Soi chụp mao mạch vùng móng tay để chẩn đoán bệnh suy tim
Thông tin Y học - Ngày đăng : 16:21, 15/06/2018
Theo tạp chíJournal ofBiophotonics, các chuyên gia y tế Moscow, Nga, đãphối hợp cùng với các đồng nghiệp Đức phát triển một phương thức mới để xác định mức độ nghiêm trọng của bệnh suy tim.
Phương thức này dựa trên chụp cắt lớp two‐photon tomography đối với vùng khoang quanh mạch (perivascular ) - khoảng trống giữa các mao mạch và các mô lân cận. Hóa ra, chiều rộng của khoảng trống này có liên quan đến lượng chất lỏng tế bào mà nếu dư thừa sẽ dẫn đến phù nề. Phù nề càng nặng, độ nghiêm trọng suy tim càng cao.
Từ trước đến nay, y học chưa có phương pháp định lượng đáng tin cậy nào để xác định bệnh suy tim. Được biết, suy tim là một hội chứng rất phổ biến. Ở các nước phát triển, bệnh này ảnh hưởng đến 2% dân số. Suy tim làm giảm đáng kể chất lượng cuộc sống, còn các giai đoạn suy tim cấp tính và mạn tính thường dẫn đến tử vong.
Nguyên nhân của hội chứng này là hoạt động của cơ tim bị trục trặc khiến tim bơm máu không hiệu quả. Chất lỏng trong không gian giữa các tế bào (dịch mô) được hình thành từ huyết tương, trở nên nhiều hơn khi bị suy tim khiến máu không kịp rời khỏi các mô. Xuất hiện tình trạng phù nề.
Thông thường, phù nề càng rõ rệt, mức độ nghiêm trọng của suy tim càng cao. Tuy nhiên, khó có thể xác định phù nề, vì mỗi triệu chứng (khó thở, sung tấy, tăng mệt mỏi, ho, đánh trống ngực, thở khò khè) đều có thể được biểu hiện theo nhiều cách khác nhau.
Các nhà khoa học Nga đã đề xuất đánh giá mức độ nghiêm trọng của suy tim qua quá trình vi tuần hoàn máu bị phá vỡ - quá trình máu chảy từ các mao mạch đến các mô và máu từ mô quay trở lại các mao mạch. Họ đã chọn 129 người tình nguyện tham gia nghiên cứu, trong đó 79 người bị suy tim với mức độ nghiêm trọng khác nhau và những người còn lại đóng vai trò như một nhóm đối chứng.
Tất cả các đối tượng đã trải qua siêu âm tim để đánh giá hoạt động của tim và soi chụp các mao mạch móng tay của các ngón ở bàn tay trái. Họ cũng thực hiện chụp cắt lớp phát photon các mao mạch đó.
Một số nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng kích thước của vùng khoang quanh mạch có thể liên quan đến mức độ xáo trộn của dòng chảy chất lỏng từ các mô đến các mao mạch. Vùng khoang quanh mạch trên các khung ảnh thu được trong quá trình chụp soi mao mạch trông giống như một không gian sáng giữa các mao mạch hình xoắn và các tế bào màu tối hơn của da.
Cả hai phương pháp "soi rọi" mao mạch cho thấy ở những bệnh nhân bị suy tim nặng, khu quanh mạch là rộng nhất (khoảng 150 micromet) trong khi những người khỏe mạnh cùng độ tuổi và cùng trọng lượng cơ thểthì hẹp hơn, chỉ khoảng 90 micromet.
Kích thước của vùng quanh mạch cũng tương quan với mức độ phù nề và độ dày của lớp tế bào sống ở lớp biểu bì - lớp bề mặt của da. Do đó, các tác giả của công trình nghiên cứu đã đề xuất sử dụng chụp cắt lớp two‐photon tomography và chụp nội soi truyền thống để đánh giá rối loạn vi tuần hoàn máu ở bệnh nhân suy tim. Qua đó sẽ xác định nguy cơ phù nề cũng như sự gia tăng mức độ nghiêm trọng của suy tim.
Phương pháp do các nhà khoa học Nga và Đức đề xuất là phương pháp đầu tiên cho phép đánh giá định lượng các biểu hiện của hội chứng suy tim. Điều quan trọng nữa là chiều rộng của khoang quanh mạch được xác định bằng phương pháp không xâm lấn không gây khó chịu bệnh nhân.
Vũ Trung Hương