Fan đồng tính lo sợ khi đến Nga dự World Cup 2018
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 06:36, 14/06/2018
Hôm nay, World Cup lần thứ 21 sẽ chính thức được khai mạc tại Nga với sự tham gia của hàng triệu người hâm mộ đến từ khắp nơi trên thế giới. Mặc dù vậy, đối với những người thuộc cộng đồng LGBT thì đây lại là một sự kiện rất có thể sẽ mang đến nhiều phiền phức cho họ.
Theo DailyMail, Oleg Barannikov - thủ lĩnh của nhóm tình nguyện viên người Cossack - cho biết 300 thành viên của nhóm ông thay vì sử dụng bạo lực sẽ báo cảnh sát khi nhìn thấy hai người đàn ông hôn nhau trên các con đường của thành phố Rostov-on-Don trong khoảng thời gian diễn ra World Cup. Đây là một nhóm bán quân sự đã thề trung thành với Tổng thống Vladimir Putin.
“Chúng tôi sẽ gọi cảnh sát đến và đó sẽ là vấn đề của họ”, Barannikov nói. “Giá trị của chúng ta là đức tin Kitô giáo, phục vụ quê hương và trên cả thảy mọi thứ chính là gia đình”.
Nhóm tình nguyện viênCossack
Oleg Barannikov
Cách đây không lâu, Pride In Football - một nhóm gồm những fan bóng đá thuộc cộng đồng LGBT có trụ sở tại Anh - đã nhận được e-mail hăm dọa từ những CĐV Nga quá khích. “Chúng tôi đã nhận được một email từ Nga đính kèm hình ảnh một anh chàng đang cầm một con dao và nói, ‘Lũ biến thái, chúng tao đang chờ đón tụi mày đây”, Di Cunningham - giám đốc của Pride in Football - cho biết.
Pride in Football sau đó đã yêu cầu sự can thiệp của chính quyền địa phương nhưng không nhận được phản hồi chính thức nào. Tuy nhiên, bất chấp những nguy cơ hiện hữu trước mắt, Di Cunningham và Joe White - một nhà lãnh đạo khác của Pride in Football - vẫn sẽ có mặt tại Nga để cổ vũ cho đội tuyển Anh.
Thành viên của nhóm Pride in Football
Trả lời phỏng vấn trên tờ Huffington Post, Anton Krasovsky - một nhà báo chính trị tại Nga - đã cảnh báo những người LGBT có ý định tham dự World Cup 2018 phải “cực kỳ cẩn thận”. “Thành phố Moscow xứng đáng để các bạn du lịch bởi cuộc sống ẩn dật nhưng đa dạng của người đồng tính. Mặc dù vậy, điều mà tôi muốn nói với mọi người là: Đừng thể hiện mình tại nơi công cộng. Điều đó không an toàn”, ông nói.
Năm 2013, Anton Krasovsky đã trở thành tâm điểm của giới truyền thông sau khi công khai đồng tính trong một chương trình truyền hình trực tiếp của kênh KontrTV. Vì hành động này mà ông đã bị công ty sa thải.
Anton Krasovsky
Tuần trước, Liên đoàn những người ủng hộ bóng đá Anh (FSF) đã phát hành một bộ hướng dẫn dành cho những người thuộc cộng đồng LGBT khi tham dự World Cup 2018. Theo đó, họ cho rằng không có lý do gì để ngăn cản người LGBT đến với giải bóng đá lớn nhất hành tinh, thế nhưng họ khuyến khích không thể hiện xu hướng tính dục thật tại nơi công cộng, ví dụ như ôm hôn hay giương cờ cầu vồng - biểu tượng của LGBT. Ngoài ra, các thành phố lớn như Moscow hay St. Pitersburg cũng được xem là an toàn hơn so với những nơi khác.
“Chúng tôi không thể bảo đảm sự an toàn cho các bạn. Thế nhưng trong bối cảnh mọi ánh mắt đều dồn về phía Nga thì mọi thứ có lẽ sẽ lạc quan hơn rất nhiều”, bản hướng dẫn viết.
Về phía chính quyền, các đơn vị đứng ra tổ chức World Cup 2018 đã buộc phải cam kết với FIFA bảo đảm cho sự an toàn của người hâm mộ. Ví dụ như Liên đoàn bóng đá Nga đã tuyên bố rằng luật “cấm tuyên truyền đồng tính” sẽ không ảnh hưởng đến những người hâm mộ quốc tế kể cả khi họ muốn mặc cờ cầu vồng đến xem các trận đấu.
Năm 2013, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký thông qua đạo luật “cấm tuyên truyền đồng tính cho lứa tuổi vị thành niên”. Đạo luật này sau đó đã bị tòa án Nhân quyền châu Âu xem là "hành động phân biệt đối xử". Kể từ đó đến nay, làn sóng chống đối người LGBT đã lan tỏa mạnh mẽ tại khắp nơi trên cả nước. Nhiều nhà hoạt động quyền LGBT đã bị cảnh sát bắt giữ và sự kiện diễu hành tự hào đồng tính cũng bị cấm tổ chức.
Theo đánh giá của nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế, Nga là quốc gia châu Âu hiếm hoi bị đánh giá là một trong những nơi kém thân thiện nhất đối với cộng đồng LGBT trên thế giới.
Mai Thảo