Mỹ duy trì trừng phạt cho đến khi Triều Tiên phi hạt nhân hóa hoàn toàn
Quốc tế - Ngày đăng : 10:55, 15/06/2018
Ngoại trưởng Mỹ phát biểu sau cuộc gặp với người đồng cấp Trung Quốc: “Washington đã nói rất rõ rằng dỡ bỏ biện pháp trừng phạt và viện trợ kinh tế chỉ diễn ra sau khi Triều Tiên giải trừ hạt nhân đầy đủ, hoàn toàn”. Quan điểm này đã được Pompeo khẳng định tại Seoul, nơi ông hội kiến Tổng thống Hàn Quốc và Ngoại trưởng Nhật Bản, trước đó cùng ngày.
Trung Quốc, Hàn Quốc cùng Nhật Bản đều công nhận vấn đề bán đảo Triều Tiên đã đạt được bước ngoặt, nhưng ba nước Đông Á nhất trí nên duy trì trừng phạt, Ngoại trưởng Mỹ cho biết.
Theo ông Pompeo: “Trung Quốc đã tái khẳng định cam kết tôn trọng các nghị quyết của Liên Hợp Quốc. Những cơ chế viện trợ đều bao hàm trong đó, và chúng tôi đồng ý sẽ cân nhắc đến chúng vào thời điểm thích hợp”.
Về phía Bắc Kinh, Ngoại trưởng Vương Nghị đảm bảo nước này sẽ hỗ trợ, cũng như giữ “vai trò mang tính xây dựng” trong tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Ông cũng nhấn mạnh vấn đề này không thể được giải quyết chỉ trong một khoảng thời gian ngắn.
Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un ngày 12.6 đã ký tuyên bố chung Mỹ-Triều, cam kết cùng làm việc để hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên, đổi lại Washington cam kết đảm bảo an ninh cho Bình Nhưỡng. Nhà lãnh đạo Washington sau đó còn tuyên bố chấm dứt tập trận quân sự chung với Hàn Quốc.
Đưa tin về cuộc gặp thượng đỉnh này một ngày sau đó, hãng tin KCNA của Bình Nhưỡng cho biết lãnh đạo Mỹ- Triều “đều công nhận cần phải tuân thủ nguyên tắc thực hiện từng bước và từ hai phía trong việc đạt được hòa bình, ổn định cũng như phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên”.
Dù tuyên bố chung còn khá mơ hồ và nhận phải nhiều hoài nghi, nhưng Bắc Kinh, Seoul và Tokyo đều đã lên tiếng hoan nghênh kết quả của cuộc gặp thượng đỉnh.
Với quyết định dừng tập trận của nhà lãnh đạo Mỹ, Tổng thống Moon Jae-in cho biết Hàn Quốc sẽ phải linh hoạt khi muốn dùng đến áp lực quân sự đối với Triều Tiên, nếu nước này thực sự sẵn sàng phi hạt nhân hóa.
Cũng trong ngày 14.6, Seoul và Bình Nhưỡng đã tổ chức đàm phán quân sự lần đầu tiên trong hơn một thập kỷ. Đây là kết quả của thượng đỉnh liên Triều được tổ chức vào tháng 4 vừa qua. Trong cuộc gặp, hai ông Moon - Kim đồng ý giảm căng thẳng, chấm dứt các hoạt động thù địch.
Tổng thống Nga mời lãnh đạo Triều Tiên sang thăm vào tháng 9
Ngày 14.6, Chủ tịch Quốc hội Triều Tiên Kim Yong-nam nhân dịp sang Nga đã trao thư của lãnh đạo Kim Jong-un cho Tổng thống Nga Vladimir Putin. Đáp lại, ông Putin đã nhờ quan chức Triều Tiên chuyển lời mời ông Kim đến thăm Nga vào tháng 9 tới.
Ngoài ra, Tổng thống Nga cũng dành lời khen ngợi thượng đỉnh lịch sử Mỹ - Triều: “Cuộc gặp đã giúp dẹp bỏ viễn cảnh bi quan và khiến triển vọng giải quyết mọi vấn đề bằng biện pháp ngoại giao, hòa bình được nâng cao”.
Cẩm Bình (theo The Guardian, Reuters, Sky News)