World Cup: Tiến sĩ Ngữ văn chẩn bệnh huyên thuyên trên sóng truyền hình

Văn hóa - Ngày đăng : 17:23, 30/06/2018

“Tôi cũng nhận thấy việc sử dụng ngôn ngữ báo chí cho World Cup đang đáng báo động. Ở đây tôi đang nói đến một khuynh hướng nguy hiểm của ngôn ngữ bình luận thể thao nói chung, đó là tinh thần cuồng dân tộc, tự tôn dân tộc cực đoan” - theo tiến sĩ ngành Ngữ văn Hà Thanh Vân.
          

Chị Hà Thanh Vân là tiến sĩ ngành Ngữ văn, đồng thời cũng nổi tiếng là một cổ động viên cuồng nhiệt của bóng đá, từng viết khá nhiều bài bình luận về bóng đá trên các báo thể thao. Nhân dịp World Cup 2018 ở Nga, chị đã dành cho báo Một Thế Giới buổi trò chuyện xung quanh chuyện trái bóng tròn sau khi World Cup 2018 vừa đi hết vòng bảng.

 - Được biết chị còn là một fan cuồng nhiệt của bóng đá, mùa World Cup năm nay chị đã theo dõi  như thế nào?

 - Là một người từ khi còn nhỏ tuổi đã rất đam mê bóng đá, mỗi một mùa World Cup hay Euro, tôi đều dành thời gian xem hết tất cả các trận đấu của tất cả các đội bóng tham dự, từ vòng bảng cho đến chung kết. Còn nếu những trận nào cùng thời gian, tôi mở 2 TV cùng xem một lúc. Cũng may là World Cup vào mùa hè, là một giảng viên đại học, tôi được nghỉ hè, nên cũng có đủ thời gian xem.

Ngoài ra, không chỉ xem bóng đá, tôi còn sắm áo của các đội tuyển mình yêu thích như Đức, Argentina, Bỉ, Iceland và các áo có ảnh cổ động cho World Cup, mua cả linh vật của World Cup là chú sói Zabivaka để làm kỷ niệm. Thậm chí tôi còn viết một bài báo nhan đề là “Tháng sáu này đời chẳng còn gì, còn lại mỗi quả bóng tròn”. Như vậy là đủ biết tôi đam mê thế nào rồi.

TS Ngữ văn Hà Thanh Vân là một fan cuồng nhiệt của bóng đá

- Là tiến sĩ ngành Ngữ văn, ngoài cách xem bóng đá thông thường, có lẽ chị cũng chú trọng đến ngôn ngữ bình luận, chị có nhận xét gì về cách chuyển tải thông tin World Cup của các bình luận viên trên truyền hình hiện nay?

 - Tôi phải nói ngay cảm xúc của tôi rằng: Thật là khủng khiếp! Thứ nhất, bình luận viên, nhất là trên VTV  thì nói huyên thuyên, không vào trọng tâm. Đáng lẽ hướng người xem vào những vấn đề chuyên môn thì lại cứ nói cảm xúc linh tinh của mình với cầu thủ. Thứ hai, hoàn toàn không công tâm, tâng bốc, ca tụng những ngôi sao thành công, những đội thắng và ra sức miệt thị những ngôi sao thất bại, những đội thua. Ví dụ như chỉ biết Christian Ronaldo, rồi sau đó quay sang vùi dập Messi. Lẽ ra nên có những phân tích về mặt chuyên môn để lý giải vì sao thắng thua. Thứ ba, tôi tạm gọi đó là “nỗi ám ảnh Đông Á”, cứ Hàn Quốc và Nhật Bản đá là bình luận viên trên TV lại cổ vũ cho hai đội này, bất kể đá hay hay dở.

 - Còn việc nhà đài mời nhà thơ và hotgirl tham gia bình luận thì sao?

 - Tôi nghĩ mục đích của nhà đài có lẽ là tốt, muốn tăng lượng người xem, song cách thực hiện quá phản cảm. Trong xã hội văn minh ngày nay, việc lạm dụng nhan sắc của phụ nữ để câu khách là đi ngược lại với với tinh thần nữ quyền.  Mặt khác, nếu chỉ có nhan sắc mà không biết bình luận, thì cũng rất dở. Hầu hết các cô hotgirl đều nói những lời hết sức ngô nghê, như có cô gái sinh năm 1995 nói rằng em xem Brazil đá từ năm 2000, 2002, thế hệ của các cầu thủ Ronaldo, Ronaldinho và Pele. Đáng nói ở đây là Vua bóng đá Pele đã giải nghệ năm 1977, trước khi cô gái ấy ra đời mấy chục năm.

 - Vừa qua báo chí trong nước có nói nhiều về thất bại của đội Đức trước Hàn Quốc với những từ ngữ khá nặng nề, chị có nhận xét gì cách dùng ngôn ngữ đó?

 - Tôi đếm thấy có khoảng 20 tờ báo giấy, báo mạng của Việt Nam dùng từ “đội Đức là niềm ô nhục”, 34 tờ dùng từ “niềm tự hào châu Á” đối với Nhật Bản. Thậm chí bình luận viên của VTV không dùng từ “đứng cuối bảng”, mà dùng từ “đứng bét bảng”, nghe là thấy đầy tinh thần miệt thị.

