Dự luật An ninh mạng: Bỏ đặt máy chủ nhưng phải lưu dữ liệu người dùng
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 14:00, 29/05/2018
Giữ lại quy định về chiến tranh mạng
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật An ninh mạng tại Quốc hội sáng 29.5, UBTVQH cho rằng, ý kiến đề nghị hợp nhất dự thảo Luật này với Luật An toàn thông tin mạng (ATTTM) là không khả thi, bởi vì phạm vi, mục đích ban hành hai luật này khác nhau. Do đó, việc ban hành Luật An ninh mạng là rất cần thiết, nhất là trong tình hình hiện nay.
Hơn nữa, hệ thống pháp luật hiện hành còn thiếu các quy định về đấu tranh bảo vệ ANQG, bảo đảm trật tự an toàn xã hội (TTATXH), bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trên không gian mạng, nên luật này điều chỉnh về hoạt động bảo vệ ANQG, bảo đảm TTATXH trên không gian mạng là phù hợp, đáp ứng tình hình thực tiễn đặt ra.
Có ý kiến đề nghị cân nhắc các quy định về thẩm quyền thẩm định, kiểm tra, đánh giá, giám sát an ninh mạng để bảo đảm tính khả thi, phù hợp với khả năng của Bộ Công an. UBTVQH đã chỉnh lý theo hướng:
Hoạt động thẩm định an ninh mạng (Điều 10) do lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thực hiện trước khi xây dựng; hoạt động kiểm tra an ninh mạng (Điều 12) do chủ quản hệ thống thông tin thực hiện định kỳ và khi có thay đổi hiện trạng hệ thống, còn lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng kiểm tra trong trường hợp đột xuất; Hoạt động giám sát an ninh mạng (Điều 13) sẽ do chủ quản hệ thống thông tin chủ trì, phối hợp với lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thực hiện trong suốt quá trình hoạt động.
Tuy nhiên, trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, một số bộ chức năng cho rằng, việc thực hiện cả hai loại thủ tục thẩm định, kiểm tra, giám sát an ninh mạng và ATTTM sẽ gây khó khăn cho chủ quản hệ thống thông tin quan trọng về ANQG.
Do vậy, để tạo thuận lợi cho các chủ quản hệ thống thông tin quan trọng về ANQG trong việc thực hiện các nội dung quản lý nhà nước có liên quan đến thẩm quyền nhiều bộ khác nhau, UBTVQH đã cho bổ sung quy định về cơ chế phối hợp giữa các bộ trong việc thực hiện các nội dung này đối với hệ thống thông tin quan trọng về ANQG (trừ hệ thống thông tin quân sự do Bộ Quốc phòng quản lý) như được thể hiện tại khoản 4 Điều 9 dự thảo Luật.
Một số ý kiến đề nghị không quy định về tác chiến trên không gian mạng và lược bỏ quy định về phòng, chống chiến tranh mạng, vì cho rằng thuộc lĩnh vực quốc phòng, là nhiệm vụ của quân đội.
UBTVQH cho rằng, chiến tranh mạng là tình huống đặc biệt xảy ra trên không gian mạng, không những xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, mà còn gây ra những bất ổn về kinh tế, chính trị, xã hội.
Nhiều nước trên thế giới đã có các quy định khác nhau về chiến tranh mạng, nhưng trong hệ thống pháp luật Việt Nam chưa có quy định về vấn đề này. Do vậy, UBTVQH đề nghị cho giữ lại quy định về chiến tranh mạng và cho chỉnh lý như Điều 20 dự thảo Luật đã chỉnh lý.
Cùng với đó, tác chiến trên không gian mạng là hoạt động chiến đấu bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, được giao cho Bộ Quốc phòng chủ trì, nên không quy định trong Luật này. Tuy nhiên, để tạo lập cơ sở pháp lý cho Công an nhân dân trong đấu tranh bảo vệ an ninh mạng, đồng thời phân biệt với hoạt động chiến đấu bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng của Quân đội nhân dân, UBTVQH đã cho bổ sung Điều 22 như dự thảo Luật đã chỉnh lý.
Vẫn yêu cầu đặt cơ quan đại diện và lưu trữ dữ liệu người dùng
Về bảo đảm an ninh thông tin trên không gian mạng đối với doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet tại Việt Nam (khoản 4 Điều 34 dự thảo Luật do Chính phủ trình), một số ý kiến không nhất trí với quy định này. Lý do là khó bảo đảm tính khả thi, không đúng với thực tiễn, gia tăng chi phí của doanh nghiệp nước ngoài, gây khó khăn cho các hoạt động tiếp cận thông tin và trái với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên...
UBTVQH cho rằng, về yêu cầu đặt máy chủ quản lý dữ liệu trên lãnh thổ Việt Nam, tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo không quy định nội dung này trong dự thảo Luật để bảo đảm tính khả thi và thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ vào Việt Nam.
Về yêu cầu đặt cơ quan đại diện và lưu trữ dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam, UBTVQH đề nghị giữ lại nội dung này trong dự thảo Luật và ghép với quy định tương tự đối với doanh nghiệp trong nước (tại khoản 2 Điều 47 dự thảo Luật do Chính phủ trình) được chỉnh lý thành khoản 2 Điều 26 dự thảo Luật đã chỉnh lý.
Việc quy định như vậy sẽ có những thuận lợi như sau: đáp ứng được yêu cầu bảo vệ chủ quyền quốc gia đối với dữ liệu điện tử và xử lý các tình huống, hành vi trên không gian mạng xâm phạm ANQG, TTATXH; gắn nghĩa vụ, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước trong việc cung cấp thông tin, dữ liệu phục vụ điều tra, xác minh, xử lý vi phạm liên quan đến người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam; bảo đảm tính khả thi khi phối hợp ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin chống Đảng, Nhà nước, vi phạm pháp luật của Việt Nam; ngăn chặn có hiệu quả hoạt động chống phá của các đối tượng phản động, gián điệp trong và ngoài nước sử dụng không gian mạng.
Bên cạnh đó, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; tạo hành lang pháp lý cho các bộ, ngành chức năng quản lý chặt chẽ hoạt động của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới khi kinh doanh vào Việt Nam; đảm bảo chủ quyền thanh toán, chống thất thu thuế đối với các doanh nghiệp này
Ngoài ra, bảo đảm sự công bằng giữa các doanh nghiệp nước ngoài với doanh nghiệp trong nước khi cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet tại Việt Nam hoặc sở hữu hệ thống thông tin tại Việt Nam.
Lam Thanh