Nhiều điều bất hợp lý tại dự thảo nghị định về điều kiện kinh doanh nông nghiệp

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 09:44, 26/06/2018

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa đưa ra góp ý về dự thảo Nghị định quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.

VCCI dẫn lạiđiều 3.1 và điều 4.1 của Nghị định 66/2016/NĐ-CP quy định người lao động trực tiếp sản xuất thuốc bảo vệ thực vật và người trực tiếp quản lý, người trực tiếp bán thuốc bảo vệ thực vật phải có Giấy chứng nhận do cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về bảo vệ thực vật hoặc hoá chất cấp.

Tuy nhiên, theo VCCIđối với nhiều doanh nghiệp lớn, số lượng lao động tiếp xúc trực tiếp với thuốc bảo vệ thực vật có thể lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm người. Vào thời điểm mới thành lập, các doanh nghiệp này không thể tiến hành ký hợp đồng với hàng chục, hàng trăm người khi chưa biết chắc mình có được cấp.

Do vậy, nếu yêu cầu doanh nghiệp phải cung cấp toàn bộ các Giấy chứng nhận tập huấn vào thời điểm nộp hồ sơ xin giấy phép thành lập cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh là bất khả thi. Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảochuyển điều kiện này thành những quy định trong quá trình thực thi.

Tại điều 3.4 của Nghị định 66/2016/NĐ-CP quy định mang tính dẫn chiếu đến các quy định về bảo vệ môi trường tại Nghị định 38/2015/NĐ-CP và các quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Các vấn đề này đã được kiểm soát thông qua thủ tục đánh giá tác động môi trường, kiểm tra hoàn thành công trình bảo vệ môi trường, đăng ký chủ nguồn thải, quan trắc môi trường và thanh kiểm tra môi trường. Do đó, việc quy định dẫn chiếu tại điều 3.4 này là không cần thiết, trùng lặp về chức năng nhiệm vụ.

Về địa điểm giết mổ gia súc, gia cầm, hiện điều 20.2 của Nghị định 66/2016/NĐ-CP quy định “Cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm phải cách biệt với khu dân cư, trường học, bệnh viện, nơi thường xuyên tập trung đông người, đường quốc lộ, sông, suối, nguồn cung cấp nước sinh hoạt, trại chăn nuôi, chợ buôn bán gia súc, gia cầm và các nguồn gây ô nhiễm như bãi rác, nghĩa trang, nhà máy thải bụi và hoá chất độc hại”.

VCCI cho rằng, các cụm từ “cách biệt”, “nơi thường xuyên tập trung đông người”, “nhà máy thải bụi và hoá chất độc hại” là những khái niệm định tính, không rõ ràng. Doanh nghiệp và cơ quan quản lý sẽ không có cơ sở khách quan để xác định các khái niệm này, từ đó dẫn đến mâu thuẫn, bất đồng trong quá trình áp dụng pháp luật, thậm chí cả những nguy cơ tham nhũng, tiêu cực.

Đặc biệt, việc yêu cầu cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm phải ở xa trại chăn nuôi, chợ buôn bán gia súc, gia cầm dường như không hợp lý. Quy định này sẽ khiến cho người kinh doanh buộc phải vận chuyển gia súc, gia cầm (chưa hoặc đã qua giết mổ) trên đường phố, vừa gây tốn kém chi phí, lại vừa không bảo đảm vệ sinh.

Trong khi đó, Việt Nam đang có chính sách khuyến khích chăn nuôi tập trung, giết mổ tập trung, thậm chí hình thành những địa điểm giao dịch mua bán tập trung, từ đó dẫn đến nhu cầu kết hợp các hình thức kinh doanh này trở thành một chuỗi liên hoàn. Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc quy định này, các vấn đề về an toàn thực phẩm đã có các quy định pháp luật tương ứng (như quy tắc một chiều).

Về điều kiện sản xuất thuốc thú y, VCCI cho rằng một số quy định tại Nghị định 35/2016/NĐ-CP chưa bảo đảm tính minh bạch, rõ ràng. Như điều 12.2.a: “phải có thiết kế phù hợp với quy mô và loại thuốc sản xuất…”; điều 12.2.e: “có hệ thống cấp và xử lý nước, khí bảo đảm cho sản xuất…”; điều 12.5.c: “phải có trang thiết bị phù hợp”…

Các quy định này định tính, không có cơ sở khách quan để xác định, có thể dẫn đến mâu thuẫn, xung đột giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước, cũng như nguy cơ tham nhũng, tiêu cực.

Về điều kiện bán buôn và nhập khẩu thuốc thú y, điều 17 và điều 18 của dự thảo hiệnduy trì những quy định dẫn chiếu đến quy định của nhà sản xuất. Ví dụ: “có trang thiết bị để bảo đảm điều kiện bảo quản ghi trên nhãn của sản phẩm”, “vật dụng, phương tiện vận chuyển phân phối vắc xin bảo đảm điều kiện bảo quản ghi trên nhãn sản phẩm”, “có quạt thông gió, hệ thống điều hoà không khí bảo đảm điều kiện bảo quản ghi trên nhãn của sản phẩm”, “có trang thiết bị phương tiện vận chuyển bảo đảm điều kiện bảo quản ghi trên nhãn sản phẩm”.

“Những quy định này khi áp dụng sẽ dẫn đến mâu thuẫn, không rõ giấy phép cấp cho doanh nghiệp hay cấp cho sản phẩm? Nếu một doanh nghiệp khi xin giấy phép đủ điều kiện kinh doanh thuốc thú y, họ khai báo sẽ kinh doanh loại thuốc A và có đủ trang thiết bị bảo quản cho loại thuốc A đó. Sau một thời gian, doanh nghiệp này tiếp tục nhập hàng thêm loại thuốc B với những yêu cầu trang thiết bị bảo quản khác. Khi đó, doanh nghiệp có phải đi xin lại giấy phép đủ điều kiện kinh doanh?”, VCCI phân tích.

Về giấy chứng nhận tập huấn về bảo vệ thực vật,theo VCCI tại điều 3.1 và điều 4.1 của Nghị định 66/2016/NĐ-CP quy định người lao động trực tiếp sản xuất thuốc bảo vệ thực vật và người trực tiếp quản lý, người trực tiếp bán thuốc bảo vệ thực vật phải có Giấy chứng nhận do cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về bảo vệ thực vật hoặc hoá chất cấp.

Tuy nhiên, đối với nhiều doanh nghiệp lớn, số lượng lao động tiếp xúc trực tiếp với thuốc bảo vệ thực vật có thể lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm người. Vào thời điểm mới thành lập, các doanh nghiệp này không thể tiến hành ký hợp đồng với hàng chục, hàng trăm người khi chưa biết chắc mình có được cấp.

“Do vậy, nếu yêu cầu doanh nghiệp phải cung cấp toàn bộ các giấy chứng nhận tập huấn vào thời điểm nộp hồ sơ xin giấy phép thành lập cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh là bất khả thi. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo chuyển điều kiện này thành những quy định trong quá trình thực thi”, VCCI kiến nghị.

Lam Thanh

Trí Lâm