Bộ VHTT-DL lý giải việc các nghệ sĩ gạo cội TP.HCM trượt trong đợt phong tặng NSND

Văn hóa - Ngày đăng : 06:04, 06/07/2018

Ông Phùng Huy Cẩn - Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) lên tiếng về việc NSƯT Minh Vương và nhiều nghệ sĩ cải lương gạo cội trượt NSND trong lần xét duyệt thứ 9.

Chiều 5.7, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT-DL) tổ chức họp báo thường kỳ quý II năm 2018. Vấn đề xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND), Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) nhận được sự quan tâm đặc biệt của báo giới.

Ông Phùng Huy Cẩn - Vụ trưởng Vụ Thi đua, khen thưởng của Bộ VHTT-DL - đã khái quát qua về quá trình xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT. Có 77 trên tổng số 105 hồ sơ xét tặng danh hiệu NSND và 303 trên tổng số 359 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSƯT đạt được trên 90% số phiếu đồng ý từ thành viên Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước.

Đáng chú ý, trong số 77 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND không có tên những gương mặt gạo cội của nghệ thuật cải lương như: NSƯT Minh Vương, NSƯT Thanh Tuấn, NSƯT Giang Châu...Những nghệ sĩ này được Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM gửi danh sách để cử xét tặng danh hiệu NSND, mặc dù họ không có đủ một số điều kiện như quy định.

Trả lời trước thắc mắc của báo chí về việc các nghệ sĩ gạo cội của TP.HCM "trượt" danh hiệu NSND đợt này, ông Phùng Huy Cẩn - vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng (Bộ VHTT-DL) giải thích: "Trước khi xét, chúng tôi nhận được nhiều cảnh báo, nhiều người sợ là số lượng nghệ sĩ được danh hiệu cũng sẽ tăng đột biến như bên xét chức danh giáo sư vừa qua. Nhưng thực tế, số lượng nghệ sĩ được trao danh hiệu năm nay không nhiều hơn. Các hồ sơ được xét tặng được thực hiện đúng theo từng bước, chúng tôi đã họp 5 hội đồng chuyên ngành, trong đó 4 hội đồng không có vấn đề gì lớn. Nhưng riêng hội đồng sân khấu có nhiều lĩnh vực như tuồng, chèo, cải lương, kịch nói nên khi xét cũng có nhiều ý kiến từ các địa phương và một số nghệ sĩ. Vì sự đặc thù của hội đồng này, chúng tôi cũng đã báo cáo với hội đồng trước khi bỏ phiếu về những nghệ sĩ có thể không qua đào tạo nhưng đó là loại hình nghệ thuật có tính chất truyền nghề. Hội đồng cũng đã ghi nhận”, Vụ trưởng khẳng định.

Ông Phùng Huy Cẩn, Vụ trưởng Vụ Thi đua Khen thưởng, Bộ VHTT-DL

Thế nhưng, cũng theo ông Cẩn, khi bỏ phiếu, quyền là của các thành viên hội đồng. Nhiều nghệ sĩ cải lương không được vì không đạt đủ 90% số phiếu của hội đồng. Dù vậy, đại diện cơ quan quản lý văn hóa cũng khẳng định luôn lắng nghe từ dư luận và cơ quan thông tin đại chúng. Bộ đã đăng tải toàn bộ danh sách được trao tặng danh hiệu nghệ sĩ. Trong thời gian này, Bộ tiếp tục lắng nghe, tiếp thu từ ý kiến từ nghệ sĩ, các cơ quan báo chí, trên cơ sở đó để báo cáo cơ quan xem xét và sẽ có đề xuất phù hợp hơn”, ông Cẩn nhấn mạnh.

Cũng chia sẻ về quan điểm của Bộ VHTT-DL có tiếc nuối khi các nghệ sĩ gạo cội có nhiều cống hiến trong thực tế cho đời sống văn hóa nghệ thuật lại bị trượt, thậm chí có nghệ sĩ trượt tới 3 lần trong các đợt xét tặng thì ông Cẩn khẳng định "không có gì tiếc nuối" trong các trường hợp trên. "Bộ VHTT-DL chỉ thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình, giúp cho Hội đồng xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT mà thôi" - ông Cẩn khẳng định.

Theo ông Cẩn, một trong những tiêu chí xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT là thời gian hoạt động nghệ thuật của các nghệ sĩ. Tại khoản 3, điều 3 của Nghị định 89 quy định, thời gian hoạt động nghệ thuật của người nghệ sĩ được tính từ khi họ tốt nghiệp các trường nghệ thuật. Tuy nhiên nhiều nghệ sĩ sân khấu, đặc biệt là ở các môn nghệ thuật truyền thống thường không qua trường lớp chuyên nghiệp. Họ chủ yếu được truyền nghề hay đi theo các đoàn nghệ thuật từ rất sớm. Những nghệ sĩ như thế này trong phía Nam rất nhiều, đặc biệt trong lĩnh vực cải lương.

Trước kỳ xét tuyển danh hiệu NSND, NSƯT, Vụ Thi đua khen thưởng nhận được nhiều ý kiến phản ánh tính chất đặc thù trên của các nghệ sĩ sân khấu. Hội đồng có xem xét và ghi nhận những ý kiến này. Tuy nhiên, khi bỏ phiếu tức là quyền thuộc về các thành viên Hội đồng. Một số nghệ sĩ phía Nam, đặc biệt là các nghệ sĩ cải lương không đạt được con số 90% số phiếu đồng ý từ các thành viên Hội đồng. Vì thế, họ không có tên trong danh sách các nghệ sĩ đủ điều kiện trình Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 9.

Trước đó, cũng trả lời báo chí, ông Cẩn cũng cho rằng việc "có huy chương vàng mới được xét tặng danh hiệu" không phải là tính chất quyết định vì nếu đó là tính chất quyết định thì Bộ để cài cho máy tính trình duyệt chứ không cần thành lập hội đồng.

"Nếu các nghệ sĩ không có huy chương, thế thì mọi người phải tự biết mình có xứng đáng hay không vì các hội thi quốc gia được tổ chức thường xuyên, đấy là nơi để so tài. Khi đất nước đã hòa bình, thống nhất rồi, điều kiện đào tạo có rồi thì các nghệ sĩ phải được đào tạo nghiêm túc và phải được thể hiện tài năng đó bằng các cuộc thi nghiêm túc của Nhà nước để chứng minh được tài năng của mình. Việc làm hồ sơ đề nghị xét phong tặng là các nghệ sĩ đều tự nguyện làm. Và cần phải hiểu là khi xét phong tặng có người được, có người không được chứ chúng tôi đâu có ép buộc các nghệ sĩ phải làm hồ sơ? Chúng tôi xin ghi nhận ý kiến của dư luận và nhân dân khi cho rằng việc phong tặng hiện nay mang nặng cơ chế xin - cho. Nhưng đây là giải thưởng của Nhà nước nên cần phải sử dụng bộ máy nhà nước để xem xét, đánh giá."

Danh sách các hồ sơ được đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ VHTT-DL từ ngày 3.7 đến hết ngày 11.7.2018 để lấy ý kiến của nhân dân trước khi Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước hoàn thiện hồ sơ trình Hội đồng cấp Nhà nước theo quy định.

Dạ Thảo

Hải Yến