Mơ được làm 'người bình thường'
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 00:18, 03/07/2018
Khó có hạnh phúc trong tình yêu
Có một thực tế đáng buồn mà người chuyển giới nữ phải chấp nhận là rất khó có thể tìm được một nửa đích thực của đời mình. Những cuộc tình đến và đi cũng rất mong manh, tựa như bọt biển.
Mặc dù đã có một vóc dáng rất xinh đẹp, nhưng Hoàn Ngọc Mai cũng thừa nhận cô chưa bao giờ nếm trải được hương vị tình yêu. Mai cười buồn: “Quyết định làm người chuyển giới có nghĩa là bạn đã chấp nhận đánh đổi rất nhiều thứ, trong đó có tình yêu. Với người đồng tính, họ sẽ thích yêu người đồng tính, những người giống họ. Còn với trai thẳng thì họ dĩ nhiên sẽ chọn các cô gái bình thường hơn là những người chuyển giới. Từ lúc chuyển giới đến giờ, Mai vẫn chưa có người yêu".
Mặc dù sở hữu vóc dáng rất xinh đẹp, nhưng Hoàn Ngọc Mai thừa nhận cô chưa bao giờ nếm trải được hương vị tình yêu - Ảnh: NVCC
Chị Jessica từng có vài cuộc tình đẹp nhưng tất cả cũng chỉ là quá khứ. “Tình yêu giữa đàn ông và người chuyển giới cũng có nhưng rất hiếm. Đó phải là một người có sự thông cảm và tư tưởng thoáng lắm thì mới chấp nhận được. Bản thân mình cũng từng yêu và rồi phải để người ta đi vì khi quen mình, họ phải che giấu và xấu hổ. Sau đó họ cũng phải lập gia đình với người bình thường vì còn sinh con đẻ cái. Mình không dám trách ai, chỉ dám tự trách mình”.
Chị Jessica (áo xanh) từng có vài cuộc tình đẹp nhưng tất cả cũng chỉ là quá khứ- Ảnh: NVCC
Lan Trinh cho biết cô đã từng trải qua hai mối tình. Đến giờ tuy đã chia tay nhưng Lan Trinh vẫn luôn biết ơn người cũ vì đó cũng là người đã giúp cô tiền có được những mũi hormone đầu tiên tiêm vào người.
“Tình nghĩa và tình cảm thì vẫn còn nhưng cũng phải xa rời nhau mà thôi! Sau đó Trinh có một cuộc tình khác nữa nhưng rồi sau đó phát hiện người ta chỉ lợi dụng và xem mình như trò mua vui nên cũng chia tay được nửa năm nay. Bây giờ Trinh không còn muốn tin vào tình yêu của đàn ông dành cho người chuyển giới nữa mà chỉ cố gắng đi làm kiếm tiền”, cô chua xót nói.
Lan Trinh tuyên truyền cho chiến dịch thúc đẩy bình đẳng giới và chăm sóc sức khỏe cho người chuyển giới nữ ở TP.HCM
Mơ làm người bình thường
Đến thời điểm này, Tây Hà vẫn chưa nhận được sự ủng hộ từ phía mẹ. Cô vẫn phải bươn chải cuộc sống bên ngoài từ năm 18 tuổi. Ngày đi giải phẫu, Hà cũng chỉ có một mình, tự mua cháo ăn, tự lau rửa vết thương…
Lan Trinh thì may mắn hơn, tuy mồ côi cha nhưng mẹ Trinh lại chấp nhận hoàn cảnh của con và cũng chính bà theo con sang Thái Lan, đồng hành cùng con trong ca phẫu thuật.
Với sự ủng hộ ngày càng mạnh mẽ bởi nhiều người nổi tiếng, giới trí thức…, cộng đồng người chuyển giới đã ngày càng được xã hội ít xa lánh và kỳ thị hơn so với thời gian trước. Người chuyển giới cũng ngày càng xinh đẹp hơn nhờ sự tiến bộ của ngành giải phẫu thẩm mỹ, giúp cho cơ thể của các bạn ngày càng hoàn thiện.
Tây Hà phải bươn chải cuộc sống bên ngoài từ năm 18 tuổi. Ngày đi giải phẫu, Hà cũng chỉ có một mình, tự mua cháo ăn, tự lau rửa vết thương…
Chị Cà cho biết: “Hồi đó lúc bọn tôi mới về cái xóm này người ta ghét lắm, nói ra nói vào là thứ người không ra người, ngợm không ra ngợm, một cái nhà có mười mấy mét vuông mà cả chục con người sinh sống nhưng bây giờ thì các cô chú tổ trưởng, tổ phó trong xóm rất thương. Bọn mình sống rất đàng hoàng tử tế, chịu khó làm ăn, không làm gì bậy bạ và trái pháp luật hết nên dần dà mọi người cũng quý. Thêm nhiều lần mình tâm sự với các cô chú về hoàn cảnh, cuộc đời của những em ở trong nhà, mọi người dần đồng cảm. Giờ thì mọi người thậm chí có đồ ăn ngon còn hay mang sang cho tụi nhỏ. Ngoài ra, nhiều mạnh thường quân còn đem gạo, nước mắm, muối, đường, quần áo nữ cũ mang cho để giúp cuộc sống của các em đỡ khó khăn hơn”.
