Lãnh đạo Mỹ-Triều liệu có 'hành xử ngẫu hứng' tại Singapore?
Quốc tế - Ngày đăng : 18:38, 04/06/2018
Tờ báo Mỹ ngày 3.8 khẳng định không như người ta nghĩ chỉ cần một căn phòng, một chiếc bàn và vài chiếc ghế là xong, cuộc chuẩn bị cho cuộc gặp về tương lai hạt nhân của Bình Nhưỡng sẽ đòi hỏi tính đến vô số chi tiết mang tính quyết định, vất vả đàm phán ngoại giao.
Nhưng bất kỳ chi tiết nào cũng có thể bị một trong hai nhà lãnh đạo nổi tiếng hành xử ngẫu hứng và không theo bất kỳ kịch bản nào vào phút chót.
Phòng có hai cửa để hai lãnh đạo cùng vào điểm gặp
Ngày 1.6, khi ông Trump tuyên bố cuộc gặp vẫn tiến hành sau khi ông tuyên bố hủy, hai đoàn Mỹ-Triều đã đến Singapore để bàn khâu tổ chức cuộc gặp lịch sử.
Hai bên sẽ đàm phán từ nơi diễn ra cuộc gặp, lãnh đạo Mỹ-Triều ngồi ở đâu tại bàn, ăn món gì, uống thức gì (ông Trump không uống rượu), số lần nghỉ giải lao và dùng bữa, ai được phép có mặt với họ, mỗi bên tặng nhau món quà gì và nhất là ai thanh toán chi phí tổ chức.
Trong kế hoạch tổ chức còn phải tính đến chuyện ai bước vào địa điểm gặp trước tiên.
Cựu chuyên viên ngoại giao Wendy R. Sherman, từng tháp tùng nữ Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright đến Bình Nhưỡng gặp Chủ tịch Kim Jong-il (cha ruột ông Kim) năm 2000, nói: “Việc này phải được biên đạo kỹ, báo cho Tổng thống và ông Kim biết. Mỗi bên sẽ cố gắng đưa ra vài đề xuất để giành lợi thế”.
Ông Thomas Hubbard, một cựu quan chức ngoại giao Mỹ từng lập kế hoạch chuyến đi và tháp tùng bà Albright, nói: “Các quan chức Triều Tiên “không thể lập lịch cụ thể và nơi gặp, và mãi khi đến nơi, chúng tôi mới tìm ra được nơi và thời điểm Ngoại trưởng Albright gặp ông Kim Jong-il”.
Trong khi ông Trump nổi tiếng cư xử “lạ lùng” với các lãnh đạo nước ngoài và phớt lờ các nghi thức ngoại giao, các nhà ngoại giao Mỹ từng tổ chức các cuộc gặp quan chức Triều Tiên trước đây đều nói: họ rất ý thức và sẽ chú ý vào từng chi tiết, ví dụ ông Kim sẽ ngồi ở phía nào của chiếc bàn.
Thường thì người có vị thế cao hơn sẽ là người sau cùng bước vào điểm gặp thượng đỉnh và ngồi cách xa khỏi cửa, theo một quan chức Nhật Bản từng tham gia các cuộc đối thoại với các quan chức Triều Tiên. Ông đề nghị giải pháp: chọn một căn phòng có hai lối vào cho cả ông Trump lẫn ông Kim.
Nói về cửa vào phòng, các nhà tổ chức sự kiện cũng sẽ kiểm tra chốt khóa cửa từ trước. Năm 2005, sau khi Tổng thống Mỹ George Bush gặp Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào ở Đại lễ đường Nhân dân tại Bắc Kinh, ông Bush gặp các nhà báo nói chuyện rồi cố thoát khỏi một cánh cửa bị khóa.
Tổng thống Bush không thể mở cửa ở Đại lễ đường Nhân dân - Ảnh: AP
Ông Trump được lợi thế nào khi cuộc gặp ở Singapore?
Cũng phải tính kỹ mỗi lãnh đạo Mỹ-Triều sẽ đi bao nhiêu bước, trước khi các ông dừng lại để giới truyền thông chụp ảnh. Mỗi bên còn phải bàn xếp cờ quốc gia thế nào cho mỗi ảnh chính thức ghi nhận cuộc gặp thượng đỉnh.
Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Mitoji Yabunaka nói: “Liệu Mỹ sẽ chính thức thừa nhận Triều Tiên là một quốc gia?”, và ông giải thích ý nghĩa của việc trưng cờ Triều Tiên khi Mỹ-Triều không có quan hệ ngoại giao chính thức.
Theo các nhà ngoại giao kỳ cựu, việc hai lãnh đạo Mỹ-Triều gặp nhau ở nước thứ ba quả là bất thường, trừ phi họ đã gặp nhau bên lề một sự kiện quốc tế nào đó.
Còn khi Singapore là điểm đến, có thể ông Trump có lợi thế hơn ông Kim, theo cựu quan chức ngoại giao Mỹ Evans J.R. Revere chuyên về Đông Á, vì nếu tổ chức ở Bình Nhưỡng thì người Triều Tiên sẽ kiểm soát từng chi tiết.
