Bị cáo tự tử sau tuyên án: Niềm tin vào lẽ công bằng sụp đổ?
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 13:34, 09/07/2020
Thời gian gần đây, một số vụ việc bị cáo tự tử sau khi tòa tuyên án đã gây xôn xao dư luận. Mới nhất, vụ án "tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng đất" giữa ông Phan Quý, bà Lê Thị Bích Thủy (cùng ngụ Q.12, TP.HCM) và các ông Lê Văn Dư, Lê Sỹ Thắng, Khâu Văn Sĩ (cùng ngụ Q.Gò Vấp) đã dẫn đến việc một đương sự lao ra lan can định nhảy lầu tự tử sau khi tòa tuyên án nhưng may mắn được nhiều người ngăn cản kịp thời.
Xung quanh vụ án còn nhiều quan điểm trái chiều, phóng viên Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Thành viên Văn phòng NHQuang và Cộng sự, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam cung cấp thêm góc nhìn về vấn đề này.
Liên quan đến vụ án "tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng đất" giữa ông Phan Quý, bà Lê Thị Bích Thủy (cùng ngụ Q.12, TP.HCM) và các ông Lê Văn Dư, Lê Sỹ Thắng, Khâu Văn Sĩ (cùng ngụ Q.Gò Vấp), sau khi tòa tuyên án, một đương sự trong vụ án đã lao ra lan can định nhảy lầu tự tử nhưng may mắn được nhiều người ngăn cản kịp thời.
Một trong những vấn đề gây tranh cãi trong vụ án là việc xác định quan hệ tranh chấp là tranh chấp hợp đồng hay đòi tài sản? Quan điểm của ông như thế nào?
Luật sư Nguyễn Tiến Lập: Là một luật sư, tôi xin nói ngay là đã có rất nhiều vụ án về tranh chấp đất đai do toà án giải quyết gây sự tranh cãi xét từ góc độ chuyên môn pháp luật. Tuy nhiên, tại sao vụ án này lại gây bão truyền thông và dư luận? Bởi vì nó động chạm tới hai vấn đề trọng yếu của đời sống là mối quan hệ giữa công lý và pháp luật.
Công lý là ý niệm về giá trị và lẽ công bằng của người dân, còn pháp luật lại được biểu hiện cuối cùng bằng phán quyết đúng sai của toà án. Nếu may mắn thì chúng ta đạt được cả hai trong một vụ việc, còn không thì phải với đối mặt với cái hậu quả được gọi là “oan sai”.
Trong vụ án mà anh nêu ra, dư luận chưa bàn đến sự đúng sai của bản án từ góc độ pháp luật nhưng đã bức xúc bởi việc đương sự, một phụ nữ là bên thua kiện, quyết định nhảy lầu để tự vẫn.
Điều này lý giải được bởi ai cũng hiểu đó là hành động của trạng thái phẫn uất, cảm thấy bị đối xử oan trái, tức không giành được công lý theo ý niệm mà chị ấy vẫn có và tin vào.
Còn từ góc độ pháp luật, mục tiêu của bên nguyên đơn là đòi tài sản, nhưng tài sản đó đã được định đoạt theo hợp đồng, có nghĩa rằng phải căn cứ vào hợp đồng để xác định xem cái quyền tài sản ấy còn tồn tại hay không ? Mà khi đã xét đến hợp đồng thì điều căn bản và đầu tiên là sự tự do ý chí và thoả thuận của các bên.
Còn sự phức tạp chi phối vụ việc này là mối quan hệ khác có tính hành chính về đất đai, cụ thể là ý nghĩa của việc cấp Giấy CNQSD đất hay sổ đỏ. Vấn đề đặt ra là yếu tố nào sẽ được ưu tiên khi xác định quyền tài sản trong trường hợp này, và để quyết định, nó đòi hỏi những người “cầm cân nảy mực” không chỉ có trình độ chuyên môn mà còn cả bản lĩnh nghề nghiệp và sự công tâm nữa.
Những năm trước, việc người dân mua bán đất đai bằng giấy tay rất phổ biến. Trong vụ án này, các bên đã thực hiện xong nghĩa vụ giao đất, trả tiền. Theo ông, nên chăng cần công nhận hiệu lực cuả hợp đồng này.
Luật sư Nguyễn Tiến Lập: Thông thường có hai tình huống xảy ra. Tình huống thứ nhất, hai bên là người dân sử dụng đất mua bán, chuyển nhượng đất chưa có sổ đỏ cho nhau và không hợp thức chuyển quyền sở hữu theo quy định của Luật Đất đai, được gọi là mua bán bằng giấy viết tay, sau đó phát sinh tranh chấp mà vẫn chưa được cấp sổ đỏ.
