Hậu quả dịch COVID-19, hàng triệu lao động Việt Nam bị ảnh hưởng tiêu cực
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 08:31, 30/06/2020
Chiều 29.6, đã diễn ra hội nghị các giải pháp tháo gỡ khó khăn về lao động (LĐ), việc làm cho doanh nghiệp (DN), do tác động của dịch COVID-19 do Bộ LĐ-TB-XH tổ chức. Tại hội nghị, ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB-XH), cho biết thị trường LĐ đã bị ảnh hưởng nặng nề do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19; số LĐ mất việc làm liên tục gia tăng trong khi khả năng tạo việc làm cả trong và ngoài nước đều gặp khó khăn trong 6 tháng đầu năm 2020, báo Thanh Niên đưa tin.
Tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, tỷ lệ thiếu việc làm của lực lượng LĐ trong độ tuổi tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây do nhu cầu của thị trường LĐ sụt giảm. Theo báo cáo của các địa phương, tính đến tháng 6, cả nước có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch, bao gồm những người mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập.
Số người bị ảnh hưởng do giảm thu nhập chiếm tỷ trọng lớn nhất với 57,3% tổng số người bị ảnh hưởng, tương ứng với 17,6 triệu người, gần 8 triệu LĐ bị mất việc làm hoặc phải nghỉ luân phiên, giãn việc. Trong đó, LĐ ở khu vực dịch vụ bị ảnh hưởng nhất với 72%, tiếp đến là 67,8% ở khu vực công nghiệp; 25,1% ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản.
Theo ông Bình, kết quả giải quyết việc làm 6 tháng đầu năm chỉ đạt 540.000 LĐ, bằng 36,5% kế hoạch năm. Trong khi, số người nộp hồ sơ thất nghiệp hơn 565.000 người, tăng 32% so với cùng kỳ, số tiền chi cho bảo hiểm thất nghiệp gần 7.000 tỉ đồng.
Tại hội nghị, đại diện các DN đề nghị được giãn đóng BHXH đến tháng 12.2020; với LĐ tạm ngừng hợp đồng thì chuyển sang BHXH tự nguyện. Bên cạnh đó, đại diện ngành dệt may, thủy sản, hàng hải... còn kiến nghị cần nới lỏng điều kiện cho vay để DN vay gói hỗ trợ trả lương cho người LĐ...
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Lê Văn Thanh nhận định từ nay đến cuối năm, lĩnh vực LĐ, việc làm tiếp tục gặp khó khăn. Những ý kiến của DN sẽ được Bộ LĐ-TB-XH kiến nghị để Chính phủ tháo gỡ khó khăn. Bộ LĐ-TB-XH cũng sẽ đề xuất với Chính phủ nới quy định cho phép DN được sử dụng Quỹ bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo lại nghề cho người LĐ.
Gay go ở các khu công nghiệp phía nam
Tại cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội tháng 5.2020, ông Nguyễn Văn Hùng, Cục trưởng Cục Thống kê TP.HCM cho biết, kết quả khảo sát trên 16.300 (chiếm gần 12% tổng số DN đang hoạt động) cho thấy, có đến 85,4% số DN cho biết chịu tác động tiêu cực của dịch COVID-19, báo Tiền Phong đưa tin. Theo đánh giá của Cục Thống kê TP.HCM, DN càng lớn, kinh doanh nhiều ngành nghề càng bị tác động do ảnh hưởng của chuỗi cung ứng nguyên vật liệu sản xuất như dệt may, giày da…
Trong giai đoạn dịch COVID-19, DN phải đương đầu với nhiều khó khăn lớn như: Thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, nhu cầu về nguyên vật liệu bị gián đoạn, chi phí đầu vào tăng. 49,45% số DN bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 cho rằng, thị trường tiêu thụ trong nước bị thu hẹp; 15,3% cho rằng hàng hóa sản xuất không tiêu thụ được trong nước và có đến 42,4% DN không thực hiện được hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trong 5 tháng đầu năm 2020, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM đã hoàn tất thủ tục giải thể cho 2.015 DN, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, toàn thành phố đã có 7.257 DN tạm ngưng hoạt động, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm trước. Cũng theo lãnh đạo Liên đoàn Lao động TP.HCM, trong thời gian tới, nếu tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp trên thế giới, tình trạng không có đơn hàng tiếp tục kéo dài khiến các DN may mặc, giày da… chuyên gia công cho nước ngoài sẽ không còn việc và lượng lao động thất nghiệp sẽ còn tăng hơn nữa.
Theo Cục Hải quan Bình Dương, có hàng trăm DN lớn hoạt động xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, dẫn đến kim ngạch xuất nhập khẩu giảm mạnh. Các hàng hóa xuất, nhập khẩu giảm hơn một nửa, thậm chí có những mặt hàng gần như đứng yên so với cùng kỳ năm trước. Thị trường ngành gỗ, giày da, may mặc ảnh hưởng do các nước áp dụng chính sách hạn chế xuất nhập khẩu dẫn đến việc làm gián đoạn tiến độ thực hiện các hợp đồng đã ký kết trước đây, lượng hàng tồn kho lớn.
Hiện nay, dòng tiền của các DN lại nằm trong hàng hóa, nguyên vật liệu nên rất khó khăn trong chi phí nhân công, kho bãi. Đối với các đơn vị giày da, may mặc xuất khẩu trên địa bàn, số đơn hàng đã bị cắt giảm từ 50% đến 60%. DN rơi vào cảnh vừa thiếu nguyên liệu sản xuất vừa tồn hàng do xuất đi không được. Dự báo thời gian tới, hoạt động xuất nhập khẩu của một số DN ở Bình Dương sử dụng nguyên phụ liệu nhập khẩu, hoặc có nguồn gốc từ các nước bị dịch bệnh COVID-19 sẽ vẫn gặp nhiều khó khăn. Số khác cũng rất có thể sẽ bị ảnh hưởng dây chuyền. Mặt hàng xuất nhập khẩu sẽ giảm, trong đó, giảm mạnh nhất là các mặt hàng điện tử, điện lạnh, điện gia dụng, sắt thép.
Rất nhiều DN ở các tỉnh thành trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã cắt giảm hoặc đang lên kế hoạch cắt giảm vài trăm nhân sự để cầm cự. Bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP.HCM cho rằng, các DN cắt giảm lượng lớn lao động thời gian qua chủ yếu là những đơn vị chuyên gia công theo đơn đặt hàng xuất khẩu đi các thị trường châu Âu, Mỹ, và sử dụng rất nhiều công nhân. Do đó, khi dịch COVID-19 còn chưa được kiềm chế ổn định, những DN này thiếu đơn hàng trầm trọng, dẫn đến việc thu hẹp quy mô sản xuất và sa thải nhân viên trên diện rộng. “Huê Phong là bài học đầu tiên. Trước đó, DN này tính phương án nghỉ giãn ra hoặc nghỉ không lương để tiếp tục duy trì hoạt động, tìm đơn hàng mới. Nhưng đến lúc này không thể cầm cự nổi, buộc họ phải cho công nhân nghỉ. Huê Phong và PouYuen phải cùng cực lắm mới cắt giảm nhiều lao động đến vậy”, bà Thúy nhìn nhận.
T.H