Luật An ninh mạng: Chống Nhà nước thì đương nhiên phải ngăn chặn

Sự kiện - Ngày đăng : 21:58, 15/06/2018

Theo Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc, Luật An ninh mạng tại điều 16 quy định các hành vi vi phạm pháp luật liên quan tới an ninh quốc gia đương nhiên là cấm, chống lại Nhà nước CHXHCN Việt Nam thì đương nhiên phải ngăn chặn, đối tượng nào vi phạm thì phải xử lý.

Tại họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 5 QH khóa 14 chiều nay, báo chí đặt nhiều câu hỏi liên quan đến Luật An ninh mạng.

Thanh Niên: Kỳ họp thứ 5 có 2 dự án gây sự chú ý là Luật Đặc khu và Luật An ninh mạng. Nhưng phản ứng của ĐBQH và QH đối với hai dự luật này hoàn toàn khác nhau: Dừng Luật Đặc khu và thông qua Luật An ninh mạng với tỷ lệ tán thành rất cao. Ông có thể giải thích rõ thêm về việc này?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc:Bản chất 2 luật này khác nhau. Luật An ninh mạng, sau khi QH đã có những trao đổi, có ý kiến, có phản hồi của các chuyên gia và cử tri, QH đã lắng nghe rất nhiều. Sau đó, cơ quan thẩm tra, soạn thảo đã tiếp thu, chỉnh lý rất nhiều. Khi đã tiếp thu đầy đủ các ý kiến ĐBQH rồi thì việc thông qua với tỷ lệ phiếu rất cao là điều đương nhiên. Cái chính là chúng ta làm truyền thông để cử tri và người dân hiểu.

Các ý kiến cho rằng khi Luật An ninh mạng được thông qua sẽ ảnh hưởng đến việc kinh doanh của DN hay quyền lợi của người dân thì không phải. Ngược lại, luật này chính là bảo vệ quyền lợi của DN và quyền lợi của người dân.

Trong khi đó, liên quan đến Luật Đặc khu có rất nhiều vấn đề, rộng hơn Luật An ninh mạng rất nhiều, QH thấy cần phải có thời gian trao đổi.

Quyền nhân thân được pháp luật Việt Nam bảo hộ

Ủy viên thường trực UB Quốc phòng An ninh Nguyễn Thanh Hồng:Trong quá trình thẩm tra và giúp UB Thường vụ QH chỉnh lý dự án Luật An ninh mạng, UB Quốc phòng An ninh đã hết sức lắng nghe ý kiến của cử tri, của các chuyên gia, đặc biệt là ý kiến của đại diện một số quốc gia như Mỹ, Úc, Liên minh châu Âu, các hiệp hội Internet Viễn thông châu Á - Thái Bình Dương, ý kiến của các phóng viên, kể cả phóng viên nước ngoài.

Nhiều vấn đề trong dự luật Chính phủ trình sang đã được tiếp thu, chỉnh lý để đáp ứng yêu cầu về an ninh mạng. Đây là vấn đề không chỉ của riêng Việt Nam mà là thách thức mang tính toàn cầu. Chắc các phóng viên đều biết sự việc Facebook sử dụng dữ liệu của người dùng cung cấp cho các DN, can thiệp vào nội bộ của một số quốc gia.

Thứ hai, lo lắng có ảnh hưởng đến các DN trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ viễn thông, internet... hay không thì chúng tôi khẳng định hoàn toàn không có việc này. Đạo luật này tạo ra một cơ chế pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, của các DN trong và ngoài nước.

Nhiều phóng viên đặt câu hỏi với tôi là Google, Facebook có rời khỏi Việt Nam hay không thì cho tới thời điểm này,2tập đoàn công nghệ lớn của thế giới vẫn chưa có bất kỳ phản hồi chính thức nào.

Chúng tôi cũng rất phấn khởi, sau khi dự án luật được QH thông qua, các phương tiện thông tin đại chúng của chúng ta đã có phản hồi tích cực và truyền thông rộng rãi nội dung của dự án luật. Đến giờ này, sự đồng thuận rất cao trong nhận thức của nhân dân, của các tổ chức, cá nhân xung quanh việc chúng ta ban hành luật này...

Hãng tin Reuters:Hiệp hội các công ty Internet của châu Á, trong đó Facebook và Google là thành viên, nói thất vọng khi Việt Nam thông qua luật này. Luật sẽ ảnh hưởng đến tự do ngôn luận và ảnh hưởng đến phát triển kinh tế số của Việt Nam. Ông có ý kiến như thế nào đối với phản hồi này? Ông Hồng nói luật này không ảnh hưởng đến lợi ích của các DN, nhưng như tôi tìm hiểu, Facebook, Google lo lắng khi đặt dữ liệu tại Việt Nam họ sẽ phát sinh thêm chi phí chuyển dữ liệu về đây và ảnh hưởng đến các DN Việt Nam là đối tác của họ?

