CPI tháng 5 tăng 0,55%, là tháng 5 có CPI cao nhất trong 6 năm gần đây

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 11:51, 01/06/2018

Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5.2018 tăng 0,55% so với tháng trước, cũng là tháng 5 có CPI tăng cao nhất trong 6 năm trở lại đây.

CPI tăng 0,55%

Theo đó, có 9/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng so với tháng trước, trong đó nhóm giao thông có mức tăng cao nhất 1,72%, chủ yếu do ảnh hưởng từ 2 đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu vào thời điểm 8.5.2018 và thời điểm 23.5.2018 (tác động làm CPI chung tăng 0,16%).

Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,88%, trong đó lương thực tăng 0,03% do giá gạo xuất khẩu tăng nhẹ 0,1% so với tháng trước; thực phẩm tăng 1,2% do giá thịt lợn tăng mạnh 5,85%, làm CPI chung tăng 0,25%. Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,34% do thời tiết nắng nóng nên nhu cầu sử dụng điện, nước tăng cao; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,1%; các nhóm: Đồ uống và thuốc lá; văn hóa, giải trí và du lịch; may mặc, mũ nón, giày dép cùng tăng 0,08%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,03%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,02%; nhóm giáo dục không đổi; riêng nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,14%.

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 5 tháng đầu năm tăng 3,1%

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 5 tháng đầu năm 2018 tăng 3,01% so với bình quân cùng kỳ năm 2017. CPI tháng 5.2018 tăng 1,61% so với tháng 12.2017 và tăng 3,86% so với cùng kỳ năm trước.

Lạm phát cơ bản tháng 5.2018 tăng 0,11% so với tháng trước và tăng 1,37% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 5 tháng đầu năm nay tăng 1,34% so với bình quân cùng kỳ năm 2017.

Chỉ số giá vàng tháng 5.2018 giảm 0,75% so với tháng trước; tăng 2,89% so với tháng 12.2017 và tăng 4,72% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 5.2018 giảm 0,06% so với tháng trước; tăng 0,26% so với tháng 12.2017 và tăng 0,26% so với cùng kỳ năm 2017.

5 tháng, hơn 33.000 DN tạm ngừng hoạt động

Trong tháng 5, cả nước có 11.027 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 104,8 nghìn tỉ đồng, giảm 24% về số doanh nghiệp và giảm 21,5% về số vốn đăng ký so với tháng trước. Trong tháng, cả nước có 2.306 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 29,7% so với tháng trước; có 6.855 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 11,7%; có 834 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 39,5%.

Tính chung 5 tháng đầu năm nay, cả nước có 52.322 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 516,9 nghìn tỉ đồng, tăng 3,5% về số doanh nghiệp và tăng 6,4% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017.

Bên cạnh đó, còn có 13.267doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 5 tháng đầu năm nay lên gần 65,6 nghìn doanh nghiệp.

5 tháng đầu năm, có 33.399 doanh nghiệp ngừng hoạt động

Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong 5 tháng đầu năm 2018 là 33.399 doanh nghiệp, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm 15.974 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 24% và 17.425 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, giảm 9,5%.

Theo lĩnh vực hoạt động, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn ở hầu hết các lĩnh vực đều tăng so với cùng kỳ năm trước.

Thu hút 7,1 tỉ USD đầu tư nước ngoài

Đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 20.5.2018 thu hút 1.076 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 4,6 tỉ USD, tăng 14,6% về số dự án và giảm 16,8% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017.

Bên cạnh đó, có 393 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 2,4 tỉ USD, giảm 47,4% so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong 5 tháng đạt 7,1 tỉ USD, giảm 30,8% so với cùng kỳ năm 2017. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 5 tháng đầu năm ước tính đạt 6,75 tỉ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2017.

Trong 5 tháng năm 2018 còn có 2.341 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 2,75 tỉ USD, tăng 53,5% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó có 1.117 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp là 1,58 tỉ USD và 1.224 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 1,17 tỉ USD.

Cả nước có 43 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới trong 5 tháng đầu năm, trong đó TP.HCM có số vốn đăng ký lớn nhất với 540,9 triệu USD, tiếp đến là Hà Nội 525,6 triệu USD, chiếm 11,3%; Bình Dương 403,8 triệu USD…

Trong số 50 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 5 tháng năm nay, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với hơn 1 tỉ USD, chiếm 21,9% tổng vốn đăng ký cấp mới, tiếp đến là Nhật Bản 904,8 triệu USD, chiếm 19,4%; Thái Lan 536,2 triệu USD.

TP.HCM dẫn đầu trong thu hút FDI

Về đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài, trong 5 tháng năm nay bên cạnh 48 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài với tổng vốn đầu tư của phía Việt Nam là 144,7 triệu USD, còn có 14 dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm là 40 triệu USD.

Tính chung tổng vốn đầu tư Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) 5 tháng đầu năm 2018 đạt 184,7 triệu USD. Trong 24 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, dẫn đầu là Lào chiếm 43,4% tổng vốn đầu tư; Campuchia chiếm 17,5%; Cu Ba chiếm 10,8%.

Chi thường xuyên gấp 4 lần chi đầu tư phát triển

Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15.5.2018ước tính đạt490,2nghìn tỉ đồng, bằng37,2% dự toán năm, trong đó thu nội địa đạt394,5nghìn tỉ đồng, bằng35,9%; thu từ dầu thô đạt21,7nghìn tỉ đồng, bằng60,4%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt73,9nghìn tỉ đồng, bằng41,3%.

Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15.5.2018 ước tính đạt 470,3 nghìn tỉ đồng, bằng 30,9% dự toán năm, trong đó chi thường xuyên đạt 339,5 nghìn tỉ đồng, bằng 36,1%; chi đầu tư phát triển đạt 82,6 nghìn tỉ đồng, bằng 20,7%; chi trả nợ lãi 46,3 nghìn tỉ đồng, bằng 41,1%.

Lam Thanh

Trí Lâm