Trong trường hợp này, tôi cho rằng, toà án không nên tuyên vô hiệu hợp đồng để trả lại đất chỉ vì lý do mua bán không có sổ đỏ, nếu xét hợp đồng đã thực hiện xong và việc cấp sổ đỏ chỉ là vấn đề thủ tục hành chính đối với người đang sử dụng đất. Riêng trường hợp đất do quy hoạch bị cấm chuyển nhượng (đã công bố) thì Toà có thể tuyên vô hiệu vì các bên "vi phạm điều cấm".
Xu hướng này đã được cơ quan quản lý đất đai và cơ quan thuế thừa nhận bằng việc vẫn thu thuế chuyển nhượng đối với các giao dịch uỷ quyền quản lý, định đoạt quyền sử dụng đất khi chưa có sổ đỏ để có thể hợp thức việc chuyển nhượng.
Trong tình huống thứ hai, cũng tương tự như trên, nhưng sau khi việc mua bán đã xong giữa hai bên thì bên bán (tức chủ cũ) lại được cấp sổ đỏ cho mảnh đất đã bán. Trong trường hợp này, để giải quyết đúng bản chất sự việc và triệt để đối với tranh chấp thì toà án phải coi đây là sai phạm về hành chính vì người được cấp sổ đỏ không còn là người sử dụng đất nữa.
Có nghĩa rằng, toà án vẫn phải công nhận hợp đồng? Thưa ông?
Luật sư Nguyễn Tiến Lập: Đúng vậy, toà án vẫn phải công nhận hợp đồng như sự tự do ý chí và quyền tự định đoạt tài sản của các bên, đồng thời yêu cầu cơ quan chính quyền thu hồi sổ đỏ đã cấp sai để cấp lại cho bên mua là người đang sử dụng đất.
Tôi không nói cách giải quyết như trên là dễ và đương nhiên bởi sự chồng chéo giữa quy định của pháp luật dân sự và pháp luật về đất đai. Tuy nhiên, nếu để tiệm cận công lý hay lẽ công bằng thì sự áp dụng pháp luật dựa trên cơ sở lập luận chuyên môn vững vàng sẽ cần phải theo hướng như vậy.
Tại sao? Bởi mục tiêu căn bản nhất của hệ thống pháp luật và toà án là bảo vệ quyền tự do của người dân chứ không phải các thủ tục hành chính hay cái gọi chung chung và không rõ ràng là “lợi ích nhà nước”.
Theo đó, với quan niệm của tôi, sổ đỏ chỉ là sự công nhận hay một bằng chứng về quyền sở hữu tài sản hay quyền sử dụng đất, có được bằng việc thoả mãn các quy định về hành chính đất đai. Nó không thể áp đặt, thay thế hay huỷ bỏ tuyệt đối mọi quyền tài sản đã được xác lập chính đáng của người dân.
Vì nếu thế thì chúng ta sẽ biến mọi sự an toàn và ổn định của đời sống dân sự phụ thuộc hoàn toàn vào các cơ quan nhà nước. Rất mong việc sửa đổi Luật Đất đai sắp tới sẽ được làm với tinh thần như vậy.
Ông có đề cập đến việc không để bên có dụng ý xấu lợi dụng pháp luật và các quan tòa để đạt mục đích xấu. Xin ông phân tích rõ thêm điều này và đâu là giải pháp khắc phục nó?
Luật sư Nguyễn Tiến Lập: Có thể nói đã có nhiều trường hợp chính Luật Đất đai đã bị lợi dụng ở chỗ chúng ta quá nhấn mạnh các thủ tục hành chính và việc cấp sổ đỏ, nhất là trong bối cảnh nhiều cán bộ công chức còn thiếu cả sự mẫn cán và liêm chính.
Chẳng hạn, tôi có mảnh đất sử dụng lâu năm nhưng vì lý do nào đó chưa làm Sổ Đỏ, nay có nhu cầu bán thì tôi vẫn bán. Vấn đề sau đó giá đất bỗng tăng cao và tôi tiếc rằng đã bán nên tìm cách lấy lại.
Bởi biết mua bán bằng giấy viết tay là khiếm khuyết về pháp luật, tôi sẽ “chạy” để có sổ đỏ, thậm chí còn có thể “lừa” bên mua rằng làm như vậy để sau đó sẽ hợp thức việc sang tên cho họ. Nhưng khi có sổ đỏ rồi thì tôi có thắng được lòng tham của mình hay không để sẽ không sử dụng công cụ toà án huỷ việc mua bán viết tay kia và đòi lại đất?