Ủy viên thường trực UB Quốc phòng An ninh Nguyễn Thanh Hồng -Ảnh: Phạm Hải

Ông Nguyễn Thanh Hồng:Đến giờ này, thông tin chính thức từ Chính phủ thì chưa nhận văn bản đề nghị về vấn đề này. Còn thông tin trên cộng đồng mạng, chúng tôi nghiên cứu đại diện Facebook đã có ý kiến và nói sẽ nghiên cứu để triển khai các quy định của luật này.

Liên quan đến việc các DN quan tâm có 2 nội dung: Đặt máy chủ tại Việt Nam, lưu trữ dữ liệu người dùng Việt Nam tại Việt Nam. Đây là 2 vấn đề còn ý kiến khác nhau giữa nhiều quốc gia trên thế giới. Hiện nay trong báo cáo thẩm tra, số liệu chính thức mà Chính phủ cung cấp, có 18 quốc gia đã yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ mạng phải lưu giữ dữ liệu.

Ví dụ, Liên minh châu Âu trong tháng 5 đã chính thức yêu cầu Facebook phải lưu trữ dữ liệu tại 5 nước thành viên. Đây là yêu cầu cần thiết, vừa bảo vệ an ninh quốc gia, vừa bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của công dân đã được Hiến pháp quy định.

Luật chỉ quy định lưu trữ dữ liệu người dùng Việt Nam tại Việt Nam, chủ yếu chỉ một số thông tin cá nhân người dùng. Theo quy định của Hiến pháp, đây là quyền nhân thân được pháp luật Việt Nam bảo hộ và xem như tài sản của công dân Việt Nam. Các DN nước ngoài, các DN khác khi cung cấp các dịch vụ có trách nhiệm bảo vệ bí mật của người dùng Việt Nam.

Đánh giá tác động của Chính phủ thì thấy rằng tác động đến kinh tế giống một số thông tin nói cản trở công nghiệp 4.0 hoàn toàn không phải vậy.

Dữ liệu của người Việt Nam, không thể mang ra ngoài

Reuters:Ở Indonesia cũng có quy định tương tự nhưng DN không thực hiện. Vậy Việt Nam làm gì để DN thực thi?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc:Nghị định 72/2013 của Chính phủ đã quy định các tổ chức, DN thiết lập các trang thông tin điện tử, thiết lập mạng xã hội, cung cấp các dịch vụ trên mạng… thì phải có ít nhất 1 máy chủ đặt tại Việt Nam. Việc này để áp ứng việc thanh tra, kiểm tra lưu trữ cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Thị trường 90 triệu dân được các nhà mạng rất quan tâm. Đây là kho tài nguyên, dữ liệu của người Việt Nam, không thể mang ra ngoài lãnh thổ Việt Nam được. Đây không phải là vấn đề mới, mà từ 2013 Việt Nam đã quy định chứ không phải chưa có. Thế giới cũng vậy. Vấn đề là giải thích làm rõ cho người dân DN hiểu rõ.

AFP:Luật An ninh mạng quy định cấm nói xấu nhà nước, vậy, có phải luật này nhắm tới các đối tượng bất đồng chính kiến hay không?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc:Điều 16 quy định các hành vi vi phạm pháp luật liên quan tới an ninh quốc gia trong quy định này đương nhiên là cấm, ở nước nào cũng vậy thôi, đều có quy định liên quan tới an ninh quốc gia.

Còn anh chống lại Nhà nước CHXHCN Việt Nam thì đương nhiên phải ngăn chặn. Đối tượng nào vi phạm thì phải xử lý.

Chính phủ đang tích cực chuẩn bị Luật Biểu tình

Từ vụ việc ở Bình Thuận hay Khánh Hòa xảy ra vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng chúng ta cần có luật Hội và luật Biểu tình - những luật đã được xây dựng từ lâu, thậm chí có luật tới hơn 10 năm như Luật Biểu tình, nhưng vẫn chưa được đặt lên bàn các ĐBQH?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc:UB Thường vụ QH cũng rất quan tâm đến luật Biểu tình. Năm 2016, khi xây dựng Chương trình luật, pháp lệnh của năm 2017, UB đã đề nghị Chính phủ sớm hoàn thiện dự án luật này để báo cáo trình UB Thường vụ QH, QH cho ý kiến.

Hiện nay, Chính phủ đang tích cực chuẩn bị. Đến khi nào Chính phủ hoàn thiện sẽ báo cáo UB Thường vụ QH và QH cho ý kiến.

Thu Hằng/Vietnamnet

VNN