Thêm 4 ca mắc COVID-19 nhập cảnh từ Hàn Quốc và Nga
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 18:13, 23/07/2020
Ngày 19.7, bệnh nhân từ Hàn Quốc nhập cảnh Sân bay Phú Quốc trên chuyến bay QH9461 và được cách ly tập trung ngay sau nhập cảnh tại huyện Phú Quốc, Kiên Giang.
Ngày 20.7, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả xét nghiệm là dương tính với SARS-CoV-2.
Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Phú Quốc.
CA BỆNH 410 (BN410): Bệnh nhân nam, 25 tuổi, có địa chỉ tại Thụy Lôi, Tiên Lữ, Hưng Yên.
CA BỆNH 411 (BN411): Bệnh nhân nữ, 30 tuổi, có địa chỉ tại Dữu Lân, Việt Trì, Phú Thọ.
CA BỆNH 412 (BN412): Bệnh nhân nam, 49 tuổi, có địa chỉ tại Nam Lý, Đồng Hới, Quảng Bình
Cả 3 bệnh nhân trên từ Liên bang Nga (quá cảnh Belarus) trên chuyến bay VN5062 về Sân bay Vân Đồn ngày 17.7 (trước đó 16 ca dương tính với COVID-19 trên chuyến bay này đã được thông báo tại 3 tỉnh là Nam Định: 4 ca, Ninh Bình: 8 ca và Hòa Bình: 4 ca) và được cách ly tập trung ngay sau nhập cảnh tại Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 180, Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh Nam Định.
Ngày 17.7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nam Định lấy mẫu lần 1 và có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Các bệnh nhân được lấy mẫu lần 2 ngày 22.7 và có kết quả sàng lọc dương tính với SARS-CoV-2.
Mẫu được gửi Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương xét nghiệm khẳng định, kết quả ngày 23.7 có 3 mẫu dương tính với SARS-CoV-2.
Hiện 3 bệnh nhân này đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định.
Như vậy, tính đến 18h ngày 23.7: Việt Nam có tổng cộng 272 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo - Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến thời điểm này đã có 365/412 tổng số ca bệnh COVID-19 của nước ta được công bố khỏi bệnh. Riêng đối với bệnh nhân người nước ngoài, đến nay có 50 bệnh nhân mang quốc tịch nước ngoài đều đã được Việt Nam điều trị khỏi. Không có trường hợp bệnh nhân COVID-19 nặng nào tử vong cho đến thời điểm này.
Tính đến chiều ngày 23.7, trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, theo dõi sức khoẻ tại các cơ sở y tế, hiện có 6 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính từ 1- 2 lần với virus SARS-CoV-2. Hiện còn 41 bệnh nhân dương tính với virus gây COVID-19.
Trong các bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế hiện nay, đa số đều có sức khoẻ ổn định. Hiện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 đang điều trị 05 ca bệnh, tại Bệnh viện Đa khoa Bà Rịa- Vũng Tàu điều trị 09 ca bệnh; Trung tâm y tế huyện Bình Sơn-Quảng Ngãi điều trị 01 ca bệnh; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu 02 ca; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau điều trị 01 ca; Bệnh viện Lê Lợi, TP Vũng Tàu điều trị 01 ca; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định điều trị 08 ca; Phòng khám Đa khoa khu vực Cầu Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình điều trị 08 ca; Bệnh viện Nhiệt đới Hải Dương điều trị 01 ca; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình điều trị 04 ca bệnh,Trung tâm Y tế huyện Phú Quốc điều trị 01 ca bệnh.
Có 23 vắc xin phòng COVID-19 bước vào thử nghiệm giai đoạn 3
Tính đến 9h00 ngày 23.7.2020, theo thống kê của worldometers.info, thế giới ghi nhận 15.371.836 người mắc; 630.138 người tử vong. 215 quốc gia, vùng lãnh thổ (trong đó có 2 tàu du lịch) ghi nhận ca mắc COVID-19. Việt Nam đứng thứ 160/215 quốc gia, vùng lãnh thổ có ca mắc trên thế giới; 6/11 quốc gia có ca mắc trong khu vực Đông Nam Á. Tại khu vực ASEAN, tất cả các quốc gia trong khu vực đều có người mắc bệnh.
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận hơn 250.000 trường hợp mắc COVID-19 và hơn 6500 ca tử vong. Nhiều nước ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày tăng cao nhất kể từ khi dịch bùng phát, xu thế đại dịch bùng phát trở lại đang rõ ràng hơn. Ấn Độ, Mỹ, Brazil là 3 ổ địch nghiêm trọng nhất thế giới với liên tiếp các số liệu kỷ lục bị phá.
Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, vẫn tiềm ẩn nguy cơ lớn. Diễn biến dịch bệnh cực đoan, đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi một số quốc gia đối mặt với nguy cơ bùng phát đợt dịch thứ hai, thứ ba. Châu Á có một số nước đã phải tái áp đặt các biện pháp phòng dịch do số ca dương tính với virus corona chủng mới này tăng trở lại, Ấn Độ hiện là quốc gia thứ ba trên thế giới và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc bệnh COVID-19.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định, thế giới đang căng mình chống dịch COVID-19, số ca mắc vượt mốc 15 triệu. Nếu không có vắc xin thì khó có thể có cuộc sống bình thường như trước. Đến nay, trên toàn cầu có 23 loại vắc xin tiến tới thử nghiệm giai đoạn 3, đã có những vắc xin đánh giá có kết quả khá tốt. Thế giới đang rất nỗ lực để sớm có được vắc xin COVID-19, mọi thủ tục quy trình đã được thảo luận rút ngắn để đảm bảo vấn đề chất lượng và thời gian. Về những nguy cơ dịch xâm nhập từ nước ngoài vào Việt Nam, các chuyên gia cho rằng khả năng này vẫn cao, do tình trạng vượt biên, nhập cảnh trái phép, trốn cách ly...
Do đó, nhằm bảo vệ những thành quả đã đạt được trong công tác phòng, chống dịch bệnh, tạo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội trong nước, chúng ta phải tiếp tục siết chặt quản lý các tuyến biên giới, không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.
Đa số người tử vong do COVID-19 đều có bệnh nền tăng huyết áp, tim mạch...
Số liệu cho thấy trên thế giới đa số những người tử vong do bệnh dịch COVID-19 đều có bệnh nền như tăng huyết áp, bệnh tim mạch hoặc các bệnh mạn tính khác.
Bộ Y tế vừa có Công văn số 3918/BYT-DP ngày 23.7.2020 của Bộ Y tế gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường hoạt động truyền thông giảm muối và đo kiểm tra huyết áp cho người dân.
Nhiều người mắc tăng huyết áp chưa được phát hiện
Tăng huyết áp là nguy cơ hàng đầu gây ra biến cố và tử vong do các bệnh tim mạch. Việt Nam hiện có khoảng 12 triệu người bị tăng huyết áp, tức là cứ năm người trưởng thành thì có một người mắc. Tăng huyết áp là nguyên nhân chủ yếu gây tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận làm cho hàng trăm ngàn người bị liệt, tàn phế hoặc mất sức lao động mỗi năm và các bệnh tim mạch này đang là nguyên nhân tử vong số một tại Việt Nam, chiếm tới 31% tổng số ca tử vong toàn quốc.
Số liệu cũng cho thấy trên thế giới đa số những người tử vong do bệnh dịch COVID-19 đều có bệnh nền như tăng huyết áp, bệnh tim mạch hoặc các bệnh mạn tính khác.
Bộ Y tế cho biết, trong 12 triệu người mắc tăng huyết áp ở cộng đồng thì có tới gần 60% chưa được phát hiện và trên 80% chưa được quản lý điều trị theo quy định. Vì vậy, hằng năm Bộ Y tế đều có hướng dẫn việc hưởng ứng “Ngày Thế giới phòng chống tăng huyết áp 17/5”, tổ chức chương trình toàn dân đo huyết áp và đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nhằm dự phòng, phát hiện sớm tăng huyết áp và phòng, chống các bệnh tim mạch.
Giảm muối trong khẩu phần ăn để phòng tăng huyết áp
Để tiếp tục nâng cao nhận thức của cộng đồng trong dự phòng, phát hiện sớm tăng huyết áp và phòng, chống các bệnh tim mạch, Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế chủ trì phối hợp với các địa phương và các đơn vị liên quan đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cộng đồng để dự phòng tăng huyết áp và các bệnh tim mạch, tập trung vào chủ đề phòng chống tác hại của thuốc lá và rượu bia, bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực.
Tổ chức triển khai Chương trình “Truyền thông giảm muối trong khẩu phần ăn để phòng, chống tăng huyết áp, bệnh tim mạch và các bệnh tật khác” trên phương tiện thông tin đại chúng, loa truyền thanh xã/phường và tại cộng đồng; lồng ghép truyền thông giảm muối trong các cuộc họp của cộng đồng và trong trường học; tư vấn các biện pháp giảm ăn muối cho người bệnh đang được quản lý điều trị tăng huyết áp, đái tháo đường tại các cơ sở y tế.
Đồng thời, hướng dẫn, tuyên truyền, vận động người dân thường xuyên đo kiểm tra huyết áp để phát hiện sớm tăng huyết áp, đặc biệt ở người trên 40 tuổi. Khuyến cáo tới mọi người dân: đo huyết áp thường xuyên là biện pháp đơn giản nhất và quan trọng nhất để phát hiện sớm bệnh tăng huyết áp.
Các cơ sở y tế liên quan, đặc biệt là trạm y tế xã, thực hiện kiểm tra huyết áp cho mọi người dân từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn, lồng ghép việc kiểm tra huyết áp trong khám sức khỏe định kỳ và các hoạt động sàng lọc tại cộng đồng; khuyến khích các cơ sở y tế tư nhân tham gia đo huyết áp miễn phí cho người dân. Chủ động phát hiện sớm, dự phòng cho người nguy cơ cao và quản lý điều trị cho người mắc tăng huyết áp và bệnh tim mạch, đồng thời tư vấn, hướng dẫn để người bệnh biết tuân thủ điều trị và chăm sóc tại nhà.
Theo SK&ĐS