Mỹ chuẩn bị việc đưa hài cốt binh sĩ từ Triều Tiên về nước
Quốc tế - Ngày đăng : 11:28, 24/06/2018
Hồi hương hài cốt lính Mỹ là một trong 4 điểm chính trong tuyên bố chung Mỹ-Triều được Tổng thống Donald Trump ký với lãnh đạo Kim Jong-un hôm 12.6. CHDCND Triều Tiên dự kiến trao trả 200- 250 hài cốt.
Ngày 23.6, người phát ngôn Jennifer Lovett của lực lượng quân Mỹ đóng tại Hàn Quốc, thông báo đã chuyển 100 quan tài gỗ cùng quốc kỳMỹ đến khu vực biên giới với Bình Nhưỡng để chuẩn bị tiếp nhận hài cốt quân nhân. Làng đình chiến Bàn Môn Điếm là nơi dự kiến sẽ diễn ra hoạt động này. Sẽ có nhiều quan tài hơn được tập trung tại đây trong vài ngày tới, theo bà Lovett.
Ngoài ra, quan tài kim loại cũng được đưa đến căn cứ không quân tại Osan. Tính đến ngày 23.6, cơ sở này đã nhận 158 quan tài. Bà Lovett khẳng định phía Washington đã sẵn sàng, nhưng hiện vẫn chưa rõ Bình Nhưỡng lúc nào sẽ tiến hành trao trả.
Trong khoảng thời gian 1996- 2005, một nhóm công tác chung Mỹ-Triều đã tiến hành 33 hoạtđộng thu gom 22 hài cốt quân nhân Mỹ. Tuy nhiên, nỗ lực phục hồi và hồi hương hài cốt đã bị ngưng trệ trong hơn một thập kỷ, khi quan hệ hai nước xấu đi do Bình Nhưỡng phát triển vũ khí hạt nhân, còn Washington lo ngại về an toàn cho các chuyên gia nước này khi tham gia nhóm công tác.
Theo ước tính, có khoảng 5.300 binh sĩ Mỹ tử trận tại Triều Tiên. Tổng thống Trump đánh giá động thái chấp nhận trao trả hài cốt quân nhân nước này của Bình Nhưỡng là một trong những thành công của cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều ngày 12.6 trước đó.
Số hài cốt sau khi được trao trả sẽ được chuyển từ Hàn Quốc đến Hawaii để đội ngũ pháp y xác định danh tính. Trong quá khứ, một số bộ hài cốt quân nhân Mỹ hồi hương từ Triều Tiên có lẫn xương của người khác hay xương động vật.
Triều Tiên bỏ tuyên truyền chống Mỹ
Báo New York Post cho biết phía sau cuộc gặpthượng đỉnh lịch sử, Triều Tiên đã bỏ đi nhiều ấn phẩm và bản tin tuyên truyền thông tin tiêu cực về Mỹ cũng như tư tưởng chống Mỹ.
Tranh tường, áp phích và băng rôn tại quốc gia Đông Bắc Á trong nhiều thập kỷ luôn khắc họa Mỹ là một quốc gia “bệnh hoạn, mục nát, lưu manh”, và khẳng định Bình Nhưỡng sẽ tiến hành tấn công không khoan nhượng quân đội Washington.
Tuy nhiên, tư tưởng này đã biến mất kể từ cuộc gặp giữa lãnh đạo Kim với Tổng thống Trump, thay vào đó là các ấn phẩm ca ngợi triển vọng thống nhất hai miền lẫn Tuyên bố chung Bàn Môn Điếm mà ông Kim ký với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vào tháng 4, cam kết xây dựng nền hòa bình lâu dài.
Rowan Beard, một người điều hành tour du lịch của công ty Young Pioneer Tours, cho biết: “Tất cả áp phích chống Mỹ tôi thường thấy quanh Quảng trường Kim Nhật Thành cũng như những nơi mua sắm đều đã biến mất. Trong 5 năm tôilàm việc tại Triều Tiên lần đầu tiên thấy chuyện này xảy ra”.
Sự thay đổi cũng xảy ra trong giới truyền thông nước này. Những bản tin mô tả Mỹ, hay dẫn những hoạt động can thiệp của Mỹ tại Syria như bằng chứng của chủ nghĩa đế quốc nay đã không còn nữa. Báo Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận chính thức của đảng Lao động Triều Tiên, từ tháng 3 (khi ông Trump chấp nhận gặp lãnh đạo Kim) đã không còn công kích Tổng thống Mỹ nữa.
Hiện tại, hình ảnh hai nhà lãnh đạo Kim-Trump gặp nhau xuất hiện nhiều mặt báo Rodong Sinmun. Những sự kiện khác, như chuyến công du Trung Quốc của ông Kim, cũng được đưa tin lập tức chứ và mang giọng điệu trung lập hơn.
Theo Peter Ward, chuyên gia về Triều Tiên: “Điều này thật tuyệt vời. Giọng điệu đưa tin trung lập, thậm chí tích cực, thường chỉ được Bình Nhưỡng dành cho các quốc gia mà họ có quan hệ tốt”.
Cẩm Bình (theo The New York Times, New York Post)