Có rất ít những tờ báo chỉ ra những sai sót về chuyên môn khiến Đức bị loại, còn hầu hết đều là bày tỏ cảm xúc của nhà báo, mà cảm xúc rất thiên lệch, một chiều, kiểu như ai thua thì vùi dập, ai thắng thì tâng bốc. Thắng thua trong thể thao là chuyện thường tình. Nhưng có đến mấy chục tờ báo ở Việt Nam dùng từ "ô nhục quốc gia" với đội Đức, dùng từ "niềm tự hào châu Á" với đội Nhật.

Đáng chú ý là truyền thông hai nước đó không tự nói về mình như thế. Tôi đọc rất kỹ báo chí nước ngoài. Người Đức họ không gọi vậy là ô nhục, họ chỉ nói đó là một thảm họa, người Nhật không tự gọi là họ "niềm tự hào châu Á", duy nhất có tờ “Independent” của Anh xưa nay vẫn chống Đức, dùng từ “ô nhục” với đội Đức và được các trang website của Anh khác đăng lại. Chỉ có nhiều báo chí Việt Nam bơm thổi lên, dựa vào duy nhất 1 tờ báo Anh để nói là truyền thông nước ngoài nói vậy .

Đội tuyển bóng đá U.23 Việt Nam khi vào chung kết giải châu Á, cũng không thiếu những mỹ từ như gắn thành tích của U.23 thành vận nước đang lên của dân tộc. Những vận động viên họ thi đấu vì tinh thần thể thao trước hết cơ mà. Mục đích của thể thao là giải trí và mang lại niềm vui cho mọi người, nhằm kết nối con người với nhau, mà Thế vận hội Olympic là một minh chứng cụ thể. Ở đó, mỗi người được bước ra sân chơi, đọ sức với đối thủ, dù thắng hay thua, họ đã vượt qua chính họ thường ngày.

Tiến sĩ Hà Thanh Vân với trang phục in linh vật của World Cup 

Vì thế tôi thấy cách nói chỉ trích là “ô nhục” như vậy rất phiến diện và sỉ nhục đối với một đội bóng, là không đúng với tinh thần fair play của thể thao.

- Việc sử dụng ngôn ngữ bình luận, ngôn ngữ báo chí về World Cup bị nhiều người cho rằng đang quá đà. Chị có nhận xét như vậy không, theo chị thì cần có những chuẩn mực nào?

Tôi cũng nhận thấy việc sử dụng ngôn ngữ báo chí cho World Cup đang đáng báo động. Ở đây tôi đang nói đến một khuynh hướng nguy hiểm của ngôn ngữ bình luận thể thao nói chung, đó là tinh thần cuồng dân tộc, tự tôn dân tộc cực đoan. Điều này thể hiện qua các từ ngữ mà các nhà báo hay dùng, ví dụ như trong dịp U.23 vào chung kết giải châu Á vừa qua. Chẳng hạn như: “Đêm không ngủ với khát vọng Việt Nam”, “Cơn địa chấn mang tên Việt Nam”, “Báo Trung Quốc: Tiền không mua được thành công như Việt Nam”, v.v...

Từ quan sát thực tế thường ngày của tôi, tôi thấy những quốc gia văn minh, phát triển, thì lòng tự hào về thể thao thấp hơn những quốc gia còn kém phát triển. 

Nói cho khoa học, thì phải nhắc đến bài viết của Ørnulf Seippel, một giáo sư người Na Uy, bài viết của ông có tựa đề “Sports and Nationalism in a Globalized World” (Tạm dịch là: “Thể thao và chủ nghĩa dân tộc trong một thế giới toàn cầu hóa – P.V) đăng năm 2017 trên tạp chí Xã hội học Quốc tế. Nghiên cứu này thực hiện trên 25 quốc gia, từ châu Âu sang châu Á, từ nước giàu sang nước nghèo. Cuộc khảo sát đi đến kết luận là lòng tự hào dân tộc trong thể thao là rất phổ biến, song nó thay đổi tùy thuộc vào hoàn cảnh, trình độ giáo dục và văn hóa. Ở những nước càng giàu, tinh thần tự hào này càng thấp. Ở những nước càng nghèo, tinh thần tự hào này càng cao. Những quốc gia có chỉ số GDP (tổng sản phẩm quốc nội) càng thấp và mức độ dân chủ càng thấp thì lòng tự hào về thể thao càng cao.

Tôi có thể lý giải được rằng đây là “mặc cảm dân tộc”. Khi đất nước mình nghèo, khi đời sống mình thấp, có một thành tích tốt trong một lĩnh vực nào đó có vượt qua những nước giàu hơn, thì lập tức thành tích ấy được thổi phồng vì giúp người dân tạm quên đi thực tại nghèo đói hàng ngày.

Vậy nên tôi nghĩ là, khi nhà báo bình luận thể thao, trước hết phải tránh tinh thần tự tôn dân tộc mù quáng, phải am hiểu sâu sắc về chuyên môn, phải dùng từ ngữ trong sáng, hợp lý. 

- Câu hỏi cuối, chị dự đoán năm nay đội nào sẽ vô địch?

Tôi không dám dự đoán vì tôi dự đoán rất dở. Những đội tuyển tôi yêu mến nhất là Đức và Argentina nhưng năm nay Đức không thành công. Vì vậy tôi hy vọng Argentina sẽ lên ngôi cao nhất và Messi sẽ khóc, nhưng khóc vì vui sướng.

Xin cảm ơn những chia sẻ của tiến sĩ Hà Thanh Vân

Tiểu Vũ (Thực hiện)

   

Tiểu Vũ