Đường đến thỏa thuận hòa bình vẫn còn ‘rải đầy đinh’
Quốc tế - Ngày đăng : 18:35, 11/06/2018
Theo Guardian ngày 11.6, có thông tin hai lãnh đạo Mỹ-Triều có thể tuyên bố chính thức kết thúc Chiến tranh Triều Tiên, tạm ngưng bằng một hiệp định ngưng bắn ký năm 1953-và cùng ký một thỏa thuận hòa bình.
Nhưng “cây đinh” đầu tiên là việc Trung Quốc có thể đòi tham gia cuộc ký kết, vì Trung Quốc cũng từng ký duyệt hiệp định ngưng bắn.
Ngày 1.6, khi tuyên bố cuộc gặp lịch sử vẫn diễn ra,Tổng thống Trump, cũng nói: “Chúng tôi chưa chắc ký điều gì”.
Ngoài ra còn có các vấn đề lớn mà cộng đồng quốc tế muốn đề cập, gồm kho vũ khí sinh học và vũ khí hóa học, cùng vấn đề nhân quyền của Bình Nhưỡng, nhưng nhiều khả năng ông Trump sẽ không nêu ra khi ông gặp lãnh đạo Triều Tiên.
“Cây đinh” khác là Mỹ-Triều đều định nghĩa khác nhau về chữ “phi hạt nhân”. Mỹ đã nói rõ ý muốn Triều Tiên phải hoàn toàn từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân (VKHN) có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược (CVID), và phải chở đầu đạn hạt nhân ra khỏi Triều Tiên, cho phép thanh sát viên quốc tế đến kiểm tra kết quả giải trừ VKHN, đổi lại Mỹ sẽ bảo đảm an ninh cho Triều Tiên.
Triều Tiên được cho là muốn tiến hành giải trừ VKHN dần dần, và mỗi nhượng bộ của Bình Nhưỡng cần có “phần thưởng” của Mỹ, như ông Kim muốn cải thiện nền kinh tế èo uột của nước ông, nên ông cần dỡbỏ lệnh cấm vận Triều Tiên, được giúp đỡ kinh tế và thỏa thuận hòa bình chính thức, đồng thời lập quan hệ ngoại giao chính thức giữa Triều-Mỹ.
Trước khi diễn ra cuộc gặp, Triều Tiên cũng không chấp nhận đơn phương giải giáp VKHN, và giải thích phi hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên có nghĩa Mỹ phải “cởi bỏ dù hạt nhân” bảo vệ hai đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản.
Nhiều chuyên gia về Triều Tiên nghi ngờ ông Kim sẽ không chịu từ bỏ hoàn toàn VKHN, và cho rằng việc ông gặp ông Trump chỉ nhằm được Mỹ hủy lệnh cấm vận vốn đã làm Triều Tiên kiệt quệ.
Ông Trump từng không bình luận về khả năng dỡbỏ lệnh cấm vận Triều Tiên, nếu Bình Nhưỡng đồng ý giải giáp VKHN, chỉ nói: “Tôi trông đến ngày tôi có thể tháo dỡsự trừng phạt này”, và cũng nói sẵn sàng áp thêm các biện pháp trừng phạt phụ, nếu cuộc đối thoại đổ vỡ.
Đến sát ngày diễn ra cuộc gặp, ông Trump mới nói khả năng tổ chức thêm những cuộc gặp cấp cao khác.
Ngày 11.6, hãng thông tấn Triều Tiên KCNA tuyên bố tại Singapore, lãnh đạo Triều-Mỹ sẽ bàn luận về “cơ chế gìn giữ hòa bình thường xuyên và lâu dài” và phi hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên cùng những vấn đề mà hai bên cùng quan tâm.
KCNA còn nêu “một kỷ nguyên mới” trong quan hệ với Mỹ, còn ông Trump viết Twitter cho biết ông hài lòng vì có mặt ở Singapore.
Các nhà quan sát dự báo kết quả cuộc gặp sẽ chỉ là một tuyên bố chung ngắn nhưng với nhiều câu từ hoa Mỹ, như ông Trump đã nói ông đi “làm nhiệm vụ tạo tác hòa bình”-về mục tiêu “phi hạt nhân bán đảo Triều Tiên”.
Trên chuyên cơ Air Force One từ Canada đến đảo quốc Sư tử, ông Trump viết Twitter: “Tôi cảm thấy Kim Jong-un muốn đem đến sự tốt đẹp cho đồng bào của ông ấy. Ông ấy có cơ hội làm điều này, và sẽ không có cơ hội nào khác nữa”.
Nhưng công thức cuộc đàm phán vẫn chưa rõ ràng. Một quan chức Mỹ nói từ 9 giờ sáng Singapore, cuộc nói chuyện đầu tiên giữa hai lãnh đạo chỉ có người phiên dịch góp mặt, và không rõ cuộc gặp này sẽ kéo dài bao lâu. Có thông tin rằng cuộc gặp này sẽ dài 2 giờ.
Các trợ lý và cố vấn của các ông phải ở ngoài, và chỉ vào phòng đàm phán sau khi kết thúc cuộc gặp của các ông Trump-Kim.
Còn có tin ông Kim lên kế hoạch bay về Triều Tiên lúc trưa 12.6, điều đó có nghĩa không có nhiều thời gian cho cuộc đàm phán, và càng không thể rõ hai lãnh đạo Mỹ-Triều sẽ đạt được thỏa thuận “phi hạt nhân bán đảo Triều Tiên” thế nào.
Bích Ngọc (theo Guardian)