Bộ trưởng TN&MT :'Người nước ngoài mua đất là trái pháp luật của Việt Nam'
Sự kiện - Ngày đăng : 10:49, 05/06/2018
>>Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Nếu QH có Nghị quyết quản lý đất đai ở 3 đặc khu thì rất tốt
Người nước ngoài mua đất là trái pháp luật Việt Nam
Sáng nay,ngày 5.6, Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà tiếp tục trả lời chất vấn của Quốc hội về công tác quản lý đất đai tại các thành phố lớn, các địa phương có nhiều khiếu nại, tố cáo; nhất là trong quản lý, sử dụng đất công, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thu hồi giải phóng mặt bằng.Tình trạng ô nhiễm lưu vực sông và kiểm soát hoạt động xả thải của các doanh nghiệp; thực trạng xử lý rác thải và giải pháp. Các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là tình trạng sạt lở ở đồng bằng sông Cửu Long.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng và một số bộ trưởng các bộ như Xây dựng, Kế hoạch - Đầu tư, Tài chính, Công an, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng Thanh tra Chính phủ... cùng tham gia.
ĐB Phùng Đức Tiến (đoàn Hà Nam) bày tỏ lo ngại về tình hình “rất phức tạp” liên quan đến đất đai ở 3 đặc khu kinh tế, đặc biệt là khi có yếu tố nước ngoài mua đất. ĐB Tiến chất vấn: “Đề nghị Bộ trưởng cho biết thực trạng để ĐB có thêm thông tin trước khi ấn nút thông qua Dự án Luật đặc khu kinh tế”.
Trả lời chất vấn của ĐB Phùng Đức Tiến, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định trên thực tế, người nước ngoài không có quyền mua đất mà chỉ có thể mua các căn hộ chung cư ở các đô thị. “Thực tế vừa rồi chúng tôi kiểm tra một số nơi, Chính phủ cũng chỉ đạo các cơ quan kiểm tra và hiện nay chưa phát hiện người nước ngoài mua đất” - Bộ trưởng khẳng định.
Bộ trưởng Bộ TN&MT cũng đề nghị, nếu các ĐB biết thông tin về việc người nước ngoài mua đất thì thông báo cho Bộ TN&MT để Bộ tiến hành xác minh họ làm cách nào mua được. Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: “Nếu mua là trái pháp luật của Việt Nam”.
Bộ trưởng có đảm bảo Formosasẽ không tái diễn sự cố môi trường?
ĐB Hoàng Quốc Thưởng (đoàn Hải Dương) khi chất vấn Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã nhắc lại sự cố môi trường biển Formosa xảy ra trước đây gây hậu quả nặng nề.
Trong suốt quá trình Bộ trưởng trả lời chất vấn, Bộ trưởng có đề cập đến vấn đề kiểm soát chặt chẽ các công nghệ, hệ thống xử lý nước thải, chất thải và chúng ta đã được biết vấn đề về sự cố môi trường của Formosa nhận được sự quan tâm rất lớn của nhân dân, đặc biệt là vấn đề xử lý sự cố đã xảy ra và đến nay đã đạt được hiệu quả rất tích cực.
Theo báo cáo, hiện Formosa mới tiếp tục vận hành lò cao số 2, các biện pháp giám sát thường xuyên, đột xuất của Bộ TN&MT và các địa phương.
“Bài học về Formosa rất đắt giá, xin hỏi Bộ trưởng có tin tưởng và đảm bảo hoạt động của Formosa sẽ không gây ra sự cố tái diễn như trước đây không?”, ĐB Thưởng đặt câu hỏi.
Trả lời ĐB, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, với việc cho Formosa hoạt động lại, chúng ta đã thay đổi toàn bộ phương pháp quản lý, trong đó đầu tư công nghệ, bổ sung công nghệ xử lý môi trường với công suất lớn hơn rất nhiều, bên cạnh đó còn có công nghệ giám sát đánh giá môi trường trực tuyến. Ngoài ra, chúng ta có 3 nấc đề phòng sự cố: sự cố ngay nơi sản xuất, sự cố trong phạm vi nhà máy và sự cố ngoài phạm vi nhà máy.
“Với cách làm như vậy, từ khâu xem xét đánh giá công nghệ cho đến khâu giám sát, kiểm tra được yêu cầu chặt chẽ thì không ngành nghề nào để xảy ra ô nhiễm, nếu chúng ta làm tốt”,Bộ trưởng nói và trấn an các ĐBQH “yên tâm về hoạt động của Formosa”.
Tư nhân hóabãibiển khiến dân muốn tắm cũng không được, phải trả lại bờ biển cho dân
ĐB Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) đặt câu hỏi: Bộ trưởng đã tiếp cận công nghệ xử lý rác với nhiều doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, doanh nghiệp nước ngoài khi tiếp cận nhiều địa phương họ gặp nhiều khó khăn hơn doanh nghiệp Việt Nam. Tôi mongChính phủ, Bộ trưởng có những chỉ đạo giải quyết tạo điều kiện cho những doanh nghiệp này.
Về hành lang pháp lý bờ biển, bờ sông, tôi đề nghị Chính phủ ra quy định rà soát lại bờ sông, bờ biển trả lại cho quốc gia, người dân, không để các nhà đầu tư lấn chiếm.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cảm ơn ĐB Trương Trọng Nghĩa đã cho biết thêm nhiều thông tin về xử lý rác với công nghệ của doanh nghiệp nước ngoài, Việt kiều và sẽ đánh giá công nghệ ở Việt Nam và rất kỳ vọng các mô hình xử lý chất thải thành phân bón, thành điện… giá thành thấp hơn.
“Về hành lang biển, bờ sông, chúng ta để thể chế hóa bằng luật tài nguyên nước quy định hành lang bảo vệ, luật về biển cũng quy định rất rõ. Tôi đề nghị không cần thêm, chỉ cần nâng cao kỷ luật, kỷ cương thực hiện ở địa phương”, Bộ trưởng Bộ TN&MT trả lời.
Cùng quan tâm vấn đề đường xuống biển cho dân, ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nêu: Hiện nay bao nhiêu đường xuống biển tắm tại các khu du lịch đã bị tư nhân hóa hết, dân muốn tắm không được tắm. Thậm chí, tư nhân làm rào chắn không cho người dân đi qua. Đây là việc bất cập trong quản lý đất đai khi cho tư nhân mua bán hợp pháp hoặc có giấy đỏ. Giải pháp sắp tới tính thế nào để thu hồi đất, đảm bảo đường xuống biển cho dân. Trong tương lai gần, nhất làđặc khu Phú Quốc sẽ diễn ra tình trạng này.
Trả lời ĐB Phạm Văn Hòa, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết việc tư nhân hóa bãi biển, chiếm đất của dân là không đúng quy định pháp luật về tài nguyên môi trường biển.
Trách nhiệm là ở cơ quan quản lý Nhà nước các cấp, đây là việc mà Đà Nẵng đã làm được, Đà Nẵng cũng rất chặt chẽ trong việc giao đất cho doanh nghiệp quản lý. Tuy nhiên, trong việc này sai phải sửa, ai sai phải chịu trách nhiệm. Về góc độ pháp luật Bộ sẽ rà soát thêm xem còn vướng mắc gì hay không.
Vấn đề hồi tố trước khi Luật TNMT biển được thông qua trước đây cần phải xem xét kỹ để hài hòa lợi ích các bên.
Nam Phong