Cố vấn Nhà Trắng nói ông Trump sẽ không công nhận Crimea của Nga
Quốc tế - Ngày đăng : 14:33, 28/06/2018
Đã có những thông tin cho hay ông Trump đồng ý với quan điểm của Moscow: Crimea là của Nga. Theo trang Buzzfeed dẫn hai nguồn tin ngoại giao cho biết, khi dự hội nghị thượng đỉnh G-7 ở Canada mới đây, Tổng thống Mỹ đã nói với 6 lãnh đạo Canada, Nhật, Anh, Pháp, Đức, Ý khi họ cùng dựtiệc tối 8.6: bán đảo Crimea thuộc Nga, vì mọi người sống ở bán đảo này đều nói tiếng Nga.
Tổng thống Nga Putin cho rằng việc Nga sát nhập Crimea vào lãnh thổ của mình là hoàn toàn chính đáng. Ông Putin cho rằng ông cần phải bảo vệ công dân Nga và những người nói tiếng Nga tại Ukraine.
Cố vấn “diều hâu” nóiMỹ không đổi quan điểm về hoạt động can thiệp của Nga
Tại cuộc họp báo ở Moscow ngày 27.6, ông Bolton xác nhận chính phủ Mỹ không có kế hoạch công nhận việc Nga sáp nhập Crimea của Ukraine hồi năm 2014.
Khi được một nhà báo hỏi liệu ông Trump có công nhận việc Nga sáp nhập Crimea hay không, ông Bolton nói mà không nhắc đến tên Tổng thống Mỹ: “Đấy không phải quan điểm của Mỹ”.
Từ vụ sáp nhập cùng can thiệp vào nội chiến Ukraine, Nga đang bị quốc tế cấm vận.
Theo Newsweek, Cố vấn An ninh quốc gia Bolton từng là một “diều hâu” chống Nga, Iran, Iraq và CHDCND Triều Tiên, và còn gọi ông Putin là “kẻ nói dối”, đã đến Moscow và nói chuyện với Tổng thống Nga.
Sau đó ở cuộc họp báo, ông xác nhận đã nói chuyện với ông Putin về thỏa thuận kiểm soát tên lửa đạn đạo (ABM) mà Mỹ và Liên Xô ký năm 1972 và đến nay vẫn còn hiệu lực, cùng một số hiệp định kiểm soát vũ khí khác.
Ông Bolton còn được hỏi liệu cuộc gặp thượng đỉnh Nga - Mỹ có thích đáng, khi Nga bị cáo buộc can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016 và ủng hộ quân ly khai ở đông Ukraine.
Ông Bolton còn nói chính sách Mỹ sẽ không thay đổi những mức trừng phạt Nga. Và khi được hỏi về nghi án Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ 2016, ông nói “Tôi nghĩ Trump sẽ đề cập tất cả những vấn đề giữa Nga với Mỹ”.
Các nhà báo còn nói ông Bolton nói ngược với những tuyên bố của ông trước đây về Nga. Ông giải thích hiện ông là cố vấn của Tổng thống Mỹ và chính phủ Mỹ thực hiện các mục tiêu của chủ nhân Nhà Trắng: “Điều quan trọng là hai lãnh đạo phải gặp nhau. Tổng thống Trump và Tổng thống Putin có thể tìm ra các giải pháp mang tính xây dựng về nhiều vấn đề. Liên lạc trực tiếp giữa hai lãnh đạo là vì quyền lợi tốt nhất cho ước Mỹ”.
Theo báo Guardian, ông Putin đã nói với ông Bolton: “Tôi lấy làm tiếc phải nói rằng quan hệ Nga - Mỹ không đang tốt nhất. Tôi đã liên tục nói công khai điều này và nay nói với ông: tôi nghĩ chủ yếu đó là hậu quả đấu đá chính trị nội bộ Mỹ kịch liệt. Việc ông đến Moscow cho chúng tôi hy vọng rằng chúng ta có thể đi những bước đầu tiên để phục hồi toànbộ quan hệ giữa hai chính phủ”.
