Bé gái hơn 1 tuổi bị nguy kịch do chơi gần vũng nước nhiễm điện
Thông tin Y học - Ngày đăng : 11:54, 16/06/2018
Chiều 15.6, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) cho hay bé gái N.T.P. (1 tuổi, ngụ tại Bình Dương) bị nguy kịch là do điện giật khiến bệnh nhân bị tổn thương tim, phù não, tổn thương cơ vân rất nặng.
Bác sĩ Nguyễn Văn Lộc - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết bé gái này được chuyển đến từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương trong tình trạng hôn mê sâu, tổn thương tim, tổn thương cơ vân nặng.
Tại đây, các bác sĩ tiếp tục cho bệnh nhân thở máy, truyền thuốc vận mạch hỗ trợ tim, chống phù não và sử dụng kháng sinh. Kết quả khảo sát CT Scan cho thấy bé có tình trạng phù não lan tỏa hai bán cầu.
“Hiện sau gần 1 tuần điều trị tình trạng tri giác bé có cải thiện, điểm glasgow (chỉ số hôn mê)từ 7-8 điểm, tình trạng tổn thương tim và hủy cơ vân cải thiện về ngưỡng gần bình thường. Bé bắt đầu được tập thở. Hiện bé có bị tổn thương thần kinh hay không chúng tôi phải chờ bé cai máy thở và theo dõi tiếp”, bác sĩ Lộc cho biết.
Theo người nhà của bé P. trước đó bé đang chơi ởgần vũng nước trước sân nhà thì điện rò rỉ từ trụ điện gần đó xuống vũng nước gây giật khiến bé ngã xuống, hôn mê tại hiện trường. Thấy vậy, mẹ bé chạy lại kéo con ra cũng bị điện giật.
Anh N.V.T (chacủa bệnh nhi P.) cho hay trụ điện trên do anh tự lắp để thắp sáng con đường trước nhà. Vào lúc xảy ra sự việc, trời có mưa lâm râm, bé P. chơi đến chỗ vũng nước bị nhiễm điện từ trụ điện này. Vợ anh sau khi cứu bé thì may mắn chỉ bị giật nhẹ.
Bé P. được gia đình chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương cấp cứu trong tình trạng ngưng thở. Tại đây sau 30 phút hồi sức, bé có nhịp tim trở lại và được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2.
Qua trường hợp trên, bác sĩ Lộc lưu ý các bậc cha mẹ khi phát hiện trẻ bị điện giật, trước hết cần tìm cách ngắt nguồn điện. Nếu không ngắt được dòng điện thì phải sử dụng phương tiện cách điện để đưa bệnh nhân ra khỏi hiện trường điện giật và cẩn thận kẻo trở thành nạn nhân thứ hai (cần lưu ý không đến gần nạn nhân trong trường hợp điện cao thế hoặc trung thế nếu dòng điện chưa được ngắt). Bệnh nhân bị điện giật nếu ngưng tim, ngưng thở tại chỗ cần lưu ý hồi sức cấp cứu ban đầu, sơ cứu tại hiện trường nếu có tổn thương do chấn thương, phỏng. Các bậc cha mẹ tuyệt đối không cho trẻ chơi gần trụ điện, tủ điện đề phòng sự rò rỉ không biết trước, đặc biệt vào mùa mưa gió. Ngoài ra, tất cả ổ điện ở gần tầm với của trẻ, gia đình có điều kiện nên sử dụng ổ điện có tính năng phòng ngừa giật điện và thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng các thiết bị điện.
Hồ Quang