Và khi tổ chức ở Singapore thì Triều Tiên khó thể tổ chức tuyên truyền rầm rộ, như hồi năm 2000, Chủ tịch Kim Jong-il đưa Ngoại trưởng Albright đến sân vận động ở Bình Nhưỡng, và bà ngồi cạnh ông, các đoàn nghệ nhân ngợi ca lãnh đạo Triều Tiên.
Tuy nhiên, ông Kim có thể tung ra một thắng lợi tuyên truyền, ngay cả khi ông không ở Triều Tiên. Khi lần đầu gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ở làng biên giới Bàn Môn Điếm ngày 27.4, ông Kim chìa tay mời ông Moon bước qua đường ranh giới để “về quê” Triều Tiên, vì ông Moon là người gốc miền bắc.
Các nhà ngoại giao từng gặp các quan chức Triều Tiên, nói Triều Tiên có thể phá tan các kế hoạch dàn dựng kỹ, chỉ bằng cách từ chối tham dự hoặc thay đổi giọng điệu.
Ông Takeo Harada, cựu quan chức Bộ ngoại giao Nhật thời Thủ tướng Junichiro Koizumi thăm Bình Nhưỡng, nói: “Các nhà ngoại giao Mỹ phải cẩn trọng. Dù họ có thể rất thân thiện khi đàm phán chuẩn bị tổ chức, bạn sẽ không bao giờ biết được phía Triều Tiêu hành xử thế nào vào phút chóttrong cuộc gặp giữa ông Trump với ông Kim”.
Triều Tiên không chi tiền khách sạn,Singapore đóng góp bao nhiêu?
Dĩ nhiên quan tâm tối thượng là sự an toàn của mỗi vị lãnh đạo. Chính phủ Singapore chủ nhà sẽ đảm bảo khâu an ninh trên đường và ở các nơi công cộng, nhưng Mỹ-Triều sẽ bảo đảm an toàn tính mạng cho ông Trump và ông Kim.
Mỗi khi lãnh đạo Mỹ công du nước ngoài đều có nhiều đặc vụ S.S hộ tống, cùng nhiều xe, trực thăng và các phương tiện bảo vệ khác.
Ông Kim thì chưa hề đi quá xa khỏi Triều Tiên, mới chỉ qua Trung Quốc hai lần hồi tháng 3 và tháng 5.2018. Singapore sẽ là điểm đến xa nhất của ông từ sau khi ông nắm quyền hồi năm 2011.
Các quan chức chưa công bố chính khách nơi tổ chức cuộc gặp ở Singapore. Các đời tổng thống Mỹ trước ưng tạm trú ở Khách sạn Shangri-La, nơi mà Thủ tướng Ấn Độ cùng nhiều Bộ trưởng quốc phòng các nước vừa lưu trú khi dự Đối thoại Shangri-La 2018, một diễn đàn an ninh quan trọng ở châu Á được tổ chức hàng năm ở Singapore.
Giá phòng Shangri-La Suite rộng 348 m2 ở khách sạn này được báo giá gần 7.500 USD cho đêm 12.6. Có thông tin ông Trump sẽ ngụ ở khách sạn Shangri-La vốn có 747 phòng.
Khách sạn Shangri-La có thể là nơi Tổng thống Trump lưu trú - Ảnh: Reuters
Trong khi đó, một cựu quan chức Singapore nói có thể cuộc gặp của lãnh đạo Mỹ-Triều sẽ diễn ra ở khách sạn Capella thuộc đảo nghỉ dưỡng Sentosa (cực nam Singapore).Một quan chức Singapore khác cho rằng nhiều sự kiện sẽ diễn ra ở nhiều vị trí khác nhau.
Ngày 1.6, báo Washington Post đưa tin hai nhóm Mỹ-Triều Tiên chóng mặt về việc ai chi tiền ngụ khách sạn cho ông Kim và đoàn tùy tùng của ông.
Tờ báo Mỹ cho rằng khách sạn 5 sao Fullerton ở trung tâm Singapore là nơi chính quyền Triều Tiên lựa chọn làm nơi lưu trú của đoàn Triều Tiên.
Giá Phòng Tổng thống (presidential suite-phòng cao cấp nhất trong khách sạn) tại đây ít nhất là 6.000 USD/đêm.
Triều Tiên yêu cầu một quốc gia nước ngoài thanh toán hóa đơn tiền phòng tại khách sạn gần cửa sông Singapore này, vì lãnh đạo khách sạn không chịu miễn phí, dù cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều là cơ hội để Fullerton đi vào lịch sử.
Theo Reuters, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen khẳng định nước ông sẵn lòng trả một phần chi phí cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều, nhưng ông không nói chính phủ ông sẽ đóng góp bao nhiêu tiền.
Theo Times, Triều Tiên nổi tiếng đòi chính phủ nước khác trả tiền cho quan chức Triều Tiên ra nước ngoài. Ví dụ ở Olympic mùa đông Pyeongchang 2018, chính phủ Hàn Quốc đã phải dành riêng một khoản 225.000 USD cho đoàn thượng khách có sự dẫn đầu của bà Kim Yo-jong, em gái ruột của ông Kim.
Hàn Quốc cũng phải chi 121.000 USD cho một đoàn Triều Tiên dự Paralympic diễn ra sau sự kiện trên.
Vĩnh Thụy (theo New York Times)