An ninh mạng Úc hất cẳng Trung Quốc khỏi đảo quốc Solomon
Quốc tế - Ngày đăng : 16:57, 13/06/2018
Thỏa thuận Úc tài trợ cho Solomon lập cơ sở hạ tầng Internet được nêu trong một tuyên bố chung của hai chính phủ Úc-Solomon, và lễ ký thỏa thuận diễn raở trụ sở Quốc hội Úc sáng 13.6,nhân dịp Thủ tướng Rick Houenipwela của đảo quốc Solomon thăm Úc.
Hồi tháng 4, Úc “nhấn chìm” kế hoạch của Huawei, bằng lời hứa cùng Solomon và láng giềng Papua New Guinea kéo một tuyến cáp Internet tốc độ cao dưới biển dài 4.000km đến Sydney, và trích 200 triệu đô-la Úc (AUD) trong ngân sách cho kế hoạch này.
Đường cáp ngầm dài 4.000km cần có một điểm kết nối ở Úc (có thể là ở Sydney, Townsville và vùng biển Sunshine) cho phép đảo quốc Solomon và láng giềng Papua New Guinea kết nối với cơ sở hạ tầng cáp sợi quang học của Úc.
Theo báo Guardian, chính quyền Úc tăng tốc giúp xây một cơ sở hạ tầng chủ lực cho đảo quốc Solomon, vì quan ngại Bắc Kinh toan tính tiếp tục sử dụng “chính sách ngoại giao mềm”.
Ngoại trưởng Úc Julie Bishop nói với các nhà báo: “Tôi không đi vào chi tiết của các vấn đề an ninh mạng vì không thích hợp. Những gì chúng tôi đề nghị với quần đảo Solomon và họ chấp thuận, là một phương án dự phòng, và phương án của chúng tôi rẻ tiền hơn, chiếm ưu thế về kỹ thuật vàđường truyền lại nhanh hơn. Chúng tôi là mạnh thường quân lớn nhất ở khu vực Thái Bình Dương”.
Hiện nguồn kinh phí viện trợ nước ngoài của Úc bị đóng băng, nhưng Canberra vẫn dồn nỗ lực vào khu vựcThái Bình Dương, sau những thông tin Bắc Kinh cho các nước trong khu vực vay tiền, dẫn đến lo ngại Bắc Kinh đang tìm cách gieo ảnh hưởng ở khu vực này. Trong tổng số tiền 4,2 tỉ USD mà Úc sẽ chi viện trợ nước ngoài trong năm 2019, vùng Thái Bình Dương sẽ thụ hưởng 1,3 tỉ USD.
Trước khi Úc đạt được thỏa thuận với Solomon, Huawei từng lập kế hoạch kéo cáp Internet dưới đáy biển qua quần đảo Solomon, sau khi Solomon ký hợp đồng năm 2017, nhưng các chỉ huy tình báo-an ninh Úc lập tức cảnh báo, phản đối hợp đồng.
Các nhà phân tích nói hợp đồng này đáng “phất cờ báo động đỏ” cho an ninh mạng Úc. Huawei bị cấm ký hợp đồng cấp chính phủ để xây dựng cơ sở hạ tầng Úc, vì lo ngại công ty có quan hệ thân cận với chính quyền Trung Quốc, điều có thể gây phương hại đến an ninh Úc.
Năm 2017, chỉ huy tình báo Úc Nick Warner cảnh báo Thủ tướng Solomon khi đó là ông Manasseh Sogavare, rằng chớ nên dính líu với Huawei.
Úc nhảy vào lấp chỗ trống, chi 200 triệu đô-la Úc trong ngân sách để kéo tuyến cáp viễn thông 4.000km.
Tuần trước, hãng tin ABC (Úc)dẫn tuyên bố của Thủ tướngHouenipwela của Solomon: hợp đồng mà quần đảo trên Thái Bình Dương này đã ký với Huawei đã bị hủy, sau khi Canberra bày tỏ sự quan ngại.
Người phát ngôn Huawei nói với Reuters: công ty chưa bao giờ được thông báo về bất kỳ vấn đề an ninh nào trong kế hoạch kéo cáp Internet cho đảo quốc Solomon.
Huawei đang bị cơ quan an ninh nhiều nước trên thế giới “soi kỹ”, nhất là Mỹ, nơi mà Huawei từng bị điều tra hồi năm 2012 về khả năng phương tiện của họ tạo cơ hội do thám. Huawei liên tục bác bỏ cáo buộc này.
Cũng vì lý do bảo vệ anninh mạng, Huawei bị cấm hoạt động trên hệ thống băng thông rộng của Úc hồi năm 2012.
Ông Jonathan Pryke, một chuyên gia về chính sách đối ngoại ở khu vực Thái Bình Dương thuộc Viện Nghiên cứu Lowy (Úc) nói hành động của Úc đã đẩy lùi nỗ lực ngoại giao của Trung Quốc ở quần đảo Solomon, một trong 5 quốc gia trên Thái Bình Dương có lập quan hệ chính thức với Đài Loan.
Quan hệ Úc-Trung hiện bị “kéo đám mây đen”, vì Úc chủ trương ngăn chặn nước ngoài can thiệp vào chính trị Úc. Xem ra chính sách này nhắm vào Trung Quốc.
Theo Reuters, bản thân hệ thống băng thông rộng của Úc bị người dân chê vì tốc độ chậm, và dịch vụ cung cấp kém chất lượng. Với tốc độ truyền trung bình 11,1 megabit/giây, Úc đứng hạng 50 trên thế giới, theo báo cáo Quốc gia Interet mới nhất của Akamai Technologies, một công ty chuyên về công nghệ Internet tốc độ cao.
Trung Trực (theo Reuters, Guardian)