Vinachem xin được khoanh nợ, kéo dài thời hạn vay
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 13:09, 18/06/2018
Xin khoanh nợ, giảm lãi suất
Tập đoàn Hóachất Việt Nam mới đây đã có buổi làm việc với đoàn công tác Bộ Công Thương do Thứ trưởng Đặng Hoàng An dẫn đầu. Báo cáo lãnh đạo Bộ tại buổi làm việc về tình hình sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam 5 tháng đầu năm 2018, Tổng giám đốc Vinachem Nguyễn Gia Tường cho biết trong 5 tháng đầu năm 2018, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 19.085 tỉ đồng tăng 10,8%; Doanh thu đạt 19.314 tỉ đồng tăng 10.8%; Lợi nhuận cộng hợp toàn Tập đoàn ước đạt 54 tỉ đồng…
4 doanh nghiệp sản xuất phân bón thua lỗ (Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc, DAP Vinachem, DAP số 2 Vinachem) có giá trị sản xuất đạt 3.177 tỉ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó ước lợi nhuận các đơn vị có lãi là 441 tỉ đồng, bằng 80%; các đơn vị lỗ là 387 tỉ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2017. Lao động bình quân là 23.750 người với mức lương là 8,3 triệu đồng/người/tháng.
Trong 5 tháng đầu năm, tập đoàn đã sản xuất và cung ứng cho thị trường 1,8 triệu tấn phân bón các loại; 1,2 triệu bộ lốp ô tô; 161 nghìn tấn chất giặt rửa và nhiều sản phẩm hóa chất phục vụ cho nhu cầu sản xuất và đời sống xã hội. Trong đó một số sản phẩm tăng so với cùng kỳ: ure tăng 37%, DAP tăng 44%, lốp ô tô tăng 25%, pin tăng 11%. Kim ngạch xuất nhập khẩuđạt 228 triệu USD, tăng 8% so với cùng kỳ.
Trước tình hình bức tranh lợi nhuậnđạt chưa cao, Vinachem cam kết sẽ có các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh tại các đơn vị, tập trung điều hành để đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh nhằm đạt mục tiêu đề ra; Bám sát tình hình thị trường từng nhóm ngành, tình hình sản xuất kinh doanh của các đơn vị để thúc đẩy tăng trưởng của một số đơn vị có khả năng tăng trưởng và thực hiện giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị có hiệu quả sản xuất kinh doanh suy giảm.
Bên cạnh đó là tập trung vào công tác mua sắm vật tư, tiêu thụ sản phẩm nội bộ, công tác tổ chức, cán bộ; công tác lao động, tiền lương, công tác tài chính, kế toán, công tác môi trường, thực hiện định mức tiêu hao… nhằm giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, phát triển thị trường và tăng cao hiệu quả quản trị sản xuất kinh doanh; tiếp tục triển khainội dung phối hợp nhằm đẩy mạnh tiêu thụ theo từng nhóm sản phẩm; Đẩy mạnh tiết kiệm, cắt giảm tối đa các chi phí sản xuất kinh doanh theo đúng chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ; Chỉ đạo các đơn vị rà soát lại tổ chức bộ máy quản lý, giảm tối đa lao động gián tiếp, rà soát định biên lao động trực tiếp vận hành sản xuất nhằm đảm bảo ổn định, an toàn về sản xuất...
Về tình hình tài chính, Vinachem cho biết sẽ tiếp tục thu xếp, huy động mọi nguồn lực để trả nợ cho các ngân hàng đúng kỳ hạn. Tuy nhiên, tập đoàn cũng đề xuất, kiến nghị với các ngân hàng chấp thuận cho phép được khoanh nợ hoặc giảm lãi suất, kéo dài thời hạn vay...
Về kế hoạch thoái vốn, bán bớt phần vốn, năm 2018, Tập đoàn sẽ thực hiện thoái hết vốn tại 7 doanh nghiệp, bán bớt phần vốn tại 8 doanh nghiệp. Năm 2019, Tập đoàn thực hiện thoái hết vốn tại 8 doanh nghiệp, bán vớt vốn tại 6 doanh nghiệp. Năm 2020, Tập đoàn thực hiện thoái hết vốn tại 4 doanh nghiệp.
