Hy Lạp, Macedonia ký thỏa thuận đổi tên nước
Quốc tế - Ngày đăng : 09:18, 18/06/2018
Động thái này được cho làgiúp chấm dứt tranh cãi kéo dài trong vòng gần 3 thập kỷ, mở đường cho Macedonia gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Tuy nhiên, thỏa thuận vừa ký cần được quốc hội hai nước phê chuẩn, cũng như phải trải qua cuộc trưng cầu dân ý tại Macedonia.
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras phát biểu về thỏa thuận: “Rất ít người tin chúng tôi có thể bỏ lại phía sau 26 năm tranh chấp vô nghĩa. Chúng tôi hiện có một trách nhiệm mang tính lịch sử là không để thỏa thuận bị đình trệ”.
Tuyên bố độc lập khỏi Nam Tư cũ năm 1991, tên gọi Cộng hòa Macedonia, gọi tắt Macedonia không được Hy Lạp chấp nhận bởi nó trùng tên với một tỉnh phía Bắc của nước này. Chính quyền Athens lo ngại việc sử dụng tên Macedonia có thể ngụ ý yêu sách đòi lãnh thổ với địa phương của mình.
Vì tranh cãi về tên gọi, nên Cộng hòa Macedonia dù được chính thức công nhận là ứng viên gia nhập EU vào năm 2005, nhưng quá trình đàm phán gia nhập cho đến nay vẫn chưa bắt đầu.
Trong khi quan chức hai nước đang tổ chức lễ ký kết thỏa thuận đổi tên nước tại khu vực Prespes (nằm ở biên giới Hy Lạp, Macedonia và Albania), nhiều cuộc biểu tình phản đối đã nổ ra.
Theo ghi nhận của Reuters, vài trăm người đã tập trung tại thủ đô Skopje của Macedonia để tuần hành và hô khẩu hiệu bảo vệ tên gọi cũ của nước mình. Cảnh sát đã dùng đến lựu đạn hơi cay và bắt giữ một vài đối tượng. Biểu tình cũng xảy ra tại thành phố Bitola, quy tụ đến hàng nghìn người. Petre Filipovski, một công dân 40 tuổi, tuyên bố: “Thỏa thuận đáng xấu hổ này sẽ không được thông qua. Chúng tôi sẽ bảo vệ tên gọi và danh dự của Macedonia”.
Còn tại làng Pisoderi của Hy Lạp, khoảng 3.000 người đã xuống đường biểu tình phản đối, và ít nhất có 6 người bị thương khi đụng độ với cảnh sát. Theo một người tham gia tên Costas Venetikidis: “Chúng tôi không công nhận bất cứ thứ gì cả. Đối với chúng tôi, nó (thỏa thuận) không có giá trị”.
Cẩm Bình (theo Reuters)