COVID-19 khiến hơn 30 triệu lao động bị ảnh hưởng tiêu cực trong 6 tháng đầu năm
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 16:14, 10/07/2020
Lao động nữ ảnh hưởng lớn
Theo báo cáo tác động của dịch COVID-19 đến tình hình lao động việc làm tại Việt Nam do Tổng cục Thống kê vừa công bố, tính đến tháng 6.2020, cả nước có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19, bao gồm những người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập,… Ảnh hưởng do giảm thu nhập chiếm tỷ trọng cao nhất với 57,3% tổng số người bị ảnh hưởng (tương ứng 17,6 triệu người).
Trong tổng số 30,8 triệu người bị ảnh hưởng, có 28,7 triệu người có việc làm; 897,5 nghìn người thất nghiệp và 1,2 triệu người nằm ngoài lực lượng lao động (không tham gia hoạt động kinh tế).
Khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch với 72,0% lao động bị ảnh hưởng, tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng với 67,8% lao động bị ảnh hưởng; tỷ lệ lao động bị ảnh hưởng trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 25,1%.
Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý 2/2020 là 53,1 triệu người, giảm 2,2 triệu người so với quý trước và giảm 2,4 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Đây là năm ghi nhận mức giảm sâu kỷ lục của lực lượng lao động từ trước đến nay.
Lực lượng lao động giảm chủ yếu ở khu vực nông thôn và lực lượng lao động nữ. Lực lượng lao động ở khu vực nông thôn giảm 4,9% so với quý trước và giảm 5,6% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn so với mức giảm ở khu vực thành thị; lực lượng lao động nữ giảm 4,4% so với quý trước và giảm 5,4% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn so với mức giảm của lực lượng lao động nam.
Đối với cả nhóm lực lượng lao động trong độ tuổi và ngoài độ tuổi, lực lượng lao động nữ luôn là nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề hơn so với lực lượng lao động nam trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động sâu rộng tới thị trường lao động tại Việt Nam.
Lao động có việc làm giảm mạnh nhất trong vòng 10 năm qua
Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý 2/2020 là 51,8 triệu người, giảm 2,4 triệu người so với quý trước và giảm gần 2,6 triệu người so với cùng kỳ năm trước, đây là mức giảm nhiều nhất trong vòng 10 năm qua.
Trong đó, lao động giảm chủ yếu ở khu vực nông thôn và lao động nữ, số người có việc làm ở khu vực nông thôn giảm 1,8 triệu người so với quý trước và gần 2,1 triệu người so với cùng kỳ năm trước; lao động nữ giảm 1,2 triệu người so với quý trước và giảm 1,5 triệu người so với cùng kỳ năm trước.
Lao động làm công hưởng lương giảm gần 1,2 triệu người so với quý trước; nhóm lao động yếu thế (lao động tự làm và lao động gia đình) giảm 1,1 triệu người so với quý trước.
Lao động có việc làm trong quý 2/2020 giảm tương ứng so với mức giảm của lực lượng lao động. Điều này cho thấy dịch COVID-19 đã làm cho đa số người lao động mất việc phải tạm thời rời khỏi thị trường lao động trong thời gian dịch bệnh lây lan, đặc biệt là trong tháng 4 năm 2020 khi các biện pháp giãn cách xã hội được áp dụng nghiêm túc và triệt để.
Một số ngành có số lao động giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước như ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (giảm 324,6 nghìn người); ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống (giảm 156,9 nghìn người); ngành giáo dục và đào tạo (giảm 122,7 nghìn người); ngành bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy (giảm 120 nghìn người).
Lao động trong một số nghề giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước như: nghề lao động giản đơn giảm gần 1,5 triệu người, tương ứng giảm gần 8%; nhóm thợ thủ công và các thợ có liên quan giảm 515 nghìn người, tương ứng giảm 6,6%; lao động trong nhóm nghề chuyên môn kỹ thuật bậc trung giảm hơn 322 nghìn người, tương ứng giảm 16,5%.
Số lao động có việc làm phi chính thức quý 2 là 19,5 triệu người, giảm 516 nghìn người so với quý trước và giảm 634 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.
Đây là nhóm lao động dễ bị tổn thương trong thị trường lao động khi nền kinh tế chịu ảnh hưởng của các cú sốc. So với cùng kỳ năm trước, lao động phi chính thức trong ngành khai khoáng giảm nhiều nhất (giảm 36,2%), tiếp theo là ngành giáo dục và đào tạo, hoạt động làm thuê các công việc trong hộ gia đình (mỗi ngành giảm 17,9%).
Ngoài đặc điểm về tính dễ bị tổn thương khi có các cú sốc về cầu lao động, lao động phi chính thức có thu nhập thấp hơn so với lao động chính thức. Thu nhập bình quân tháng của lao động phi chính thức trong quý 2 là 5,1 triệu đồng, thấp hơn 1,6 lần mức thu nhập bình quân tháng của lao động chính thức.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19, thu nhập bình quân tháng của lao động phi chính thức có mức giảm nhiều hơn so với lao động chính thức, tương ứng giảm 8,4% và 4,7% so với cùng kỳ năm trước.
Cũng theo báo cáo, số người từ 15 tuổi trở lên thiếu việc làm trong quý 2/2020 là gần 1,5 triệu người, tăng 363,9 nghìn người so với quý trước và tăng 726,6 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.
So với quý trước, lao động là nam giới thiếu việc làm tăng cao hơn so với nữ giới thiếu việc làm: tăng 250 nghìn nam giới thiếu việc làm và tăng 113,9 nghìn nữ giới thiếu việc làm; so với cùng kỳ năm trước, mức tăng tương ứng là 412,4 nghìn nam giới và 314,2 nghìn nữ giới.
Lam Thanh