Thậm chí như tôi biết, với việc giá đất tăng nhanh và khả năng trục lợi lớn, có những bên bán đất còn thông đồng với các cán bộ nhà nước và thẩm phán biến chất để nguỵ tạo toàn bộ vụ việc nhằm thực hiện ý đồ nói trên, mà thực chất về pháp luật là chiếm đoạt tài sản của người khác.
Do đó, hoàn thiện pháp luật chính là nhằm ngăn ngừa các tiêu cực và lấp các khoảng trống này.
Thời gian qua, có một số vụ việc người dân muốn tìm đến cái chết sau khi tòa tuyên án, mặc dù đây không phải là những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, mức phạt không quá lớn. Ông bình luận gì về điều này và ông có cho rằng đây là điều rất bất thường?
Luật sư Nguyễn Tiến Lập: Đối với con người bình thường, mất mát về tài sản là việc hệ trọng nhưng họ sẽ không coi tài sản có giá trị hơn mạng sống, bởi nếu còn sống và lao động, họ sẽ tạo lập lại được tài sản. Tuy nhiên, nếu mất niềm tin vào lẽ công bằng, vào công lý và pháp luật thì họ sẽ sụp đổ bởi đó là niềm tin, là hy vọng và là cả cảm hứng để sống tiếp.
Nếu pháp luật không được coi trọng và công lý không được thực thi, loài người sẽ sống theo luật của kẻ mạnh và nếu anh lại là kẻ yếu thì sẽ thế nào? Bất cứ lúc nào những gì anh làm ra cũng có thể bị kẻ khác lấy mất hay tước đoạt, bằng cách này hay cách khác mà anh biết không ai và không có gì bảo vệ mình.
Vậy thì những toan tính về cái chết của những người được coi là nạn nhân của hệ thống tư pháp như vậy hoàn toàn có thể hiểu được. Đương nhiên, dù thế nào thì những hiện tượng thực tế như vậy cũng là bất thường bởi chúng ta đang sống trong một xã hội văn minh và có pháp luật.
Do đó, tôi hy vọng những sự vụ đó sẽ không tiếp tục xảy ra như là bằng chứng của cả pháp luật và công lý sẽ được khôi phục và thực thi.
Diễn biến vụ án:
Theo nội dung vụ án, mảnh đất 3.500m² là đất trồng cây hằng năm, có một phần diện tích nằm trong quy hoạch đường Dương Quảng Hàm, Q.Gò Vấp, TP.HCM. Năm 1999, ông Quý mua của ông Huỳnh Hữu Lợi bằng giấy tay. Năm 2002, ông Quý "cắt" 500m² trong mảnh đất trên bán cho ông Sĩ bằng giấy tay.
Đến năm 2005, ông Quý được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN QSDĐ) đối với toàn bộ diện tích 3.500m². Sau đó, tháng 4-2009, ông Quý tiếp tục bán cho ông Dư và ông Thắng mỗi người 87m² trong cùng thửa đất trên cũng bằng giấy tay.
Sau khi mua, ông Dư và ông Thắng cùng bán lại đất cho ông Sĩ (tổng cộng 674m²). Đến năm 2015 thì ông Sĩ bán lại toàn bộ đất cho ông Dư. Ông Dư đã đưa gia đình về đây sinh sống ổn định, khai báo tạm trú tạm vắng và được chính quyền địa phương cấp số nhà.
Song, tháng 6.2017, ông Quý bất ngờ khởi kiện các ông Dư, Thắng, Sĩ ra TAND Q.Gò Vấp, yêu cầu tòa tuyên các hợp đồng chuyển nhượng đất trước đây giữa ông Quý với các ông Dư, Thắng, Sĩ vô hiệu.
Xét xử sơ thẩm, TAND Q.Gò Vấp đã tuyên hủy hợp đồng chuyển nhượng đất giữa ông Quý với ông Sĩ, công nhận hai hợp đồng chuyển nhượng đất giữa ông Quý với ông Dư, ông Thắng. Không đồng ý, các bên kháng cáo, còn viện trưởng Viện KSND Q.Gò Vấp kháng nghị bản án sơ thẩm.
Phiên phúc thẩm, TAND TP.HCM đã tuyên 3 hợp đồng chuyển nhượng đất giữa ông Quý và các ông Dư, Thắng, Sĩ vô hiệu; hợp đồng chuyển nhượng đất giữa ông Sĩ, ông Thắng với ông Dư vô hiệu. Từ đó, buộc các bị đơn trả 674m² cho nguyên đơn, nguyên đơn hoàn trả số tiền đã nhận và ghi nhận sự tự nguyện thanh toán trên số tiền nguyên đơn đã nhận với lãi suất 9%/năm.
Trí Lâm thực hiện