ty đó chính là người đã mua xí nghiệp Điện ảnh Việt Nam với giá "bèo".
Đại biểu này cũng bày tỏ sự đồng cảm với nhiều đại biểu cho rằng tại sao đi cổ phần hóa những công ty đang làm ăn tốt. Ví dụ như Vinamilk, hay Công ty cổ phần hàng hóa Nội Bài thuộc Tổng công ty Hàng không Việt Nam.
“Người ta nói cổ phần hóa lúc nào đến họ cũng không biết, lãnh đạo cũng ngỡ ngàng. Một công ty đang làm ăn cực tốt để đến bây giờ lại phải đi thuê lại tài sản của chính công ty được cổ phần hóa theo sự chỉ định này, hàng năm phải bỏ hàng trăm tỉ đồng ra để thuê lại”, ông Nhưỡng nói
“Tôi không biết như thế nhà nước có được gì không, nhân dân có được gì không, hiệu quả của 137 doanh nghiệp được cổ phần hóa như thế nào, đề nghị đồng chí xem xét lại. Hôm nay, tôi chính thức đề nghị và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xem xét lại cổ phần hóa của hai doanh nghiệp này, cử tri rất mong muốn Thủ tướng trực tiếp có những chỉ đạo hết sức nghiêm túc”, ông Nhưỡng nhấn mạnh.
Lam Thanh