TP.HCM than phiền Trung ương chậm cấp vốn khiến công trình trọng điểm dở dang

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 20:54, 02/07/2018

Tại hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ và các địa phương ngày 2.7, lãnh đạo các địa phương đã báo cáo tình hình hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2018 và kiến nghị nhiều vấn đề lên Thủ tướng.

TP.HCM kiến nghị 3 vấn đề lớn

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết việc thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư các dự án nhóm A sử dụng vốn ngân sách TP.HCM đang được các bộ ngành thẩm định dở dang.

TP.HCM hiện có 4 dự án nhóm A sử dụng ngân sách thành phố đang trình các cơ quan trung ương quyết định chủ trương đầu tư công, gồm: Xây dựng mới Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức, xây dựng mới Bệnh viện đa khoa khu vực Củ Chi, xây dựng mới Bệnh viện đa khoa khu vực Hóc Môn, nạo vét trục thoát nước rạch Bà Lớn.

Thực hiện nghị quyết 54 của Quốc hội, TP.HCM kiến nghị Thủ tướng chấp thuận giao TP.HCM thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư để đẩy nhanh tiến độ các dự án, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn.

Về nhu cầu vốn ODA cấp phát từ ngân sách trung ương năm 2018, ông Phong cho biết từ khi Luật đầu tư công có hiệu lực đến nay, TP.HCM chỉ được phép giải ngân kế hoạch vốn ODA hàng năm theo kế hoạch được Thủ tướng và Bộ kế hoạch và đầu tư giao.

“Điều này không đáp ứng đủ nhu cầu và ảnh hưởng rất nhiều đến tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm của Thành phố, đặc biệt là dự án xây dựng đường sắt đô thị tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên, dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 Bến Thành – Tham Lương, dự án vệ sinh môi trường TP.HCM giai đoạn 2”, Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh.

Do đó, Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị Chính phủ bố trí nguồn vốn ODA cho các dự án của thành phố phát triển theo đúng tiến độ. Lý do là đến cuối năm 2017, nhu cầu ODA của TP.HCM là 9.006 tỉ đồng, nhưng kế hoạch trung ương chỉ phân cho TP.HCM là 2.884 tỉ đồng, mới đáp ứng được khoảng 30%, nên ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện dự án.

“Kiến nghị Thủ tướng xem xét chỉ đạo bố trí, tạm ứng vốn ODA cấp phát từ ngân sách trung ương phù hợp với tiến độ thực hiện của các dự án trọng điểm của thành phố, đồng thời cho phép thành phố được giải ngân kế hoạch vốn ODA hàng năm theo tiến độ cấp vốn của nhà tài trợ nước ngoài như quy định tại điều 76 Luật đầu tư công”, ông Phong kiến nghị.

Ông Nguyễn Thành Phong cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo sớm có hướng dẫn thực hiện nghị định số 63/2018 về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (thay thế nghị định số 15/2015) để TP.HCM và các địa phương có cơ sở triển khai hoạt động thu hút đầu tư các công trình trọng điểm phát triển kinh tế xã hội.

Đánh giá về phát triển của TP.HCM, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận xét: “TP.HCM là thành phố đông dân, với khoảng 13 triệu dân. TP.HCM vẫn là thành phố năng động, tiếp tục dẫn đầu trong kinh tế-xã hội, đặc biệt là thu ngân sách. Tuy gặp nhiều trở ngại nhưng vẫn bảo đảm tốt các chỉ tiêu, đặc biệt trong bối cảnh phức tạp vừa qua để bảo đảm an ninh trật tự và an toàn xã hội”.

Về các kiến nghị của TP.HCM, Thủ tướng cho biết sẽ thúc đẩy phần trách nhiệm về thủ tục ở trung ương cũng như nguồn lực để bảo đảm thực hiện những công trình trọng điểm dở dang.

Hạn chế nhập xăng ngoại để “đỡ” cho Nghi Sơn

Đề cập đến Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, Ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, mặc dù chưa vận hành thương mại chính thức, song thời gian qua xăng dầu của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đã phải gửi tại một số kho tại miền Trung. Nếu hiện tượng này tiếp tục xảy ra, sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp và thu ngân sách của tỉnh.

Với tiến độ vận hành hiện nay, ông Xứng cho biết trong tháng 8 hoặc tháng 9.2018 nhà máy này có thể vận hành thương mại và hai phương án sản phẩm xăng dầu tại nhà máy này sản xuất ra sẽ đạt là 4 triệu tấn và 4,3 triệu tấn.

Để tạo điều kiện cho nhà máy lớn, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đề xuất Chính phủ, Bộ Công Thương xây dựng cơ chế để tiêu thụ hết sản phẩm sản xuất ra, trong đó nghiên cứu hạn chế nhập khẩu xăng dầu từ nước ngoài để nhà máy sản xuất đến đâu, tiêu thụ đến đó.

Cũng nêu kiến nghị tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, sắp tới Bộ sẽ triển khai các dự án giao thông rất lớn.

Đó là tuyến cao tốc Bắc-Nam phía đông với 11 dự án thành phần, trong tháng 7 Bộ GTVT sẽ phê duyệt 10 dự án và dự án cuối cùng là cầu Mỹ Thuận 2 sẽ được phê duyệt vào tháng 9. Sau khi phê duyệt, Bộ sẽ phối hợp với các địa phương để cắm mốc GPMB.

“Chúng tôi mong muốn các địa phương hỗ trợ giải phóng mặt bằng, vì việc này đòi hỏi nhiều công sức và phải làm hết sức thận trọng”, Bộ trưởng nói.

Vụ Bình Thuận là bài học lớn

Đề cập đến tình trạng an ninh trật tự tại Bình Thuận thời gian qua, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai cho biết một bộ phận nhân dân tụ tập đông người, đập phá tài sản một số cơ quan nhà nước đã bị xử lý nghiêm. Vụ việc này là bài học rất lớn đối với tỉnh uỷ, UBND và cả hệ thống chính trị.

Chủ tịch Bình Thuận cũng cho biết đã chỉ đạo các ngành, địa phương giải quyết triệt để các khiếu nại tố cáo những vụ việc tồn đọng gây bức xúc trong nhân dân.

“Chúng tôi đã đưa ra nhiều giải pháp tuyên truyền vận động để giải quyết những vấn đề ảnh hưởng và có nguy cơ về sự cố môi trường, đặc biệt tại trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân, giải quyết bức xúc trong đất đai không để ảnh hưởng đến an ninh trật tự”.

Liên quan đến việc xử lý những tồn tại phức tạp có nguy cơ xảy ra sự cố môi trường tại Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân, ông Hai cho rằng, áp lực về môi trường do phát tán khói bụi, tro sỉ và nước thải ra môi trường xung quanh gây tác động lớn đến đời sống của nhân dân và khu bảo tồn Hòn Cau.

Theo đó, Bình Thuận kiến nghị với Thủ tướng và các bộ, ngành Trung ương sớm có chủ trương xây dựng kè đá để chống sạt lở, bằng cách tận dụng các vật liệu nạo vét của cảng chuyên dùng của Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân. Nếu làm được việc này sẽ đạt được 3 mục tiêu: an dân, giải quyết được sự cố môi trường và đẩy nhanh tiến độ.

Lam Thanh

Trí Lâm