Tổng thống Philippines nhắn chuyên gia nhân quyền LHQ: ‘Xuống địa ngục đi’

Quốc tế - Ngày đăng : 18:37, 03/06/2018

Hãng tin AP ngày 3.6 đưa tin Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nhờ nhà báo nói hộ “ông ta xuống địa ngục đi”, sau khi một chuyên gia nhân quyền LHQ có lời phê phán ông Duerte có thể liên quan vụ cách chức nữ Chánh án Maria Lourdes Sereno của Tòa án tối cao Philippines.

Trước khi đáp phi cơ đi thăm chính thức Hàn Quốc, Tổng thống Duterte họp báo khuya 2.6, và khi một nhà báo hỏi về tuyên bố của ông Garcia Sayan, ông đáp: “Nói ông ta chớ can thiệp vào chuyện nội bộ nước tôi. Ông ta xuống địa ngục đi. Ông ta không phải nhân vật đặc biệt và tôi không công nhận chức danh báo cáo viên của ông ta”.

Ngày 31.5, chuyên gia nhân quyền LHQ Diego Garcia-Sayan nói vụ cách chức Chánh án Sereno là một sự tấn công vào tính độc lập của ngành tư pháp, và có thể gây hại cho nền dân chủ Philippines.

Ông Garcia-Sayan, từng là thẩm phán, còn khẳng định việc cách chức bà Sereno tạo ra “bầu không khí hù dọa” Tòa án tối cao Philippines gồm 15 thành viên. Ông nói LHQ chưa mở cuộc điều tra chính thức về vụ sa thải này, nhưng ở vai trò một báo cáo viên LHQ có nhiệm vụ giám sát những dọa nạt nhắm vào giới thẩm phán độc lập và luật sư trên toàn thế giới, ông phải lên tiếng khi những vụ việc này xảy ra ở bất kỳ nơi nào, ví dụ ông vừa điều tra một vụ đe dọa thẩm phán ở Ba Lan.

Ông Garcia-Sayan cũng từng là Ngoại trưởng Peru, nói thêm: “Đối với một báo cáo viên LHQ về độc lập tư pháp, khi có một chánh án ở bất kỳ nước nào bị bãi nhiệm, ngay cả ở nước tôi, thì việc không lên tiếng sẽ là vô đạo đức”.

Ông nói đã gởi các câu hỏi đến chính phủ Philippines, về việc cách chức bà Sereno, và hy vọng chính phủ Tổng thống Duterte sẽ trả lời trong vòng 60 ngày, cũng như đồng ý đối thoại về các vấn đề có thể đe dọa tính độc lập tư pháp.

Bà Sereno, 57 tuổi, đã bị Tòa án tối cao Philippines cách chức Chánh án hôm, 11.5, với kết quả 14 thành viên thì8 người bỏ phiếu thuận (6 phiếu chống) sau khi chính phủ yêu cầu bãi nhiệm vàcáo buộc bà không kê khai tài sản khi là giáo sư luật tại một đại học quốc gia hồi nhiều năm trước.

Bà Sereno phủ nhận cáo buộc và đã kháng nghị, dẫn một điều khoản Hiến pháp quyđịnh Chánh án Tòa án tối cao chỉ có thể bị bãi nhiệm từ một cuộc luận tội của Quốc hội Philippines.

Đa số nghị sĩ Thượng viện Philippines, gồm vài đồng minh của Tổng thống Duterte đã đề nghị Tòa án tối cao xét lại quyết định bãi nhiệm, gọi đó là “một tiền lệ nguy hiểm", vi phạm quyền của Quốc hội Philippines là quyền luận tội các quan chức cấp cao.

Người phát ngôn Harry Roque của Tổng thống Duterte nói ông Garcia-Sayan nhận thông tin sai, và dù Tổng thống công kích bà Sereno vì bà cáo buộc ông âm mưu chống lại bà, nhưng Tổng thống không liên quan vụ cách chức bà.

Ông Duterte từng phản ứng cáu kỉnh công khai đối với các báo cáo viên LHQ khác, là những người lên tiếng báo động và đề nghị điều tra độc lập về chiến dịch chống ma túy đẫm máu của chính phủ ông, vốn đã khiến hàng ngàn người nghèo và nghi can ma túy mất mạng.

Tòa án hình sự quốc tế (ICC) ngày 9.2 đã mở cuộc điều tra sơ bộ, từ đơn kiện ông Duterte phạm tội chống lại loài người, nhằm có thể buộc tội ông là đồng phạm, khi cảnh sát Philippines đã giết chết gần 4.000 cư dân nghèo ở các thành thị. Cảnh sát bào chữa rằng người nghiện ma túy dùng vũ lực để chống bị bắt nên họ phải tự vệ.

Chính phủ Philippines ngày 16.3 đã gửi công văn chính thức đến LHQ, tuyên bố rút khỏi hiệp ước thành lập ICC. Ông Duterte chỉ trích ICC là công cụ của phương Tây và Liên minh châu Âu (EU) để che đậy những hành động sai trái ở châu Phi và Trung Đông.

Bích Ngọc (theo AP)

Trần Trí