Na Uy mời thêm lính Mỹ đến đồn trú
Quốc tế - Ngày đăng : 12:54, 13/06/2018
Chính quyền Olso ngày càng lo ngại về các hoạt động của Moscow, kể từ sau vụ sáp nhập Crimea năm 2014. Có khoảng 330 lính thủy đánh bộ Mỹ vào tháng 1.2017 đã đến Na Uy để tiến hành huấn luyện tác chiến trong điều kiện mùa đông, và theo kế hoạch sẽ rời khỏi trong cuối năm 2018. Đây là lực lượng quân đội nước ngoài đầu tiên được phép đóng quân tại Na Uy từ Chiến tranh thế giới lần 2 tới nay.
Tuy vậy, Olso lại muốn yêu cầu Washington triển khai 700 lính thủy đánh bộ từ năm 2019, gấp đôi quân số hiện tại. Số quân bổ sung sẽ đồn trú tại khu vực gần biên giới với Nga ở vùng Bắc cực. Lực lượng sẽ được xoay vòng trong chu kỳ5 năm, thay vì 6 tháng như trước kia.
Ngoài ra, Mỹ hiện còn muốn xây cơ sở đủ sức chứa 4 máy bay chiến đấu ở phía nam thủ đô Olso.
Ngoại trưởng Na Uy Ine Eriksen Soereide khẳng định quyết định mời thêm lính Mỹ đến đồn trú không nhằm mục đích lập nên một căn cứ quân sự thường trực của Washington tại nước này, mà chỉ phục vụ việc huấn luyện tăng năng lực chiến đấu trong điều kiện mùa đông của lực lượng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Động thái của Olso cũng không nhắm vào Nga.
Trước đó vào tháng 4, Ngoại trưởng Soereide tuyên bố không xem Moscow là mối đe dọa quân sự, và khả năng xảy ra xung đột tại Bắc Cực (sườn phía bắc của NATO) là rất thấp. Tuy nhiên, bà ngoại trưởngthừa nhận sự phát triển của cường quốc láng giềng trong quân sự cũng như nhiều lĩnh vực khác đem lại thách thức cho Olso.
Ngoài Na Uy, một thành viên NATO khác là Ba Lan đầu tháng 6 tiết lộ đang cân nhắc đề xuất chi 1.5- 2 tỉ USD để xây dựng căn cứ đồn trú lâu dài cho một đơn vị tăng thiết giáp Mỹ trên lãnh thổ nước này. Chính quyền Warsaw từng nhiều lần kêu gọi NATO bổ sung thêm quân tại phía đông của khối để đối phó với mối đe dọa mà họ cho rằng có thể có từ phía Nga.
Cẩm Bình (theo Reuters)