Truyền thông Trung Quốc ‘dìm’ thượng đỉnh G7, nâng hội nghị cấp cao SCO

Quốc tế - Ngày đăng : 15:29, 11/06/2018

Nhiều tờ báo của Trung Quốc cho đăng bài viết ca ngợi hội nghị cấp cao Tổ chức hợp tác Thượng hải (SCO) diễn ra trong bầu không khí ôn hòa và đem lại kết quả tích cực, trái ngược với cuộc gặp thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7).

Theo tờThời báo Hoàn cầu (phụ trương của Nhân dân Nhật báo), thượng đỉnh G7 “kết thúc trong sự rối loạn”, còn hội nghị cấp cao SCO diễn ra tại thành phố Thanh Đảo “tràn đầy nhiệt huyết và tham vọng”.

Báo này lý giải: “Điều quan trọng nằm ở tinh thần của SCO, là tin tưởng lẫn nhau, cùng có lợi, bình đẳng, tham vấn nhau, tôn trọng đa dạng văn hóa và theo đuổi sự phát triển chung, thuận theo xu thế thời đại”.

Vào cuối tuần qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hủy hoại nỗ lực đoàn kết của G7 khi sớm rời hội nghị, rút khỏi tuyên bố chung của nhóm và công kích Thủ tướng Canada Justin Trudeau.

Thượng đỉnh G7 chứng kiến căng thẳng giữa Mỹ và các đồng minh - Ảnh: Medium

Trong khi đó, theo tờ China Daily, hội nghị cấp cao SCO tại Trung Quốc là minh chứng tốt cho hợp tác đa phương, đưa ra “một tầm nhìn mới” cho một thế giới công bằng hơn.

“Trong bối cảnh chủ nghĩa đơn phương và chống toàn cầu hóa phát triển mạnh, tiếng nói phản đối bảo hộ thương mại dưới bất cứ hình thức nào mà SCO đưa ra rất đáng khích lệ”, China Daily viết.

Báo này còn đánh giá: “Thượng đỉnh G7 như một lời nhắc nhở, cho thấy chính quyền Tổng thống Donald Trump đang thách thức trật tự thế giới vốn được đảm bảo bởi luật lệ. Do Washington khơi mào tranh chấp thương mại với các quốc gia, ví dụ như Trung Quốc, phản ứng toàn cầu chống lại khuynh hướng đơn phương của ông Trump đã có động lực phát triển. Cộng đồng quốc tế nên tập hợp lại và phản đối những chính sách đóng cửa, áp đặt ý chí lên nước khác của Mỹ”.

Tổ chức hợp tác Thượng hải (SCO) được lập ra năm 2001 với mục đích hợp tác với xu hướng Hồi giáo cực đoạn cùng nhiều mối quan tâm an ninh chung giữa Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Uzbekistan. Ấn Độ cùng Pakistan đã gia nhập SCO vào năm 2017, và Iran cũng đang tìm cách để trở thành thành viên.

Cẩm Bình (theo Reuters)

Cẩm Bình