Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Không để bức xúc xã hội kéo dài
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 12:58, 02/07/2018
Sáng 2.7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương trên cả nước để bàn về tình hình kinh tế-xã hội.
3 vấn đề xã hội nổi cộm
Nhìn nhận tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng qua, Thủ tướng đánh giá khái quát là tình hình tiếp tục phát triển, có nhiều chuyển biến tốt, toàn diện trên các lĩnh vực, nổi bật như GDP 6 tháng tăng 7,08%, cả 3 khu vực (công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ) đều tăng cao hơn cùng kỳ. Theo xếp hạng tín nhiệm Fitch, Việt Nam là nước tăng trưởng nhanh nhất tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng “đó là nhận định của người ta, của định chế tài chính lớn, phân tích khách quan nhưng ta có làm được điều đó không, chính là do quyết tâm của chúng ta, đổi mới sáng tạo của chúng ta trong chỉ đạo, điều hành. Nếu chùn bước, không làm được gì thì không bao giờ đạt con số mà họ nhận định”.
Thủ tướng nhấn mạnh cần nhìn nhận yếu kém, tồn tại, nguy cơ đặt ra đối với sự điều hành, quản lý kinh tế-xã hội của đất nước. Từ đó, Chính phủ có biện pháp cụ thể hiệu quả hơn để xử lý, khắc phục kịp thời trong 6 tháng cuối năm.
“Vì vậy, tôi đề nghị chúng ta không nêu nhiều thành tích mà cái chính là đưa ra giải pháp sát, đúng với tình hình đất nước, các địa phương, các vùng”, Thủ tướng nói và đề nghị tập trung thảo luận 18 vấn đề chủ yếu như kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển công nghiệp hỗ trợ, phát triển đô thị, kinh tế tư nhân, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm an sinh, an toàn xã hội và các vấn đề xã hội bức xúc khác…
Không vì nhiều vụ kỷ luật mà chùn bước
Cho biết thời gian qua xảy ra nhiều vụ kỷ luật, nhiều vụ án, Thủ tướng nêu rõ “không phải vì thế mà chúng ta chùn bước trong phát triển, trong thực thi công vụ với tư cách là lãnh đạo của ngành, địa phương trong việc thực hiện các mục tiêu kinh tế-xã hội của đất nước”.
“Anh nào chần chừ, không làm việc, không xông pha để làm ra sản phẩm, hoàn thành tốt nhiệm vụ là vấn đề đáng suy nghĩ”, Thủ tướng phát biểu.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu ba vấn đề xã hội còn bức xúc. Đó là thiên tai đang dồn dập ở Lai Châu, Hà Giang, Lào Cai và miền Trung.
Thứ hai là vấn đề an ninh trật tự. “Vụ việc vừa qua ở Bình Thuận là kinh nghiệm chung cho các địa phương khác trong giữ gìn bình yên, ổn định trật tự xã hội. Ban Bí thư và Thủ tướng đã có cuộc họp bàn theo ý kiến của Trung ương, Bộ Chính trị, an ninh trật tự là việc quan trọng, là điều kiện tiên quyết tạo môi trường đầu tư, ổn định phát triển kinh tế xã hội”.
“Không để kẻ xấu phản động, kích động nhân dân. Lực lượng của chúng ta cơ bản chủ động nắm tình hình nhưng vẫn còn có chủ quan”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo đó, Thủ tướng cho rằng, chúng ta có đủ khả năng, đủ điều kiện để lập lại trật tự xã hội, bảo đảm cuộc sống bình yên của người dân, tạo môi trường đầu tư ổn định để đất nước phát triển đúng hướng.
Đối với các vấn đề xã hội bức xúc, Thủ tướng cho biết, thời gian qua có nhiều đại biểu Quốc hội, nhiều ý kiến phản ảnh về tình trạng an toàn giao thông, lừa đảo, xâm hại trẻ em, bạo lực học đường, an toàn thực phẩm, vệ sinh trong trường học, bệnh viện, tham nhũng, lợi ích nhóm, đề bạt cán bộ…
“Chúng ta không để tình trạng xã hội bức xúc kéo dài, ảnh hưởng đến sự ổn định lâu dài của đất nước, niềm tin của nhân dân, đến thế hệ mai sau. Cần quan tâm đến lợi ích chính đáng của nhân dân. Đây là yêu cầu cần thiết đối với mọi cấp, mọi ngành”, Thủ tướng nói.
Kinh tế còn nhiều thách thức
Về những khó khăn, thách thức trong lĩnh vực kinh tế, Thủ tướng điểm ra đầu tiên là sức ép lạm phát 6 tháng cuối năm khi mà CPI 6 tháng qua tăng mạnh, 0,61%, cao nhất trong 7 năm qua (chủ yếu là nhóm mặt hàng xăng dầu, ăn uống, giao thông, vật liệu xây dựng).
Đây là vấn đề cần tập trung thảo luận tại Hội nghị và phải có giải pháp cụ thể để kiểm soát lạm phát năm nay không quá 4%. Thủ tướng nhắc lại chủ trương không tăng giá điện trong năm nay, giá dịch vụ y tế thì có đủ điều kiện mới tăng trên tinh thần giữ lạm phát không quá 4%.
Ngoài ra, tồn tại nữa là phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công chậm, hiện mới đạt 33% dự toán năm. So với năm ngoái có tốt hơn nhưng đây vẫn là khâu yếu, do đó, theo Thủ tướng, cần thảo luận vì sao yếu, vì sao chậm, nguyên nhân khách quan, chủ quan là gì? Bên cạnh đó, môi trường đầu tư kinh doanh mặc dù có nhiều tiến bộ nhưng vẫn còn rào cản, có dấu hiệu “chững lại”, do đó, cần tập trung tháo gỡ, thúc đẩy.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nền kinh tế vẫn còn một số vấn đề cần được quan tâm. Mô hình tốc độ tăng GDP năm 2018 có xu hướng giảm dần, từ 7,45% của quý 1 (sau khi đánh giá lại) đã giảm xuống còn 6,79% của quý 2 và 7,08% của 6 tháng. Tuy vẫn ở mức khá, nhưng để đạt được mục tiêu kịch bản tăng trưởng đề ra 6,7% thì cần có sự nỗ lực, phấn đấu mạnh mẽ hơn nữa, cố gắng đạt khoảng 6,53% vào quý 3 và 6,36% vào quý 4.
Lý do là các quý cuối năm 2017 đã đạt mức tăng trưởng rất cao, nên tăng trưởng các quý cuối năm 2018 nếu đạt trên 6% là rất tích cực. Một số tổ chức quốc tế vẫn dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2018 ở mức khá, ví dụ Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo đạt khoảng 6,6% và là mức tăng tốt nếu so sánh với các nước trong khu vực.
Dự báo tình hình kinh tế, thương mại thế giới 6 tháng cuối năm tuy có dấu hiệu tăng chậm lại nhưng vẫn ở mức khá. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo kinh tế thế giới sẽ không duy trì được đà tăng trưởng khá vào năm 2019 và có tác động rất lớn đối với các nước đang phát triển, nước có xuất khẩu lớn, trong đó có Việt Nam.
Lam Thanh