Dù cuộc sống gặp không ít khó khăn nhưng nhiều người chuyển giới vẫn đang cố gắng khẳng định mình, hòa nhập với cộng đồng, làm nhiều việc có ích cho xã hội - Ảnh: NVCC
Nếu như chị Cà được mọi người ưu ái gọi là “má” vì giúp đỡ cho các hoàn cảnh đặc biệt từ mọi miền đất nước khi đến TP.HCM không nơi nương tựa, tạo công ăn việc làm, cái ăn cái mặc cho các em và cho các em những lời khuyên răn thì Tây Hà (tên thật Đỗ Minh Tiến) lại là một gương sáng về nỗ lực vượt qua số phận. Không những cố gắng không ngừng để cải thiện cuộc sống, nhiều bạn chuyển giới còn không ngừng phấn đấu để trở thành người có ích cho cộng đồng.
Từng tốt nghiệp Trường đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM (chuyên ngành Quản trị kinh doanh) nhưng vì sự khác biệt ngoại hình, Tây Hà không thể nào xin được việc. Nhưng đến nay, Tây Hà có nhiều đóng góp cho cộng đồng LGBT. Hà từng có 2 năm làm việc tại tổ chức ICS và hiện tại đang công tác tại phòng khám Nhà Mình. Công việc của Hà là hỗ trợ cho người chuyển giới nói riêng và cộng đồng LGBT nói chung những vấn đề liên quan đến sức khỏe tình dục...
Tây Hà (tên thật Đỗ Minh Tiến) từng tốt nghiệp đại học và đang có nhiều hoạt động xã hội hỗ trợ cho cộng đồng người chuyển giới nói riêng và LGBT nói chung
Hay như Lan Trinh, sau ba năm phẫu thuật chuyển giới, Trinh cũng đang tham gia nhiều hoạt động xã hội, các dự án hỗ trợ sức khỏe cho cộng đồng LGBT. Ngoài ra, Trinh còn là người mẫu ảnh, PG với mức thu nhập khá ổn định. Còn Ngọc Mai cũng đang kinh doanh về các sản phẩm làm đẹp cho nữ giới.
Mong có luật cho người chuyển giới
Mặc dù đã có cái nhìn bớt khắt khe hơn nhưng vẫn còn đó sự kỳ thị mạnh mẽ trong xã hội. Nhiều bạn vẫn khó khăn trong việc xin việc làm (dù là lao động phổ thông)… Ngoài ra, hiện nay vẫn chưa có luật dành cho người chuyển giới nên các bạn dù đã được đổi thành tên con gái nhưng giới tính vẫn là nam. Chị Cà chia sẻ: “Mình có đầy đủ giấy chứng nhận của bác sĩ giới tính của mình là XX, là người chuyển giới nhưng vì Việt Nam vẫn chưa thừa nhận người chuyển giới nên mơ ước lớn nhất là được luật pháp thừa nhận và ghi trên thẻ căn cước mình là giới tính nữ”.
“Chúng tôi không dám mơ ước gì cao xa, chỉ mơ ước được đối xử như một người bình thường. Mọi người đừng nhìn mình như thể mình là quái thai hay những kẻ tội đồ vì hơn ai hết, chúng tôi chỉ muốn được-là-chính-mình. Và hành trình đó đã đánh đổi bằng nhiều nước mắt, máu và thậm chí cả mạng sống của mình”, Jessica thở dài nói về khao khát được làm “người bình thường”.
Cộng đồng LGBT nói chung và người chuyển giới nói riêng luôn mong mỏi có luật dành riêng cho mình để bớt bị phân biệt đối xử hơn - Ảnh: NVCC
Với sự ủng hộ ngày càng mạnh mẽ bởi nhiều người nổi tiếng, giới trí thức...
… cộng đồng người chuyển giới đã ngày càng được xã hội ít xa lánh và kỳ thị hơn so với thời gian trước - Ảnh: NVCC
Các người đẹp chuyển giới thường xuyên tham gia các chương trình tuyên truyền phòng chống HIV do các tổ chức phi chính phủ lẫn Nhà nước tổ chức - Ảnh: NVCC
Có thể, quá trình vận động cho cộng đồng LGBT vẫn còn rất dài và gặp nhiều khó khăn nhưng chúng tôi vẫn tin rằng, vẫn còn rất nhiều trái tim ấm trong xã hội hướng về những phận người đặc biệt và sẵn sàng đưa bàn tay nắm thật chặt họ. Sự bình đẳng giới, sẽ không còn là mơ ước xa vời nếu chúng ta thay đổi nhận thức từ hôm nay. Và một ngày nào đó, các bậc phụ huynh cũng như người dân có thể thừa nhận, người chuyển giới vốn dĩ là những cô-gái-thực-sự chỉ trót "mắc kẹt" trong thân xác đàn ông.
Buổi chiều mưa, nhóm người chuyển giới vừa cặm cụi làm trang phục diễn, vừa nghêu ngao hát:
“Cha mẹ sanh con nào có sanh lòng
Đâu ra chứng bệnh đau lòng mẹ cha
Thường ngày em mãi đờn ca
Hát lên bản nhạc bài ca thêm buồn”
Dù biết đây không phải là bệnh lý và không ai chọn lựa được giới tính của mình khi sinh ra, nhưng sao chúng tôi cứ mãi day dứt và ám ảnh về cuộc đời của những bóng hồng dị biệt kia…
Theo Hà Thanh Phúc (TNO)