Vinachem phải dứt điểm trả nợ cho Đạm Ninh Bình
Trước kết quả báo cáo của tập đoàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng việc quan trọng nhất với Vinachem lúc này là vấn đề về tài chính. Theo đó, Thứ trưởng yêu cầu tập đoàn bằng mọi biện pháp giải quyết dứt điểm vấn đề tài chính tại Công ty mẹ (trả nợ những khoản vay cho Dự án Đạm Ninh Bình); huy động tiền nhàn rỗi tại các đơn vị có lãi và thoái vốn tại 8 đơn vị đã phê duyêt.
Đồng thời lãnh đạo cần sát sao hơn nữa trong việc chỉ đạo tăng cường công tác quản trị sản xuất, rà soát lại tất cả các quy trình sản xuất nhằm hạn chế tiêu hao năng lượng, nếu yếu ở khâu nào thì cho thay thế nhân sự ở khâu đó. Việc đấu thầu phải hoàn toàn minh bạch nhằm giảm chi phí trong sản xuất, Tập đoàn cần xây dựng quy chế đấu thầu trong kinh doanh, kiên quyết giải quyết các vấn đề “sân sau” nếu có. Các dự án có chi phí phát sinh bất hợp lý thì phải ngừng ngay.
Mới đây, Vinachem cũng công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2017. Theo đó, tinh đến 31.12.2017, nợ phải trả của tập đoàn đã lên tới 38.061 tỉ đồng, tăng gần 492 tỉ đồng so với cuối năm 2016. Trong đó, nợ ngắn hạn lên tới 20.112 tỉ đồng, tăng 1.750 tỉ đồng.
Như vậy, nợ ngắn hạn của Vinachem đã suýt soát với tài sản ngắn hạn (là 21.756 tỉ đồng). Tuy nhiên, lãnh đạo Vinachem vẫn đánh giá, mức độ tập trung rủi ro đối với việc trả nợ của tập đoàn này là có thể kiểm soát được. Công ty có khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn từ dòng tiền hoạt động kinh doanh và tiền thu từ các tài sản tài chính đáo hạn.
Đáng chú ý, trong bối cảnh nợ nần như vậy, trong năm vừa qua, Vinachem đã phải rót thêm hàng trăm tỉ đồng cho dự án Đạm Ninh Bình, chủ yếu là cho vay lại (lãi suất 6,5%/năm) để dự án này trả nợ ngân hàng. Dư nợ ngắn hạn của Đạm Ninh Bình tại Vinachem đến cuối năm ngoái đã nâng lên 2.598 tỉ đồng, tăng hơn 850 tỉ đồng so với năm 2016. Trong khi đó, nhiều khoản vay trị giá hàng chục tỉ đồng từ năm 2016 vẫn chưa thanh toán, hai bên đã phải ký phụ lục để gia hạn, chuyển sang năm 2017, nhưng đến hết năm 2017 số nợ gốc vẫn còn nguyên.
Liên quan đến xử lý vi phạm tại Vinachem (đặc biệt là tại dự án Đạm Ninh Bình), Ủy ban Kiểm tra Trung ương, kỳ họp thứ 17 vừa qua đã ra thông báo đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật với ông Nguyễn Anh Dũng, Chủ tịch tập đoàn này. Đề nghị kỷ luật cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng với ông Nguyễn Quốc Tuấn, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty, nguyên Chủ tịch HĐTV Vinachem; kỷ luật cảnh cáo với các ông Đỗ Quang Chiêu, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng công ty và ông Đỗ Duy Phi, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Tổng giám đốc Vinachem.
Theo dự kiến thì vào ngày mai 19.6, Tổ kiểm tra giám sát của Thanh tra Chính phủ gồm 3 thành viên sẽ làm việc với Vinachem trong 10 ngày về việc triển khai kết luận thanh tra liên quan đến việc sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại tập đoàn này.
Tuyết Nhung