Điện Kremlin chỉ ra một tuyên bố xác nhận “hài lòng” về cuộc gặp giữa Tổng thống Putin với ông Bolton.
Trước một Ủy ban Thượng viện Mỹ ngày 27.6, Ngoại trưởng Mike Pompeo nói: “Tổng thống muốn hướng đến một cơ hội tìm ra địa điểm có thể nói chuyện mang tính chất xây dựng, và dẫn đến sự cải thiện cho cả Mỹ lẫn Nga”.
Ông Trump luôn tuyên bố muốn cải thiện quan hệ Mỹ - Nga, gần đây vận động đưa Nga trở lại G-7 (nhóm 7 quốc gia phát triển). Nga từng bị loại khỏi nhóm G-8 vì chuyện sáp nhập Crimea, vì cộng đồng quốc tế nhận định động thái đó là phi pháp.
Hồi tháng 3, ông Trump gọi điện chúc mừng ông Putin tái trúng cử Tổng thống Nga, và nói hai ông sẽ sớm gặp nhau.
Helsinski sẽ là nơi diễn ra cuộc gặp Trump - Putin?
Trợ lý Yuri Ushakov của ông Putin nói địa điểm cuộc gặp chính thức đầu tiên giữa các ông Putin - Trump sẽ không ở Mỹ hoặc Nga, mà tại một nước khác, trong ngày 28.6 hai bên sẽ thông báo rõ thời điểm và nơi gặp.
Tại Washington, ông Trump gợi ý có thể nơi gặp là các thủ đô Vienna của Áo hoặc Helsinki của Phần Lan.
Báo Washington Times cho rằng cuộc gặp thượng đỉnh có thể diễn ra ở Helsinki, vì Phần Lan gần Nga, trong khi ông Putin đã dành thời gian cho World Cup 2018, với trận chung kết tại Moscow ngày 15.7.
Helsinki cũng phù hợp kế hoạch ông Trump công du châu Âu từ ngày 10 đến 14.7, dự hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra trong hai ngày11, 12.7.2018 ở Brussels (Bỉ).
Thủ đô Phần Lan từng diễn ra các sự kiện ngoại giao tầm lịch sử: Tổng thống Gerald Ford đến thành phố này năm 1975 để ký Thỏa thuận Helsinki, vốn là một tuyên bố nhằm cải thiện quan hệ với Liên Xô.
Đến năm 1990, Tổng thống George Bush “cha” có cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên với lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev ở Helsinki, bàn chuyện khủng hoảng xảy ra ở Trung Đông.
Nếu diễn ra cuộc gặp, sẽ là lần đầu tiên hai tổng thống Nga - Mỹ gặp nhau, sau lần gặp ở hội nghị thượng đỉnh G-7 ở Hamburg (Đức) năm 2017.
Lúc đó, hai ông nói chuyện tại dạ tiệc, chỉ có một người phiên dịch người Nga ở cạnh. Ông Trump giải thích họ bàn chính sách nhận con nuôi.
Bất kỳ sự kỳ vọng nào từ cuộc gặp thượng đỉnh Putin - Trump cũng đềurất nhỏ, nhất là việc nới lỏng lệnh cấm vận Nga cần có sự chấp thuận của Quốc hội Mỹ.
Nga - Mỹ cũng có nhiều bất đồng, gồm nghi án Nga can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ 2016, can thiệp vào nội chiến Ukraine và Syria, vấn đề an ninh mạng, chính sách NATO và vũ khí hạt nhân. Quan hệ hai bên bị xem là xuống thấp nhất từ sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh.
Nga - Mỹ đã đóng cửa nhiều lãnh sự quán, trục xuất hàng trăm nhà ngoại giao để trả đũa. Quốc hội Mỹ đang tiếp tục thúc đẩy áp thêm lệnh cấm vận lên Nga và những người thân cận Điện Kremlin, để phản ứng việc Nga can thiệp vượt khỏi biên giới, dù Tổng thống Trump không nhiệt tình hưởng ứng với các biện pháp trừng phạt này.
Bảo Vĩnh (theo Newsweek, Guardian)