Quốc hội thông qua Nghị quyết gia nhập Công ước 105 về xóa bỏ lao động cưỡng bức

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 10:49, 08/06/2020

Với 458/460 đại biểu quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, sáng 8.6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức.
Quốc hội thông qua Nghị quyết gia nhập Công ước 105 về xóa bỏ lao động cưỡng bức - Ảnh: VPQH

Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về việc gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho biết ngày 20.5.2020, Quốc hội thảo luận trực tuyến việc gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức.

Các ý kiến đại biểu Quốc hội đều nhất trí về sự cần thiết gia nhập Công ước số 105 và cho rằng việc gia nhập Công ước phù hợp với đường lối đổi mới, hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước.

Việc gia nhập Công ước số 105 vào thời điểm này là thận trọng, phù hợp với quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, vì lợi ích quốc gia, thực hiện chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước trong việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân, không chấp nhận cưỡng bức bóc lột lao động.

Đồng thời, các đại biểu Quốc hội cũng cho rằng các nội dung của Công ước số 105 không trái với các quy định của Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của UBTVQH.

Về dự thảo Nghị quyết, ngày 20.5.2020, Tổng thư ký Quốc hội đã gửi dự thảo Nghị quyết gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức. Đến ngày 25.5.2020, UBTVQH đã nhận được 358 ý kiến tham gia của các vị đại biểu Quốc hội, trong đó có 356 ý kiến nhất trí hoàn toàn dự thảo Nghị quyết, 2 ý kiến tham gia cụ thể một số nội dung và kỹ thuật văn bản.

Nghị quyết được thông qua quyết nghị Gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức được Hội nghị toàn thể của Tổ chức Lao động quốc tế thông qua ngày 25.6.1957 tại Geneva, Thụy Sĩ. Đồng thời quyết nghị áp dụng trực tiếp toàn bộ nội dung của Công ước số 105.

Có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định về lao động của phạm nhân trong trại giam tại điểm d khoản 2 điều 27, khoản 1 điều 33 Luật Thi hành án hình sự năm 2019, UBTVQH cho hay theo Công ước số 29 của Tổ chức Lao động quốc tế về lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc, lao động của phạm nhân là một trong năm trường hợp ngoại lệ không coi là lao động cưỡng bức và theo Công ước số 29, nghĩa vụ lao động của phạm nhân là kết quả, hệ lụy xuất phát từ phán quyết của tòa án.

Nghĩa vụ lao động của phạm nhân không nhất thiết phải được quyết định tại bản án của tòa án mà có thể theo quy định của pháp luật sau khi có bản án kết tội của tòa án, trong trường hợp của nước ta là Luật Thi hành án hình sự.

Về vấn đề trên, theo chuyên gia của Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam, phạm nhân là những người có quyết định thi hành án của tòa án; việc lao động của phạm nhân trong trại giam được thực hiện theo quy định của Luật Thi hành án hình sự và đặt dưới sự giám sát, quản lý của trại giam, đồng thời, họ không bị chuyển nhượng hoặc bị đặt dưới quyền sử dụng của tư nhân.

Với 3 điều kiện trên, lao động của phạm nhân là trường hợp ngoại lệ, không bị coi là lao động cưỡng bức theo quy định tại điểm c khoản 2 điều 2 của Công ước số 29.

UBTVQH cho biết, theo Bộ luật Lao động năm 2019 được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 14 và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1.1.2021, ngoài khái niệm về cưỡng bức lao động tại khoản 7 điều 3 và quy định cấm cưỡng bức lao động tại khoản 2 điều 8 Bộ luật Lao động năm 2019 có nhiều quy định cụ thể nhằm phòng chống lao động cưỡng bức tương ứng với các trường hợp theo hướng dẫn của Tổ chức Lao động quốc tế.

Cụ thể, điều 17 quy định nghiêm cấm người sử dụng lao động: giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động; yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động; buộc người lao động thực hiện hợp đồng lao động để trả nợ cho người sử dụng lao động;

Điều 35 quy định người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần nêu lý do mà chỉ cần báo trước cho người sử dụng lao động. Trong một số trường hợp, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động ngay lập tức mà không cần báo trước như trường hợp không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn; bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động.

Điều 102 quy định người sử dụng lao động chỉ được khấu trừ tiền lương của người lao động trong một số trường hợp theo quy định. Người lao động có quyền được biết lý do khấu trừ tiền lương của mình và mức khấu trừ tiền lương hằng tháng không được quá 30% tiền lương thực trả hằng tháng của người lao động;

Khoản 2 điều 107 quy định người sử dụng lao động chỉ được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi có sự đồng ý của người lao động và đáp ứng các điều kiện quy định tại Bộ luật Lao động;

Điều 124 quy định về các hình thức xử lý kỷ luật lao động chỉ bao gồm: khiển trách; kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng; cách chức; sa thải. Người sử dụng lao động không được tự đặt ra những hình thức xử lý kỷ luật khác ngoài 4 hình thức trên như hình thức cưỡng bước lao động;

Điều 127 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm khi xử lý kỷ luật lao động bao gồm: xâm phạm sức khỏe, danh dự, tính mạng, uy tín, nhân phẩm của người lao động; Phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động; Xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động có hành vi vi phạm không được quy định trong nội quy lao động hoặc không thỏa thuận trong hợp đồng lao động đã giao kết hoặc pháp luật về lao động không có quy định.

Lam Thanh