Ban Nội chính Trung ương sẽ tập trung tham mưu Ban Bí thư vụ án Hồ Duy Hải
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 16:38, 03/07/2020
Ngày 3.7.2020, Ban Nội chính Trung ương tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2020, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020.
Theo báo cáo tại hội nghị, 6 tháng đầu năm 2020, Ban Nội chính Trung ương đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ đề ra, cụ thể, nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư 8 Đề án về lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp.
Cùng với đó, thực hiện nhiệm vụ cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, góp phần tiếp tục “không ngừng, không nghỉ” trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn việc thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước về nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp.
Phối hợp với các cơ quan liên quan, nhất là việc phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương trong tham mưu chỉ đạo xử lý các vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan; thông tin kịp thời về kết quả xử lý các vụ việc, vụ án nghiêm trọng phức tạp, dư luận xã hội quan tâm…
Phát biểu kết luận hội nghị, ông Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương nhấn mạnh, thời gian tới cần tập trung hoàn thành xây dựng 5 Đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo kế hoạch.
Tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác theo dõi, nắm tình hình, đôn đốc, hướng dẫn về công tác nội chính, phòng chống tham nhũng và cải cách tư pháp ở địa phương và các bộ, ngành Trung ương, nhất là các vấn đề nổi lên về an ninh trật tự, các vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, các vụ việc báo chí phản ánh, dư luận quan tâm liên quan đến nhân sự Đại hội Đảng các cấp.
Đồng thời, bám vụ án, vụ việc, kịp thời tham mưu chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ án; phối hợp tổng kết, rút kinh nghiệm qua xử lý một số vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp; tiếp tục lựa chọn đưa một số vụ án vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.
Ông Trạc cũng cho biết sẽ tập trung nghiên cứu, tham mưu Ban Bí thư vụ án Hồ Duy Hải; phối hợp Thanh tra Chính phủ và các cơ quan liên quan tham mưu Ban Bí thư chỉ đạo xử lý tình trạng khiếu kiện đông người, gây mất an ninh trật tự tại khu vực Trụ sở Trung ương Đảng.
Cùng với đó, khẩn trương hoàn thành, sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của các vụ, đơn vị; sửa đổi, bổ sung các quy chế làm việc của ban và các quy định liên quan; xây dựng, ban hành, thực hiện nghiêm quy định nêu gương của cán bộ, đảng viên Ban nội chính Trung ương; triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ cơ quan nhiệm kỳ 2020-2025; khắc phục những hạn chế, yếu kém trong các vụ, đơn vị và từng cán bộ, đảng viên…
Trước đó, ngày 16.6, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể liên quan đến vụ án Hồ Duy Hải. Cuộc họp kết thúc vào gần 12 giờ cùng ngày, với sự tham gia của các thành viên ủy ban.
Trong cuộc họp, đa số ý kiến thành viên Ủy ban Tư pháp phát biểu đều đồng ý xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán phiên giám đốc thẩm vụ Hồ Duy Hải, đánh giá những vi phạm trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án Hồ Duy Hải là nghiêm trọng, có thể làm thay đổi bản chất vụ án..
Tuy nhiên, đây mới là ý kiến của số đại biểu phát biểu nên sau phiên họp duy nhất sáng nay, Ủy ban sẽ phát phiếu lấy ý kiến với tất cả 39 thành viên. Dự kiến ngày mai có thể có kết quả. Từ đây, Ủy ban Tư pháp sẽ nêu quan điểm báo cáo cấp có thẩm quyền.
Phiên họp của Ủy ban Tư pháp diễn ra sau khi có kiến nghị của gia đình Hồ Duy Hải, của các Đại biểu Quốc hội như Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân, Trương Trọng Nghĩa và Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng. Đặc biệt, Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng kiến nghị mở phiên họp toàn thể. Điều này cũng phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Tư pháp.
Trước đó, vào ngày 8.5, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ra quyết định giám đốc thẩm, tuyên y án tử hình Hồ Duy Hải về tội Giết người và Cướp tài sản.
Lam Thanh